Ở Singapore đang có những nỗ lực đối phó, khi có sự lo ngại rằng Bắc Kinh dựa vào sự tương đồng văn hóa nơi người Singapore gốc Hoa để kêu gọi họ trung thành với “mẫu quốc” Trung Quốc.

Singapore không công nhận Trung Quốc là ‘mẫu quốc’

07/08/2018, 14:30

Ở Singapore đang có những nỗ lực đối phó, khi có sự lo ngại rằng Bắc Kinh dựa vào sự tương đồng văn hóa nơi người Singapore gốc Hoa để kêu gọi họ trung thành với “mẫu quốc” Trung Quốc.

Dân Singapore chụp ảnh trước biểu tượng Sư tử Biển - Ảnh: New York Times

Theo báo New York Times ngày 5.8, Singapore là quốc gia trẻ với đa số dân là di dân, từ hàng chục năm qua đã khuyến khích người gốc Hoa kết nối với di sản văn hóa Trung Hoa và quảng bá bản sắc quốc gia Singapore.

Bắc Kinh nỗ lực gieo tầm ảnh hưởng bằng tương đồng văn hóa

Nhưng sự lo ngại càng tăng, rằng Trung Quốc có thể dựa vào sự tương đồng văn hóa để vận động cộng đồng gốc Hoa trung thành với “mẫu quốc”.

Trung Quốc đang tự tin là một thế lực chính trị-kinh tế trỗi dậy nhanh, ngày càng nỗ lực thu hút cộng đồng gốc Hoa phục vụ cho các quyền lợi của Trung Quốc cũng như gieo ảnh hưởng ở nước ngoài. Times nói đã có chứng cứ Trung Quốc thao túng hoạt động chính trị nơi các cộng đồng gốc Hoa ở Canada, Mỹ và Úc.

Ở Singapore, cộng đồng gốc Hoa chiếm 75% trong tổng số 5,6 triệu dân, và các cựu quan chức ngoại giao và những nhà trí thức lo ngại Trung Quốc có thể nhắm vào cộng đồng này để thực hiện nỗ lực gây tầm ảnh hưởng.

Ông Bilahari Kausikan, cựu thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore, cũng là một người nói thẳng về nguy cơ Trung Quốc can thiệp vào chính trường Đảo quốc Sư tử, nói: “Với chúng tôi, đấy là vấn đề sống còn, tính được thua rất cao. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thực tế địa-chính trị mà bất kỳ ai cũng phải chấp nhận. Nhưng theo tôi, từ sự tương đồng văn hóa tiến đến ý tưởng về sự tối thượng của Trung Quốc chỉ là một bước rất nhỏ. Chúng tôi chỉ mới có 35 năm lịch sử, không thể bảo đảm mỗi công dân Singapore gốc Hoa sẽ không bị lôi kéo vào bước nhỏ ấy”.

Hồi tháng 7, ông Kausikan báo động điều ông gọi là “hoạt động ngầm gieo tầm ảnh hưởng” của Trung Quốc.

Lập tức Đại sứ Trung Quốc ở Singapore, ông Hồng Tiểu Dũng công khai phản bác ông Kausikan, qua một bài đăng trên báo The Straits Times: “Chúng tôi tôn trọng nguyên tắc sống chung hòa bình, đề cao công lý và sự bình đẳng toàn cầu. Chúng tôi phản đối việc nước lớn bắt nạt nước nhỏ và can thiệp vào chuyện nội bộ các nước khác. Trung Quốc tuyên bố và cũng sẽ hành động như thế”.

Nhà ngoại giao còn viết: “Trung Quốc tôn trọng các thành tựu của Singapore, trong việc duy trì sự hòa điệu về chủng tộc và tôn giáo. Trung Quốc không hề có ý định gây ảnh hưởng lên bản sắc quốc gia Singapore và sẽ không bao giờ làm thế”.

Nhưng theo Times, sự cảnh giác cao của các quan chức Singapore tiếp sau sự cố ngày 4.8.2017: Bộ Nội vụ nước này (MHA) quyết định trục xuất Giáo sư Hoàng Tĩnh của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, do vị học giả người Mỹ gốc Trung Quốc này bị xác định là “một điệp viên bị tác động từ nước ngoài”.

MHA nhấn mạnh: “Ông Hoàng Tĩnh chủ động tiếp xúc với các tổ chức tình báo và điệp viên của nước ngoài, đồng thời hợp tác với họ để tác động đến chính sách ngoại giao của chính phủ và công luận Singapore” mà không nói “nước ngoài” là nước nào.

