Giám đốc Sở GĐ-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, đã có tờ trình đề xuất UBND TP.HCM tạm không thu học phí học kỳ I, đồng thời đề xuất miễn học phí học kỳ I các cấp như 1 chính sách hỗ trợ người dân.

Sở GĐ-ĐT TP.HCM đề xuất miễn học phí học kỳ I để hỗ trợ khó khăn cùng người dân

Tú Viên (Tổng hợp) | 24/08/2021, 12:29

Giám đốc Sở GĐ-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, đã có tờ trình đề xuất UBND TP.HCM tạm không thu học phí học kỳ I, đồng thời đề xuất miễn học phí học kỳ I các cấp như 1 chính sách hỗ trợ người dân.

Sáng 24.8, Giám đốc Sở GĐ-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đã báo cáo kết quả năm học 2020-2021 và công tác chuẩn bị năm học mới 2021-2022.

Tình trạng dân số tăng cơ học cao

Hiện nay, tình hình trường lớp cơ sở vật chất, năm học 2021-2022 dự kiến toàn TP.HCM tăng 30.939 học sinh. Trong đó, nhiều nhất là khối tiểu học, tăng 31.517 học sinh, tập trung tại TP Thủ Đức và một số quận, huyện (quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Hóc Môn) do đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Tại các địa phương có số học sinh dự kiến tăng nhiều, đều có dự kiến tăng thêm phòng học mới, nhất là ở cấp tiểu học. Qua đó, năm học mới vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho 100% con em TP.HCM. Tuy nhiên, sĩ số học sinh/lớp tại nhiều nơi vẫn rất cao, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đạt, chưa đáp ứng yêu cầu.

bepan-16.9.jpg
Một lớp tiểu học tại TP.HCM thời gian chưa có dịch bệnh - Ảnh: Internet

Đến tháng 7.2021, TP.HCM chỉ còn đạt 293 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học từ 3 đến 18 tuổi. Các số liệu này còn biến động nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các công trình xây trường bị tạm ngưng, một số trường ngoài công lập ngưng hoạt động...

Trong 2 năm qua, không tăng thêm trường phổ thông nào (có trường thành lập nhưng cũng có cơ sở giải thể), còn các cơ sở giáo dục mầm non lại giảm (thành lập mới ít hơn ngưng hoạt động), trong khi những năm trước, tỷ lệ trường ngoài công lập tăng thêm hàng năm đều hơn 10%.

Theo Giám đốc Sở GĐ-ĐT TP.HCM, nguyên nhân trong 2 năm 2020 và 2021, tiến độ xây dựng các công trình trường học đều chậm. Chuẩn bị cho năm học mới, hiện nay, hầu hết các công trình xây dựng, sửa chữa trường lớp đều ngưng, chắc chắn không kịp theo kế hoạch ban đầu.

Trong đó, do dịch bệnh kéo dài, hầu hết các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn, nhất là cấp học mầm non. Chỉ trong năm học 2020-2021, đã có 151 cơ sở giáo dục mầm non (gồm 27 trường và 124 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập) giải thể và ngưng hoạt động, dẫn đến giảm 411 phòng học.

TP.HCM đang gặp khó khăn về mặt pháp lý trong việc điều chỉnh quy hoạch đất dùng cho giáo dục nên công tác cấp phép thành lập và hoạt động các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng đang khó khăn.

Cần giãn thời gian thu học phí

Liên quan đến vấn đề khó khăn do tình hình dịch bệnh kéo dài, buộc năm học 2021-2022 phải thực hiện dạy học trên internet, Giám đốc Sở GĐ-ĐT TP.HCM cho biết, đã có tờ trình đề xuất UBND TP.HCM giãn thời gian thu học phí.

Cụ thể là tạm không thu học phí học kỳ I. Đồng thời, đề xuất miễn học phí học kỳ I như một chính sách hỗ trợ khó khăn cho phụ huynh và học sinh từ mầm non đến phổ thông. Nội dung này đang chờ chỉ đạo từ Thường trực UBND TP.HCM.

