Mới đây, bộ phim đoạt bốn giải Oscar Bohemian Rhapsody đã vượt qua các khâu kiểm định khắt khe để được công chiếu tại Trung Quốc. Những tưởng đây là tín hiệu khả quan cho các bộ phim đồng tính nhưng sự thật lại không phải vậy.

'Số phận' những bộ phim đồng tính tại Trung Quốc

Theo TNO | 27/03/2019, 19:04

Mới đây, bộ phim đoạt bốn giải Oscar Bohemian Rhapsody đã vượt qua các khâu kiểm định khắt khe để được công chiếu tại Trung Quốc. Những tưởng đây là tín hiệu khả quan cho các bộ phim đồng tính nhưng sự thật lại không phải vậy.

Trong khi công chúng đang xôn xao tin đồn Trung Quốc sẽ cấm luôn phim cổ trang, Tổng cục Điện ảnh và Phát thanh Truyền hình Trung Quốc (SARFT) cũng gây tranh cãi khi ngày càng siết chặt hoạt động sản xuất, quảng bá các tác phẩm có yếu tố đồng tính. Cuối tháng 2.2019, khán giả hâm mộ nhóm nhạc Queen tại đất nước tỉ dân từng rất háo hức khi biết tin Bohemian Rhapsody đã vượt qua các khâu kiểm định chặt chẽ để được công chiếu tại Trung Quốc, đất nước vốn khắt khe với các tác phẩm đồng tính.

Đây được xem như một tín hiệu khả quan cho tương lai của những bộ phim nước ngoài có nội dung liên quan đến cộng đồng LGBT khi quyết định tấn công vào thị trường khổng lồ này. Thế nhưng, niềm vui ấy nhanh chóng kết thúc trong sự hụt hẫng khi cơ quan quản lý Trung Quốc đã cắt hết các phân cảnh liên quan đến vấn đề đồng tính trong phim. Theo đó, những cảnh quay huyền thoại nhạc rock Freddie Mercury (Rami Malek thủ vai) thân mật với bạn trai, cảnh quan hệ tình dục, cảnh nam chính mặc những trang phục của nữ giới thậm chí những câu thoại có đề cập đến từ “gay” đều bị loại khỏi nội dung phim.

Một trong số những cảnh quay của Bohemian Rhapsody bị cắt khi chiếu tại đất nước tỉ dân - Ảnh: 20th Century Fox

Điều này khiến nhiều người vô cùng phẫn nộ vì đã móp méo xu hướng tình dục của Freddie Mercury, biến nam ca sĩ người Anh từ một nghệ sĩ lưỡng tính thành trai “thẳng”. Câu chuyện cắt xén kể trên nhanh chóng trở thành đề tài được những tờ tin tức nổi tiếng như CNN hay BBC đem ra bàn luận. Trả lời phỏng vấn của CNN, Fan Popo, một nhà phê bình, làm phim tài liệu và hoạt động vì cộng đồng LGBT tại Trung Quốc tỏ ra không đồng tình với việc cắt xén phim. Theo nhân vật này, nếu khán giả bằng lòng với kiểu nhượng bộ nửa vời (chiếu phim đồng tính nhưng cắt hết cảnh đồng tính) của cơ quan kiểm duyệt thì công sức của các nhà làm phim không được tôn trọng đồng thời quyền lợi của người xem sẽ bị xâm phạm.

Thế nhưng, tại đất nước tỉ dân, hành động cắt xén nội dung để phù hợp với các nguyên tắc kiểm duyệt liên quan đến vấn đề đồng tính không còn là điều quá xa lạ và Bohemian Rhapsody cũng chẳng phải là trường hợp đầu tiên.

Năm 2017, Call me by your name, tác phẩm đồng tính nổi đình nổi đám của đạo diễn người Ý Guadagnino bị cấm cửa tại Liên hoan Phim quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc) khiến nhiều người tiếc nuối nhưng chưa bao giờ là điều quá bất ngờ. Nhận cái lắc đầu từ Trung Quốc, Call me by your name vẫn được chào đón ở nhiều nơi trên thế giới và đem về vô số giải thưởng danh giá - Ảnh: Sony

Moonlight (2016) bộ phim đồng tính đầu tiên quy tụ dàn diễn viên toàn da màu và giành tới 3 tượng vàng Oscar từng được cộng đồng LGBT Trung Quốc mong mỏi đợi từng ngày phim được chiếu tại quốc gia này. Thế nhưng, thay vì được phát hành rộng rãi, kiệt tác điện ảnh của đạo diễn Barry Jenkins chỉ được giới thiệu hạn chế tại một số liên hoan phim - Ảnh: Pastel Productions

