Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất hỗ trợ học sinh, giáo viên mầm non tại các KCN, KCX, mỗi học sinh sẽ nhận 160.000 đồng/tháng và mỗi giáo viên nhận 800.000 đồng/tháng.

Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất hỗ trợ mỗi giáo viên mầm non tại các KCN, KCX 800.000 đồng/tháng

T.V | 12/11/2021, 18:35

Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất hỗ trợ học sinh, giáo viên mầm non tại các KCN, KCX, mỗi học sinh sẽ nhận 160.000 đồng/tháng và mỗi giáo viên nhận 800.000 đồng/tháng.

Ngày 12.11, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Tình trạng dân số tăng cơ học tăng cao

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến cuối năm học 2020-2021, toàn TP có 1.368 trường mầm non. Trong đó, có 472 trường công lập (chiếm tỷ lệ 34,5%) và 896 trường ngoài công lập (tỷ lệ 65,5%). So với năm học 2019-2020, khối công lập tăng thêm 5 trường và khối ngoài công lập tăng 11 trường.

Tổng số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập là 1.806 nhóm, lớp, tăng 67 nhóm, lớp so với cuối năm học 2019-2020. Năm học 2020-2021, toàn bậc học có 355.167 trẻ, trong đó 157.174 trẻ ở khối công lập (tỷ lệ 44,3%).

Dự kiến trong năm học 2021-2022, bậc học này sẽ tăng thêm 27 cơ sở trường học, tổng quy mô hoc sinh tăng thêm 5.140 trẻ. Trong đó, khối công lập tăng 1.543 trẻ và ngoài công lập tăng 3.597 trẻ.

Sự gia tăng học sinh chủ yếu tập trung tại các khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, có các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) dẫn đến tình trạng dân số tăng cơ học cao như quận 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, TP Thủ Đức…

Tính đến cuối năm học 2020-2021, tỷ lệ giáo viên/nhóm trẻ là 1,86 và giáo viên/lớp mẫu giáo là 1,80. Toàn TP.HCM có 16.684 giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (không biên chế).

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đơn vị gặp khó khăn trong việc chi trả lương cho lao động theo diện hợp đồng. Các đơn vị ngoài công lập không có kinh phí chi trả tiền thuê mặt bằng, trả lương cho hợp đồng lao động nên nhiều cơ sở phải ngừng hoạt động, đội ngũ biến động liên tục.

bua-an-cua-tra-tai-truongtv27.5.jpg
Giờ ăn của một lớp mầm non tại TP.HCM khi chưa bùng phát dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: N.T

Nâng cao tỷ lệ trẻ 5 tuổi học bán trú ở các huyện ngoại thành

Về triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, TP.HCM hướng đến mục tiêu phổ cập trẻ mầm non dưới 5 tuổi, củng cố và mở rộng quy mô xây dựng trường lớp, nâng cao chất lượng trường tiên tiến hội nhập, trường đạt chuẩn quốc gia, nhóm lớp độc lập, tư thục.

Một trong những nhiệm vụ triển khai trong năm học này là nâng cao tỷ lệ trẻ 5 tuổi học bán trú ở các huyện ngoại thành, tiếp tục triển khai dạy học tiếng Anh theo hình thức ngoại khóa khi trẻ trở lại trường học.

Riêng đối với các đơn vị ngoài công lập đã hoặc đang tiến hành thủ tục giải thể, địa phương cần nhanh chóng xử lý, giải quyết và sắp xếp chỗ học cho trẻ. Phòng GD-ĐT quận, huyện có trách nhiệm sắp xếp, phân bổ lại lao động, tạo điều kiện cho giáo viên học tập, nâng cao trình độ.

Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý, các địa phương không tổ chức sáp nhập trường mầm non vào trường phổ thông. Việc sáp nhập phải đảm bảo quyền lợi được đến trường của trẻ, không sáp nhập trường chuẩn và trường chưa đạt chuẩn gây ảnh hưởng chất lượng hoạt động của các trường đạt chuẩn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam nhận định, năm học 2021-2022 là năm học rất đặc biệt, chưa có tiền lệ. Trong đó, bậc mầm non chịu nhiều thiệt thòi nhất do hạn chế về phương pháp dạy học.

Tới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ trình HĐND TP.HCM thông qua các quy định về hỗ trợ học sinh và giáo viên ở các trường mầm non tại các KCN, KCX. Theo đề xuất, mỗi học sinh sẽ được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng và mỗi giáo viên được nhận hỗ trợ 800.000 đồng/tháng.

Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị các phòng GD-ĐT quận, huyện rà soát, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật tại các đơn vị ngoài công lập. Qua thực tế cho thấy nhiều trường mầm non ngoài công lập không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên khiến đội ngũ này không được nhận hỗ trợ theo các quy định hỗ trợ người lao động trong tình hình dịch bệnh.

Ngoài ra, thời gian qua, đã có địa phương phát hiện nhóm trẻ hoạt động không phép và yêu cầu ngưng hoạt động. Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát hoạt động của loại hình giữ trẻ này, không để xảy ra tình trạng giữ trẻ không phép.

Riêng đối với đề xuất TP.HCM hỗ trợ chi trả lương cho đội ngũ giáo viên, nhân viên hợp đồng tại các cơ sở giáo dục, ông Lê Hoài Nam cho biết, mặc dù cơ sở giáo dục không thu học phí của phụ huynh trong học kỳ 1 năm học 2021-2022 nhưng ngân sách TP sẽ hỗ trợ học phí cho các trường.

“Hiện tại, TP.HCM đang rà soát, tổng hợp danh sách và sẽ chi tiền hỗ trợ cho các đơn vị. Trong thời gian chờ đợi, trường học có thể linh động sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho các khoản chi tiền điện, nước, văn phòng phẩm – vốn không nhiều trong giai đoạn học sinh chưa đến trường, để chi hỗ trợ cho giáo viên trước. Khi nào ngân sách TP.HCM cấp kinh phí hỗ trợ học phí, các trường sẽ tính toán, cân đối lại phù hợp tình hình thực tế tại đơn vị”, ông Nam cho hay.

Đối với những trường hợp giáo viên, nhân viên chưa được nhận hỗ trợ (do đang trong thời gian thử việc, chưa đóng bảo hiểm xã hội…), tới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục làm việc với Sở LĐ-TB-XH để có phương án trình UBND TP.HCM quy định thêm một số chế độ hỗ trợ phù hợp.

Hiện nay, TP.HCM có 200/1.368 trường mầm non được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và 16 trường thực hiện mô hình tiên tiến hội nhập theo xu thế khu vực và quốc tế.

Nhằm đảm bảo điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, TP.HCM nói chung và TP Thủ Đức, 21 quận, huyện tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình trường học và mua sắm trang thiết bị với tổng kinh phí hơn 1.400 tỉ đồng.

Năm học 2020-2021, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐND về hỗ trợ giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng là 248 tỉ đồng, ngoài ra kinh phí thực hiện Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐND về hỗ trợ đối với giáo viên hợp đồng lao động dưới 12 tháng và nhân viên nuôi dưỡng tại các cơ sở giáo dục mầm non là 206 tỉ đồng.

Bài liên quan
Báo chí TP.HCM cần bắt kịp chuyển đổi số, không để tụt hậu so với nền tảng mạng xã hội
Chiều 19.4, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí, xuất bản năm 2023, phương hướng và nhiệm vụ năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất hỗ trợ mỗi giáo viên mầm non tại các KCN, KCX 800.000 đồng/tháng