Các phương án dạy học trong tình hình dịch bệnh

Về phương án tổ chức dạy học năm học mới tại TP.HCM, Giám đốc Sở GĐ-ĐT cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn TP.HCM có 249 trường làm nơi cách ly, 453 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm, chích ngừa. TP.HCM có gần 2.000 giáo viên và 6.000 học sinh thuộc các diện F0, F1.

Năm học mới tại TP.HCM không thể bắt đầu bằng hình thức trực tiếp. Các cơ sở giáo dục, khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, phải mất ít nhất 2 tuần sửa chữa, cải tạo. Vì vậy, học sinh phổ thông của TP.HCM sẽ bắt đầu năm học mới với hình thức học trên internet.

Riêng bậc học mầm non, phải dạy học trực tiếp, người đứng đầu ngành giáo dục TP.HCM cho biết, sẽ bắt đầu và kết thúc năm học chậm hơn khối phổ thông. Trong thời gian chưa thể bắt đầu đi học, các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục tổ chức cho giáo viên xây dựng các đoạn phim ngắn hướng dẫn trẻ sinh hoạt, vui chơi, giáo dục kỹ năng với sự tham gia của phụ huynh.

Ngành giáo dục TP.HCM đang phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM để triển khai chương trình dạy học trên truyền hình để có thể phát sóng ngay đầu tháng 9.2021. Nội dung chương trình, thời gian đầu năm học, sẽ được ưu tiên các đoạn phim hướng dẫn trẻ tự học, hướng dẫn phụ huynh cùng học, hỗ trợ con em mình học tập trên môi trường mạng internet; ưu tiên các lớp 1, lớp 2 và các lớp đầu cấp, cuối cấp.

bin-huong.jpg
Một học sinh tại TP.HCM học online trong thời gian giãn cách - Ảnh: Tú Viên

Tạm dùng sách giáo khoa điện tử

Về vấn đề sách giáo khoa, ông Hiếu cho biết, sắp tới dự đoán sẽ có một số khó khăn, theo thông tin từ các nhà xuất bản, hiện đã chuyển hơn 90% sách giáo khoa (SGK) cho các trường, từ lớp 3 đến lớp 12. Riêng lớp 1, lớp 2 và lớp 6, việc bố trí, phân phối SGK còn nhiều khó khăn, hiện có khoảng hơn 50% sách đã chuyển đến các trường.

Về việc này, Sở GĐ-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn phụ huynh đăng ký cho nhà trường, xin ý kiến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương bố trí thời gian nhận sách phù hợp, lộ trình đảm bảo phòng chống dịch.

Ngoài ra, đã cung cấp bản điện tử SGK từ lớp 1 đến 12 trên internet và thông tin đến tất cả phụ huynh biết để tạm sử dụng trong thời gian đầu còn khó khăn.

Trong điều kiện khó khăn hiện nay, Giám đốc Sở GĐ-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị tạo thuận lợi nhất cho phụ huynh. Cụ thể, những phụ huynh chưa đủ hồ sơ có thể chụp hình, gửi email (sẽ cập nhật, hoàn chỉnh khi không còn thực hiện giãn cách xã hội) hoặc qua đường bưu điện.

“Năm học 2021-2022 tại TP.HCM đang khởi đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức. Mọi phương án tổ chức dạy học cho học sinh đều phải đặt an toàn lên hàng đầu. Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, ngành giáo dục TP.HCM rất mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ, đồng thuận của phụ huynh, toàn thể xã hội để cùng nhau vượt qua khó khăn do dịch COVID-19”, Giám đốc Sở GĐ-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở GĐ-ĐT TP.HCM đề xuất miễn học phí học kỳ I để hỗ trợ khó khăn cùng người dân