MHA cũng khẳng định vị giáo sư chuyên nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung này đã cung cấp “thông tin đặc quyền” về nước ngoài cho những người Singapore có ảnh hưởng, nhằm mục đích tác động đến quan điểm của họ, làm lợi cho “nước ngoài” đó.

Theo Times, vụ trục xuất ông Hoàng Tĩnh xảy ra vào lúc Singapore và Trung Quốc gia tăng căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ liên quan Biển Đông.

Giáo sư Hoàng Tĩnh bị trục xuất khỏi Singapore - Ảnh: AP

Bắc Kinh tổ chức vận động “Về nguồn”, khơi dậy “tình cốt nhục”

Ông Kausikan và những người khác cũng lo ngại, về nỗ lực ngấm ngầm gây ảnh hưởng ở Singapore của Bắc Kinh, gồm việc khơi dậy mối quan hệ “cốt nhục” giữa Singapore với Trung Quốc.

Vài năm gần đây, Trung Quốc tăng cường giao lưu giữa hai nước, giúp tổ chức các hội thảo để tập hợp người gốc Hoa ở nước ngoài, thu xếp cho người Singapore gốc Hoa về thăm quê cũ, và điều phối các chương trình du học cũng như lập các cuộc cắm trại “về nguồn” cho giới trẻ Singapore. Các cơ quan chính quyền Trung Quốc-như Văn phòng Hoa kiều hải ngoại- tổ chức và chi tiền cho các hoạt động này.

Theo Times, trong một văn bản giới thiệu một cuộc cắm trại trong năm 2018, giới học sinh-sinh viên Singapore được hứa sẽ tham gia nhiều hoạt động, như học lịch sử Trung Hoa, học viết thư pháp.

Ở một kỳ trại khác năm 2014, lịch sinh hoạt gồm học môn võ Thái Cực Quyền và hát “nhạc đỏ”, tức các ca khúc ca ngợi chủ nghĩa Cộng sản.

Vài năm gần đây, các cán bộ Ban Mặt trận thống nhất (một cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc lo thu phục cảm tình ở nước ngoài, và Ban Hoa kiều Hải ngoại thuộc Ban này kể từ năm 2018) cũng thường thăm Singapore, nhằm củng cố quan hệ với cộng đồng gốc Hoa ở đây.

Năm 2013, ông Hong Guoping, một thành viên của Ban trên tại quận Tường An của tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) nói với cộng đồng gốc Hoa kết nghĩa với quận Tường An: “Điện thoại di động của tôi mở 24 giờ/ngày. Đồng bào gọi tôi bất kỳ lúc nào đều được. Tôi sung sướng phục vụ đồng bào”.

Giáo sư trợ giảng Ian Chong thuộc khoa Khoa học chính trị ở NUS nói: “Nếu rộng lòng hiểu thì đó là quan hệ giao lưu giữa hai dân tộc, còn hiểu theo cách nghi ngờ, thì đó là một nỗ lực gieo tầm ảnh hưởng quyền lực mềm của Trung Quốc”.

Đoàn nghệ sĩ Trung Quốc qua Singapore biểu diễn - Ảnh: New York Times

“Lực lượng quân ủy nhiệm” của Trung Quốc ở nước ngoài

Vài nhà trí thức cũng nêu cao một khuynh hướng đáng lo, là Trung Quốc ngày càng mập mờ trong phân biệt Hoa kiều với khối dân gốc Hoa thiểu số ở nước ngoài.

Năm 2017, tại một cuộc gặp các Hoa kiều ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh cần giúp 60 triệu người gốc Hoa ở hơn 180 quốc gia và lãnh thổ được thụ hưởng “Trung Hoa Mộng”.

Theo Tân Hoa Xã, ông Tập nói: “Việc thực hiện công cuộc hồi xuân tổ quốc Trung Hoa đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả những đứa con, đứa cháu Trung Hoa ở trong nước và nước ngoài”.

Giáo sư Ian Chong nói: “Sự chú trọng củng cố quan hệ với cộng đồng gốc Hoa nhằm nhấn mạnh rằng tất cả các khối gốc Hoa thiểu số đều cùng tổ nguồn cội, từ đó họ phải gắn bó hơn với viễn cảnh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Tranh tường ở khu Phố Tàu (Singapore) - Ảnh: Getty Images

Tại một số quốc gia phương Tây, Trung Quốc đã thành công trong việc vận động giới doanh nhân, sinh viên gốc Hoa và giới truyền thông tiếng Hoa, mà theo Times, đó là một cách dùng họ làm “quân ủy nhiệm nhằm chống phá các quan điểm bài Trung, hoặc ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về những vấn đề nhạy cảm như Đài Loan, Tây Tạng”.

