Đảo quốc Sư tử đang nỗ lực trở thành điểm đến của các giải đấu thể thao điện tử (e-sport) bởi lợi ích kinh tế to lớn mà lĩnh vực mới nổi này mang lại.

Singapore nỗ lực trở thành điểm đến của thể thao điện tử

Cẩm Bình | 19/06/2022, 11:45

Đảo quốc Sư tử đang nỗ lực trở thành điểm đến của các giải đấu thể thao điện tử (e-sport) bởi lợi ích kinh tế to lớn mà lĩnh vực mới nổi này mang lại.

Như nhiều bậc cha mẹ khác, người nhà của Jolene Poh - game thủ 27 tuổi - lo ngại việc chơi game ngay từ lúc học tiểu học có thể khiến cô xao nhãng việc học.

“Khi tôi bắt đầu giành được giải thưởng chẳng hạn như tiền, thiết bị chơi game, thậm chí máy tính xách tay thì họ tỏ ra ủng hộ nhiều hơn. Nhưng mẹ vẫn muốn tôi nhớ rằng học tập vẫn là số 1”, Poh chia sẻ.

Poh tham gia thi đấu game di động Liên minh huyền thoại từ năm 17 tuổi. Cô chẳng thể nào ngờ một thập kỷ sau cô trở thành thành viên của đội tuyển thể thao điện tử nữ Singapore và vừa giành huy chương bạc tại Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) tháng 5. Nữ game thủ đạt thành tích này khi vừa làm việc cho một công ty thể thao điện tử, vừa theo học đại học Khoa học xã hội Singapore.

sing00.jpg
Tuyển thể thao điện tử nữ Singapore giành huy chương bạc tại SEA Games tháng 5 - Ảnh: Singapore Esports Association

Hành trình của Poh phản ánh con đường phát triển của thể thao điện tử những năm qua. Chơi game từng bị nhận xét là hoạt động gây nghiện nhưng giờ đây lại là con đường sự nghiệp tiềm năng cho không ít người.

Trong bối cảnh thể thao điện tử không ngừng phát triển, Singapore cũng nỗ lực biến mình thành điểm đến của các giải đấu thể thao điện tử.

Vào tháng 10, đảo quốc sư tử sẽ là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tổ chức giải The International (TI) quy mô toàn cầu thi đấu game Dota 2.

Singapore hoàn toàn có khả năng giành được thị phần trong ngành thể thao điện tử. Doanh thu ngành quy mô toàn cầu đã tăng từ 996 triệu USD năm 2020 lên 1,14 tỉ USD năm 2021, có thể đạt 1,38 tỉ USD vào năm nay, theo công ty nghiên cứu thị trường Newzoo.

Ông Guillaume Sachet - cố vấn công ty kiểm soát KPMG Singapore - dự báo: “Thể thao điện tử sẽ tạo ra doanh thu gần 1,6 tỉ USD trên toàn cầu vào năm 2023 – gấp đôi con số 776 triệu USD năm 2018. Đông Nam Á đóng góp 1/3”.

Cơ hội kinh tế của thể thao điện tử chắc chắn không bị bỏ qua. Quan chức Tổng cục Du lịch Singapore (STB) Ong Ling Lee cho biết nước này với danh tiếng ngày càng tăng như điểm đến của thể thao điện tử sẽ tiếp tục thu hút các công ty ngành game.

“Truyền hình trực tiếp hoặc phát trực tiếp sự kiện thể thao điện tử cũng mang lại cơ hội xây dựng thương hiệu cho Singapore – nơi có thể trở thành điểm đến hàng đầu đón người hâm mộ thể thao điện tử toàn cầu”, bà Lee nói với báo TODAY.

Theo thống kê công bố tháng 3.2021 của công ty cơ sở dữ liệu Statista, khán giả theo dõi thể thao điện tử đã tăng từ 397.8 triệu năm 2019 lên 435.9 triệu năm 2020, dự kiến đạt 577.3 triệu vào năm 2024.

