Một bộ trưởng Singapore cho biết, mặc dù biết rằng sẽ khiến cho nước láng giềng Indonesia tức giận, nhưng Singapore vẫn quyết định sẽ tiến hành truy tố những doanh nghiệp Indonesia có liên quan đến việc đốt rừng gây ra hiện tượng mù khô bao phủ toàn Singapore vào năm 2015.
Căn cứ theo Đạo luật ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới 2014, Singapore đã yêu cầu 6 nhà cung cấp nguyên liệu cho Công ty nghiền bột giấy và sản xuất giấy châu Á APP (Indonesia) phải cung cấp tư liệu để chứng minh rằng họ có tham gia ngăn chặn các vụ đốt rừng, ông Masagos Zulkifli, Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên nướccho biết.
Ông Masagos nói:“Chúng tôi được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để làm việc này. Chúng tôi không làm gì sai hay phạm pháp, mà chỉ là yêu cầu các công ty và người quản lý của họ phải chịu trách nhiệm cho những gì mà họ đã làm”.
Bộ trưởng cũng khẳng định, Singapore hoàn toàn có quyền đưa những người quản lý của các công ty ra tòa, và những công ty thực sự có tham gia vào việc đốt rừng gây ô nhiễm sẽ phải nhận mức phạt tiền 100.000 SGD (khoảng74.000 USD) cho mỗi ngày họ đốt rừng.
Mỗi khi tới thời điểm hàng loạt vụ đốt rừng cọ để lấy đất canh tác diễn ra tại Indonesia, Singapore đều là nước bị ảnh hưởng bởi khói bụi nặng nề nhất. Chính vì việc này mà chính quyền Singapore đã ban hành Đạo luật ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới 2014 để cùng với chính quyền Indonesia giải quyết vấn đề. Đạo luật này rất được ông Joko Widodo, Tổng thống Indonesia, ủng hộmiễn là luật này không xâm phạm đến chủ quyền của Indonesia.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới WB, đợt đốt rừng năm 2015 đã gây ra thiệt hại về kinh tế cho cả Singapore và Indonesia. Với việc bị buộc phải đóng cửa trường học, hoạt động giao thông bị ảnh hưởng, hiện tượng mù khô đã khiến Singapore thiệt hại 700 triệu SGD. Tại Indonesia, người dân bị buộc phải sơ tán khỏi nhà và khiến kinh tế đất nước này mất 16,1 tỉUSD.
Ông Masagos đánh giá việc xử lý các công ty Indonesia gây ô nhiễm sẽ không làm tổn hại đến quan hệ song phương của hai nước. Theo ông, “chúng tôi tôn trọng chủ quyền của Indonesia cũng như quyền từ chối cung cấp thông tin mà họ có. Nhưng nếu họ làm vậy thì nghĩa là họ đã bao che và gián tiếp khuyến khích những hoạt động tàn phá thiên nhiên được tiếp tục thực hiện, như vậy thì kinh tế của họ cũng bị ảnh hưởng”.
Vào tháng trước, bà Siti Nurbaya Bakar, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia, cho biếtsau khixem xét,chính phủ Indonesia quyết định sẽ chấm dứt một số hợp tác song phương giữa hai nước trong vấn đề lâm nghiệp và ô nhiễm khói bụi. Quyết định này được đưa ra sau khi Singapore tiến hành bắt giữ giám đốc của một công ty Indonesia do người này đã không trình diện để giải trình với cơ quan chức năng Singapore.
Trong tuần này, Singapore cho biếtnước này sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ Indonesia để xử lý các vụ đốt rừng, trong đó có biện pháp gửi máy bay cứu hỏa.
Theo giáo sư Kotaro Tamura thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew School of Public Policy), sẽ rất khó cho Singapore truy tố những doanh nghiệp Indonesia gây ô nhiễm mà không vấp phải những phản ứng từ nước láng giềng. Theo ông, vấn đề này nên được giải quyết thông qua một bên thứ ba như Liên Hợp Quốc hay Tòa án công lý quốc tế.
Cẩm Bình (theo Bloomberg)
Ảnh: Đốt rừng tại Indonesia.