Nhưng thường thì nỗ lực này có kết quả ngược, nhiều cộng đồng gốc Hoa nói họ là nạn nhân của sự nghi ngờ rằng họ là “dư luận viên” của Trung Quốc.

Wang Gungwu, cựu chủ nhiệm Viện Đông Á thuộc NUS, nói: “Khi bạn tìm đến người cùng chủng tộc, dòng máu, chính phủ các nước khác xem điều đó là không thể chấp nhận được. Mặt khác, Bắc Kinh cứ nghĩ làm việc đó là chuyện tự nhiên. Từ đó có sự bất đồng, dù hậu quả có thể là ngoài ý muốn đi nữa”.

Đảo quốc Sư tử không chấp nhận Trung Quốc là “mẫu quốc”

Theo Times, Singapore là quốc gia cuối cùng trong Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, sau khi Singapore độc lập năm 1965 và khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức.

Cùng lúc, dưới thời Thủ tướng Lý Quang Diệu, Singapore nỗ lực xây dựng bản sắc quốc gia riêng, dựa vào nền tảng đa chủng tộc, bình đẳng và theo chế độ nhân tài, một triết lý chính trị cho rằng quyền lực nên được trao cho người có khả năng lãnh đạo.

Nhưng Singapore cũng luôn cần nhắc nhớ Trung Quốc rằng Singapore không là một “tiểu quốc” của Trung Quốc. Ví dụ năm 2017, không lâu sau khi Trung Quốc khai trương một trung tâm “đẹp long lanh” để quảng bá văn hóa Trung Quốc, Singapore “phản công” với Trung tâm Văn hóa Singapore Trung Hoa 11 tầng (trị giá 110 triệu USD) ngay tại giữa khu tài chính của đảo quốc Sư tử.

Thông điệp từ Trung tâm này rất rõ ràng: văn hóa Singapore Trung Hoa không giống văn hóa Trung Quốc.

Trung tâm Văn hóa Singapore Trung Hoa - Ảnh: New York Times

Nỗ lực gieo ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Singapore cũng không được êm xuôi. Khi Trung Quốc tiến hành mở cửa với thế giới hồi những năm 1980 và có tiềm năng kinh tế, Singapore liền có cách riêng với di sản Trung Hoa.

Ví dụ hồi cuối thập niên 1970, chính phủ mở chiến dịch khuyến khích giới trẻ Singapore gốc Hoa học tiếng phổ thông (ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc) thay vì học các thổ ngữ địa phương, nhằm tạo cơ hội làm ăn lớn hơn cho họ. Hàng năm, Singapore cũng tổ chức nhiều cuộc biểu diễn cho các nghệ nhân Trung Quốc, nhất là vào dịp đón Tết Nguyên đán.

Năm 2017, Singapore là điểm đến đầu tư hàng đầu của Trung Quốc, vì đảo quốc Sư tử có khả năng là cầu nối giữa Trung Quốc với phương Tây. Nhưng người Singapore không tin Trung Quốc sẽ thành công trong việc khơi được sự trung thành với “mẫu quốc” nơi cộng đồng Singapore gốc Hoa.

Theo Times, thế hệ trẻ của cộng đồng này đã thụ hưởng nền giáo dục tiếng Anh, nên họ thường không có khái niệm gì về Trung Quốc, và khả năng nói tiếng Hoa của họ lại hạn chế. Thêm nữa, dòng di dân Trung Quốc ồ ạt đến Singapore những năm gần đây, càng làm dày sự khác biệt giữa hai nước.

Pang Cheng Lian, chủ một nhà xuất bản từng có đầu sách “50 năm của cộng đồng gốc Hoa ở Singapore”, nói: “Vài người có thể về làng cũ thăm tổ tiên, chứng kiến sự tiến bộ ở Trung Quốc, nhưng cuối cùng họ không bao giờ nhìn lại và nghĩ đó là quê hương của họ”.

Tuy nhiên, nói về việc củng cố tầm ảnh hưởng ở nước ngoài, Trung Quốc đã chứng minh khả năng kiên trì “chờ thời”. Nhà nghiên cứu Leo Suryadinata ở Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore kết luận: “Họ không vội đạt kết quả lập tức, vì quan điểm của Bắc Kinh luôn là quan điểm dài hạn”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc năm 2024
1 giờ trước Văn hóa
Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ 3 - 2024 TP.HCM được khai mạc sáng nay 19.4.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Singapore không công nhận Trung Quốc là ‘mẫu quốc’