Nhiều công ty, hiệp hội cùng tài năng thể thao điện tử địa phương chỉ ra yếu tố khiến Singapore thu hút các đơn vị tổ chức giải đấu chính là hạ tầng công nghệ và kinh doanh tuyệt vời. Tận dụng lợi thế này sẽ giúp đảo quốc sư tử phát triển ngành thể thao điện tử đồng thời tạo ra cú hích cho ngành du lịch đang cố phục hồi sau 2 năm đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên Singapore vẫn còn nhiều việc phải làm: xây dựng đội ngũ nhân tài thể thao điện tử trong nước, khiến thể thao điện tử trở thành lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn hơn.

sing01.jpg
Vận động viên thể thao điện tử là lựa chọn nghề nghiệp nghiêm túc - Ảnh: Alienware

Cách thức ngành thể thao điện tử vận hành

Cách thức vận hành của thể thao điện tử giống như thể thao thông thường chẳng hạn như bóng đá. Vận động viên thể thao điện tử thi đấu với tư cách thành viên đội chuyên nghiệp do các công ty quản lý. Họ nhận lương cơ bản, một phần tiền từ giải thưởng cùng doanh thu công ty. Nguồn thu còn đến từ đơn vị phát trực tuyến nội dung game.

Tổng thu nhập thực tế rất khác nhau – dựa vào mức độ phổ biến của game mà vận động viên thi đấu, số tiền công ty chủ quản có thể chi trả. Một số đơn vị tiết lộ lương cơ bản trung bình của một vận động viên thể thao điện tử hàng đầu ở Singapore vào khoảng 3.000 - 5.000 SGD (2.157 - 3.595 USD).

Ông Nicholas Khoo - đồng sáng lập Hiệp hội Trò chơi trực tuyến và Thể thao mạng (Scoga) - quen biết vài quản lý đội thể thao điện tử và vận động viên hàng đầu được trả lương bằng mức lương một sinh viên tốt nghiệp đại học.

Với game ít phổ biến hơn thu hút ít khán giả xem thi đấu hơn do đó doanh thu quảng cáo cũng ít hơn, vận động viên có thể kiếm được từ vài trăm đến 2.000 SGD (gần 1.500 USD).

Anh Dominik Reitmeier - cựu game thủ từng thi đấu cho nhiều đội ở châu Âu, Trung Quốc và Singapore - cho biết thu nhập cơ bản ở Singapore còn kém rất xa so với ở các thị trường lớn mạnh hơn.

Tuy nhiên, đảo quốc sư tử sản sinh không ít vận động viên kiếm tiền giỏi. Game thủ chuyên nghiệp nổi tiếng Daryl Koh (chơi game Dota 2) thu về hơn 1,8 triệu USD tiền thưởng trong suốt sự nghiệp bắt đầu từ năm 2011. Game thủ Wong Jeng Yih từng sát cánh với Reitmeier và Koh năm 2016 được cho đã kiếm được hơn 230.000 USD tiền thưởng trước khi tuyên bố nghỉ hưu vào năm ngoái.

Để đạt được thành công như vậy chẳng hề dễ dàng. Reitmeier nhớ lại quãng thời gian còn thi đấu khi anh phải luyện tập cả thể chất lẫn chơi game thường xuyên vào vài tuần hoặc vài tháng trước các giải đấu. Vận động viên thường xem xét chiến lược thi đấu của bản thân, phát hiện thói quen xấu và sai lầm hay mắc phải trong lúc luyện tập.

Ông Kelvin Tan - cựu game thủ nay trở thành tổng thư ký Hiệp hội Thể thao Điện tử Singapore (SGEA) - cho biết một phần công việc của tổ chức là khiến các bậc phụ huynh hiểu được rằng trở thành vận động viên thể thao điện tử cũng đòi hỏi quá trình rèn luyện một cách kỷ luật và toàn diện.

“Họ không phải chơi game 10 tiếng/ngày và bỏ bê việc học. Như vậy là chơi game thông thường chứ không phải thể thao điện tử. Thể thao điện tử thực sự là rèn luyện và sống cuộc đời của một vận động viên”, theo ông Tan.

Kiếm tiền từ ngành thể thao điện tử toàn cầu

Một loạt yếu tố - từ sự phát triển bùng nổ của thiết bị điện tử hiện đại cho đến hạn chế đi lại suốt 2 năm đại dịch - thúc đẩy ngành thể thao điện tử toàn cầu phát triển. Điều này đem lại cơ hội nghề nghiệp cho một số người nhưng cũng khiến các quốc gia cạnh tranh chiếm thị phần trong lĩnh vực béo bở mới.