Cloud Atlas (2012), niềm tự hào của điện ảnh Đức cũng may mắn nhận được cái gật đầu từ cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc và chính thức được khởi chiếu tại thị trường tỉ dân này. Thế nhưng, tác phẩm nhận kết cục còn thảm hơn Bohemian Rhapsody khi bị cắt xén tới 40 phút trong tổng thời lượng 171 phút trong đó có những phân cảnh tập trung vào một mối quan hệ đồng tính của cặp đôi Robert Frobisher và Rufus Sixsmith - Ảnh: WB

Mang đề tài đồng tính nữ, The Chinese botanist's daughters (2006) - tác phẩm hợp tác giữa Pháp và Canada được đạo diễn bởi Đới Tư Kiệt, nhà làm phim người Pháp gốc Hoa, thậm chí đã bị cấm quay phim tại Trung Quốc ngay từ khi dự án mới khởi động. Sự quyết liệt của giới chức nước này khiến đoàn làm phim phải chọn Ba Vì, Hà Nội (Việt Nam) để làm bối cảnh chính. Dù bị cấm tiệt tại Trung Quốc, The Chinese botanist's daughters vẫn gây tiếng vang tại Liên hoan phim Quốc tế Montreal hay Toronto và được đánh giá là một trong những tác phẩm đề tài đồng tính nữ hay nhất - Ảnh: Europa Corp

Brokeback Mountain, tác phẩm được xem là bức tường thành của các phim về đề tài đồng tính cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ra mắt vào năm 2005, bộ phim của đạo diễn Lý An lúc bấy giờ đã tạo nên một “cơn địa chấn” khi táo bạo đưa câu chuyện tình giữa hai chàng cao bồi Mỹ lên màn ảnh. Dẫu nhận khen chê lẫn lộn, phim vẫn đem về ba tượng vàng Oscar 2006, ba chiến thắng tại giải Quả cầu vàng 2006, được xướng tên ở giải Sư tử vàng cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Báo chí Trung Quốc từng không ngớt khen ngợi Brokeback Mountain song tác phẩm bị cấm xuất hiện trên màn ảnh rộng của quốc gia này - Ảnh: Focus

Ngoài những tác phẩm kể trên, đã có vô số bộ phim điện ảnh đình đám của các nhà làm phim gốc Hoa giành những giải thưởng quốc tế uy tín nhưng lại bị giới chức trong nước “ghẻ lạnh”, giới hạn thời gian và phạm vi phát hành. Tiêu biểu trong số đó là những cái tên như Vương bá biệt cơ, Hỷ yến, Fish and Elephant, Lam Vũ

Không chỉ có các phim điện ảnh nước ngoài, những tác phẩm đề tài đồng tính trong nước đang chật vật vì lệnh cấm của Tổng cục Điện ảnh và Phát thanh Truyền hình Trung Quốc ban hành năm 2016. Những bộ phim đam mỹ từng “làm mưa làm gió” khắp châu Á như: Thượng ẩn, Tựa như tình yêu, Nghịch tập, Song tình, Bất khả kháng lực… đều biến mất trên các công cụ tìm kiếm tại nước này.

Người hâm mộ từng hoang mang vì Thượng ẩn bị cấm chiếu khi chỉ còn vài tập cuối. Hiện phim đã bị gỡ bỏ khỏi các trang mạng Trung Quốc - Ảnh: YOUKU

Tuy nhiên, lệnh cấm trên vẫn không thể ngăn cản các nhà sản xuất đẩy mạnh việc gia tăng số lượng lẫn chất lượng của dòng phim đồng tính trong năm 2019 sau thành công của Trấn hồn. Thế nhưng, những tác phẩm này không còn được khai thác theo nguyên tác truyện mà đã sửa đổi từ tình yêu đồng giới thành tình anh em thân thiết. Nổi bật trong số đó phải kể đến các bộ phim đang trong quá trình sản xuất, hậu kỳ như Bên tóc mai không phải hải đường hồng (quy tụ dàn sao đình đám như Huỳnh Hiểu Minh, Xa Thi Mạn, Doãn Chính), Trần tình lệnh (Tiêu Chiến, Vương Nhất Bác, Tuyên lộ đóng chính), 19 days

Được biết, các dự án này có nguy cơ bị “đắp chiếu” nếu không sửa đổi hoàn toàn thành tình yêu nam nữ. Lệnh cấm này được ban hành cho cả phim truyền hình lẫn phim chiếu mạng khiến nhiều người hâm mộ không khỏi tiếc nuối.

Theo TNO
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Số phận' những bộ phim đồng tính tại Trung Quốc