Mới đây, Hội Thẩm định giá Việt Nam đã có văn bản gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về việc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM đánh giá những tiêu cực trong hoạt động thẩm định giá đất của doanh nghiệp thẩm định giá.
Theo nội dung văn bản, Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp thẩm định giá trên địa bàn TP.HCM về đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM tại đề án “Giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng giá đất cụ thể trên địa bàn TP.HCM” (tháng 5.2024) trình UBND TP phê duyệt.
Cụ thể, Sở TN-MT có nhận định về những tiêu cực trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá đất trên địa bàn thành phố, nhưng không nêu ra những bằng chứng cụ thể, minh bạch về những tiêu cực đó. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến uy tín ngành nghề và tác động rất bất lợi đến hoạt động thẩm định giá của cả nước.
Hội Thẩm định giá cho biết phần đánh giá về thực trạng khó khăn vướng mắc liên quan đến thẩm định giá đất, đề án nêu: “Theo danh sách Bộ Tài chính công bố thì trên địa bàn TP.HCM có gần 100 doanh nghiệp đăng ký hoạt động có chức năng thẩm định giá đất. Tuy nhiên, thực tế thì chưa đến 10 doanh nghiệp thực sự có thực hiện công tác định giá đất. Có rất nhiều hồ sơ dự án được Sở TN-MT đăng thông tin mời thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá theo quy định nhưng không có đơn vị tham gia dẫn đến bế tắc trong công tác xác định giá đất”; “có hiện tượng 1 số đơn vị tư vấn “dễ làm, khó buông” hiện tượng “đi đêm” với nhà đầu tư để nhận thêm thù lao thẩm định giá ngoài quy định của hợp đồng thẩm định giá”.
Từ những đánh giá trên của Sở TN-MT TP.HCM, Hội Thẩm định giá Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính trực tiếp làm việc với Sở TN-MT TP.HCM để xác minh cụ thể những vấn đề trên.
“Trường hợp có bằng chứng xác đáng doanh nghiệp thẩm định giá nào vi phạm pháp luật về thẩm định giá thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời phổ biến công khai để rút kinh nghiệm cho tất cả các doanh nghiệp thẩm định giá.
Trường hợp Sở TN-MT TP.HCM chỉ đưa ra những nhận xét chung chung, không đưa ra được bằng chứng cụ thể doanh nghiệp thẩm định giá nào “đi đêm” với nhà đầu tư thì đề nghị Sở TN-MT phải hủy bỏ những đánh giá trên trong đề án; đồng thời có biện pháp giải thích công bố công khai trước công luận để giúp hoạt động thẩm định giá yên tâm, ổn định đáp ứng nhu cầu thẩm định giá của xã hội”, văn bản của Hội Thẩm định giá Việt Nam nêu.
Trước đó, theo Sở TN-MT TP.HCM, đến nay lượng hồ sơ dự án tồn đọng chưa xác định được giá đất cụ thể trên địa bàn thành phố còn rất lớn, gần 200 hồ sơ, bao gồm cả những hồ sơ xác định giá để thực hiện nghĩa vụ tài chính lần đầu và những hồ sơ phải xác định giá để xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung do được cơ quan nhà nước cho thay đổi chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc làm phát sinh nghĩa vụ tài chính.
Sở này cho biết, việc 200 hồ sơ ách tắc dẫn tới hàng trăm dự án bất động sản trên địa bàn thành phố đang trong tình trạng “đóng băng” hoặc tạm dừng thủ tục pháp lý.
Sở TN-MT chỉ rất rõ những hậu quả khi công tác xác định giá đất bị nghẽn. Đó là việc nhiều dự án chưa thể triển khai thực hiện hoặc đã triển khai nhưng chưa hoàn thiện về mặt pháp lý làm cho kết cấu hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, nguồn cung bất động sản đưa ra thị trường chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm chậm tiến độ thu ngân sách nhà nước của thành phố.
Quá trình xác định giá đất bị kéo dài nhiều năm làm tăng chi phí đầu tư, kéo theo giá bất động sản tăng, vượt quá khả năng của người dân có nhu cầu về nhà ở, làm cho tình hình nhà ở đô thị vốn còn hạn chế càng trở nên căng thẳng hơn.
Các doanh nghiệp bất động sản do không thể đưa nguồn hàng ra thị trường để hoàn vốn đầu tư dẫn đến khả năng mất cân đối về tài chính. Tình hình đó dẫn đến hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài thông qua nhiều hình thức khác nhau thâu tóm các dự án bất động sản, nhất là dự án ở những vị trí đắc địa hoặc nhạy cảm.
Còn với người dân đã mua nền đất hoặc các căn hộ tại các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai thì rất bức xúc.
Tất cả dẫn tới tiềm năng, lợi thế của thành phố trong lĩnh vực đất đai chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt của Thành phố đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Đáng lo ngại hơn, sự xuất hiện tâm lý mất niềm tin từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước và của người dân làm giảm việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai trong đầu tư phát triển.