Về phần mình, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ là chìa khóa giúp Singapore thu hút các sự kiện thể thao điện tử lớn, qua đó cho phép họ tận dụng loạt xu hướng tích cực trong ngành.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Game Singapore (SGGA) Elicia Lee: “Từ internet tốc độ cao đến địa điểm tổ chức sự kiện phong phú, ngành tổ chức sự kiện mạnh mẽ, Singapore sở hữu cơ sở hạ tầng lý tưởng để tổ chức sự kiện thể thao điện tử. Năng lực của chúng tôi đã được thấy ở nhiều sự kiện nổi tiếng như M2 World Championship, Free Fire World Series, Wild Rift Icons Global Championship, ONE Esports Singapore Major. Một số năng lực khác mà người hâm mộ không nhìn thấy là tạo thuận lợi cho thị thực nhập cảnh, xử lý hiệu quả thủ tục cần thiết để các đội tuyển đến thi đấu”.

Thu hút sự kiện thể thao điện tử không chỉ giúp tăng danh tiếng cho Singapore, mà còn góp phần phát triển ngành game nội địa, đem lại cơ hội tích lũy kinh nghiệm lẫn chuyên môn cho công ty trong nước.

Phó chủ tịch Lee thừa nhận ngành thể thao điện tử Singapore còn non trẻ so với khu vực khác như châu Mỹ hay châu Âu. Tuy nhiên đảo quốc sư tử sẽ cố gắng phát triển.

Tại châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc được xem là thị trường thể thao điện tử phát triển mạnh.

Tính riêng Đông Nam Á, Singapore có lợi thế về cơ sở hạ tầng so với nhiều nước láng giềng. Nhưng quy mô dân số lớn hơn của một số quốc gia - nguồn vận động viên và khán giả tiềm năng - cũng là yếu tố quan trọng mà các đơn vị tổ chức sự kiện thể thao điện tử cân nhắc khi lựa chọn địa điểm.

Báo cáo công bố tháng 9.2021 của Tencent và Newzoo chỉ ra Indonesia đứng đầu khu vực về số người xem thể thao điện tử: 17 triệu, theo sau là Việt Nam với 8,1 triệu.

Bên cạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, Singapore còn cần nỗ lực nhiều hơn ở mảng thay đổi quan niệm và đào tạo tài năng.

Reitmeier cho biết, anh vẫn gặp phải nhiều phụ huynh không thích con cái theo đuổi những ngành phi truyền thống – đặc biệt là thể thao điện tử. Cựu game thủ hy vọng việc tổ chức nhiều sự kiện thể thao điện tử sẽ khiến nhận thức thay đổi.

Jensen Goh - game thủ chuyên nghiệp người Singapore có kinh nghiệm huấn luyện nhiều đội thi đấu ở châu Á và Mỹ - đề xuất thay đổi cách tiếp cận trong phát triển tài năng: chuyển từ tập trung vào vận động viên hàng đầu sang nuôi dưỡng người tài ở cấp cơ sở. Phát triển tài năng cấp cơ sở đảm bảo Singapore có nguồn nhân lực có thể đào tạo thành vận động viên ưu tú.

Một vấn đề khác cần giải quyết là thu hút doanh nghiệp để khiến họ chịu đầu tư nhiều hơn cho các đội thi đấu Singapore, khuyến khích nhiều người chọn thể thao điện tử làm nghề nghiệp chính thức.

Nữ game thủ Poh không xem thành tích ở SEA Games là bàn đạp giúp cô phát triển sự nghiệp thi đấu chính thức. Cô rất vui vì được làm việc trong ngành thể thao điện tử, nhưng không phải với tư cách game thủ.

Poh nói về khả năng trở thành vận động viên thể thao điện tử chuyên nghiệp: “Nếu có cơ hội và được trả lương cao thì tôi sẽ theo đuổi, tuy nhiên điều này khó xảy ra ở hiện tại”.

Bài liên quan
Singapore thu hồi nem cuốn hải sản của Việt Nam
Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA) thông báo về việc thu hồi một số sản phẩm thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Singapore nỗ lực trở thành điểm đến của thể thao điện tử