Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng và báo cáo Thủ tướng về xây dựng sàn thương mại điện tử Việt Nam với liên minh châu Âu (EU). Sàn thương mại điện tử sẽ bao gồm cả các thủ tục hải quan, thông quan, logistics, hóa đơn điện tử…
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết tại hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả hiệp định EVFTA do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, UBND TP.HCM tổ chức ngày 30.6.
Theo ông Trần Tuấn Anh, với hiệp định EVFTA, sau khi được ký kết và có hiệu lực thì nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỉ USD.
Tuy nhiên, để hiệp định sớm đi vào thực tiễn thì có rất nhiều việc cần phải làm, trong đó vấn đề cần tập trung quyết liệt là luật hóa và ban hành các hướng dẫn, quy định của luật pháp và hướng dẫn cụ thể để hiệp định đi vào hiệu lực ngay.
Do vậy, Bộ Công thương đã hoàn tất việc tổng hợp chung và xin ý kiến cuối cùng của bộ ngành để trình Chính phủ phê duyệt. Bộ cũng có các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp như xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu chung cho tất cả các doanh nghiệp trong khai thác phát triển thị trường EU.
Đáng chú ý, hiện nay Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng và báo cáo Thủ tướng về xây dựng sàn thương mại điện tử Việt Nam với EU. Việc này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên tham gia và tạo điều kiện tối đa thuận lợi hóa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Sàn thương mại điện tử này sẽ bao gồm cả khu vực công, dịch vụ hành chính công, cũng như các thủ tục hải quan, thông quan, vấn đề logistics, các hoạt động về chứng thực điện tử, hóa đơn điện tử… để đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động tiếp cận được các dịch vụ hành chính công của cả hai bên. Đặc biệt, thông qua những công cụ xúc tiến thương mại và kết nối giao thương hai bên trên nền tảng số thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có điều kiện thực thi hoạt động thương mại điện tử.
“EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Mặc dù EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng ta mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU. Do vậy, chúng ta đang có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng EVFTA là cơ hội vàng, cú hích lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản, đặc biệt với các sản phẩm thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, rau quả, gạo, điều, cà phê, tiêu và các sản phẩm đồ gỗ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị - Ảnh: Phan Diệu
Đặc biệt, hiệp định tăng cường hoạt động đầu tư từ EU vào Việt Nam sẽ đi kèm với chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng quản lý, lao động. Điều này sẽ giúp tăng trưởng sản lượng, chất lượng nông lâm sản nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của EU.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết EU hiện là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Đây cũng là thị trường xuất siêu truyền thống của TP.HCM, là đối tác xuất khẩu lớn thứ ba, đối tác nhập khẩu lớn thứ hai của thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sang EU đạt gần 2,3 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU về TP.HCM đạt gần 1,3 tỉ USD. Riêng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang EU trong nửa đầu năm nay đã đạt khoảng 313 triệu USD.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Phan Diệu
Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, TP.HCM sẽ đẩy mạnh hỗ trợ để doanh nghiệp ở thành phố nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định. Ngoài ra, TP.HCM sẽ nghiên cứu, ban hành đề án phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng năm 2030 để cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng chuyển sang xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao.
Phan Diệu