Số cụ già trên 100 tuổi tại Nhật Bản đã tăng lên mốc gần 70.000 người, trong đó 88% là cụ bà.
Số lượng người già trên 100 tuổi tại Nhật Bản là một thông tin vừa vui vừa buồn với quốc gia này, khi lo ngại về những thách thức kinh tế và xã hội do xã hội già hóa nhanh chóng của nước này tăng thêm.
Theo Bộ Phúc lợi Nhật Bản, tính tới đầu tháng 9 này, tổng số người sống trên 100 tuổi tại nước này là 69.785, trong đó 88% là cụ bà.
So với năm ngoái, số người sống trên 100 tuổi tại Nhật Bản tăng thêm hơn 2.000 người, đánh dấu sự gia tăng dân số trong nhóm tuổi này 48 năm liên tiếp.
Số người trên 100 tuổi lần đầu được Nhật Bản thống kê hồi năm 1963, khi đó có 153 cụ trong danh sách. Số lượng cụ sống trên 100 tuổi gia tăng ngày càng nhanh, năm 1998 chỉ có 10.000 cụ, tới năm 2007 tăng lên thành hơn 30.000 cụ và đạt gần 68.000 cụ hồi năm ngoái.
Danh sách này được lập hàng năm, được công bố ngay trước ngày Người cao tuổi vào ngày 17.9 hàng năm. Theo tục lệ, mỗi cụ sống trên 100 tuổi sẽ được nhà nước Nhật Bản vinh danh. Năm nay họ sẽ nhận được một ly rượu kỷ niệm và một lá thư chúc mừng từ Thủ tướng Shinzō Abe.
Do số lượng người được nhận quà tăng lên quá nhanh, nên chính phủ Nhật phải giảm chất lượng món quà. Thay vì được nhận một ly rượu bằng bạc, các cụ cao niên nay chỉ được nhận một ly rượu mạ bạc, có giá thành rẻ hơn.
Tuy nhiên, chi phí nhằm tôn vinh người cao tuổi tại Nhật Bản sẽ vẫn tăng lên. Theo tính toán, năm 2023 nước này sẽ có hơn 100.000 cụ trên 100 tuổi và năm 2028 sẽ có tới 170.000 cụ trên 100 tuổi.
Tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nhật là cao nhất thế giới, đạt 87,2 tuổi. Trong khi đàn ông Nhật thọ 81,01 tuổi chỉ sau Thụy Sĩ và Úc.
Trong vài tháng tới, cả cụ ông và cụ bà sống thọ nhất thế giới đều sẽ là người Nhật. Cụ bà Kane Tanaka, sinh ngày 2.1.1903 còn cụ ông Masazo Nonaka thì sinh ngày 27.5.1905. Cả hai cụ đang sống khỏe mạnh và vẫn minh mẫn cho đến nay.
Người Nhật sống quá thọ tạo nên những vấn đề an sinh xã hội hết sức cấp bách, khi tỉ lệ sinh ở nước này quá thấp. Nước này hiện đã nâng độ tuổi lao động lên quá 65 tuổi, do số người sống trên độ tuổi này hiện đang chiếm 1/4 tổng dân số của Nhật Bản.
Thiên Hà (theo The Guardian)