Tại Liên hoan sân khấu Thủ Đô lần V năm 2022, đoàn cải lương Đại Việt của soạn giả Hoàng Song Việt, đã gây ấn tượng mạnh qua huy chương bạc vở diễn, huy chương vàng cho NSƯT Thoại Mỹ và Võ Minh Lâm, cùng 3 huy chương bạc cho vở "Đêm trước ngày hoàng đạo".

Soạn giả Hoàng Song Việt: Người tạo sắc thái mới cho nghệ thuật cải lương

Nguyễn Huy | 14/10/2022, 17:14

Tại Liên hoan sân khấu Thủ Đô lần V năm 2022, đoàn cải lương Đại Việt của soạn giả Hoàng Song Việt, đã gây ấn tượng mạnh qua huy chương bạc vở diễn, huy chương vàng cho NSƯT Thoại Mỹ và Võ Minh Lâm, cùng 3 huy chương bạc cho vở "Đêm trước ngày hoàng đạo".

Trước đó, vở Nàng Xê – Đa (đạo diễn NSƯT Hoa Hạ, kịch bản: Lưu Quang Thuận – Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương Thể Hà Vân) ra mắt công chúng năm 2021 là một phiên bản mới, đẹp, trữ tình, chinh phục hoàn toàn trái tim người hâm mộ cải lương miền Nam, vì nó không phải là bản sao của vở Nàng Xê – đa kinh điển của thập niên 1980.

Vở diễn được ký hợp đồng lưu diễn tại Hà Nội. Hiện tại, Nàng Xê – Đa tiếp tục trình diễn tại các trường học hoặc các tổ chức công lập, tư nhân.

soangiasongviet-4-.jpg
Soạn giả, kiêm ông bầu Hoàng Song Việt - người luôn trăn trở tìm tòi sự mới mẻ cho nghệ thuật cải lương

Sau hai thành công liên tiếp đó, ông bầu Hoàng Song Việt lập tức cho lên sàn một kịch bản rất mới lạ Truyền thuyết chàng Sa Mộc (kịch bản Hoàng Song Việt, đạo diễn NSUT Hoa Hạ). Vở diễn này sẽ tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc vào tháng 11.2022 tại Long An. Sau đó, sẽ ra mắt công chúng vào tháng 12.2022.

Đi tìm nét đẹp trong văn hóa dân tộc

Trong bối cảnh cải lương khó khăn tứ bề, một số soạn giả cải lương lần lượt bỏ nghề, Hoàng Song Việt là một trong những soạn giả cải lương tài năng hiếm hoi còn hoạt động cho đến thời điểm hiện tại. Trong khi nhiều người tìm đến một công việc khác dễ kiếm tiền hơn thì ông lại gom hết vốn liếng tích lũy để sáng lập đoàn cải lương tư nhân Đại Việt.

Với tình yêu nghệ thuật cải lương cháy bỏng, ngay từ những ngày thành lập đoàn hát, ông đã đầu tư rất nhiều chất xám, tiền bạc và công sức vào các vở tuồng - được viết mới hoàn toàn. Quan điểm làm nghề của ông là khi đầu tư cho một vở diễn nào, phải làm thật chu đáo và trọn vẹn cho dù phải tốn nhiều tiền của và công sức. Đó là cách để giúp cải lương hấp dẫn khán giả khi mà có quá nhiều loại hình giải trí khác thu hút công chúng hơn.

hinhhoang.jpg
Một cảnh trong "Đêm trước ngày hoàng đạo" của ông bầu Hoàng Song Việt

Hoàng Song Việt luôn đặt ra thử thách chính mình để tìm ra sắc thái mới lạ trong kịch bản, cũng như săn lùng nhân tố còn thô mộc để mài giũa tạo nên những tài năng mới, giúp cải lương có được một sự đa dạng và phong phú, không bị đơn điệu và lập lại. Một ví dụ cụ thể được thấy qua vở Truyền thuyết chàng Sa Mộc do ông chấp bút. Đây là một câu chuyện dân gian của người dân tộc Thái vùng Tây Bắc, rất hay nhưng ít người Việt Nam biết đến.

Nội dung vở diễn là câu chuyện về Sa Mộc - một chiến binh thủ lĩnh ở vùng núi cao Tây Bắc. Nơi ấy, giáp ranh với một đất nước có một thế lực luôn lăm le xâm chiếm lãnh thổ của dân tộc chàng. Rồi một ngày, thế lực ấy đã mang binh lực tấn công, Sa Mộc đã lãnh đạo người dân chiến đấu anh dũng. Do lực lượng kẻ thù quá đông nên binh sĩ của chàng chết nhiều, tình hình lâm vào tình thế nguy hiểm. Chàng liền nghĩ ra một kế là dựng tất cả những cây giáo của những chiến binh đã hy sinh thẳng về phía kẻ thù, và chàng đứng ngay đường ranh biên giới ấy để chỉ huy.

Kẻ thù ngỡ rằng bên chàng Sa Mộc còn nhiều chiến binh quyết chiến nên chỉ tấn công vài đợt rồi lui binh. Thế là lãnh thổ an toàn nhưng chàng Sa Mộc cũng hy sinh. Cây giáo của chàng và các chiến binh đã chết biến thành cây sa mộc, một loại cây đặc biệt mang ý nghĩa bảo vệ quê hương. Một vở tuồng vô cùng ý nghĩa.

Thế nhưng, có người cho rằng ngày nay, thể loại hương xa với tích Tàu thể loại cải lương hồ quảng mới bán được vé. Cải lương lịch sử dân tộc Việt, cải lương thể nghiệm, hay khai thác đề tài trong văn hóa dân gian sẽ không được ưa chuộng. Vậy nhưng, Hoàng Song Việt nghĩ khác. Ông nhận thấy rằng kho tàng văn hóa, lịch sử của 54 dân tộc Việt Nam vô cùng đa dạng và đẹp. Ông muốn khai thác bằng cải lương để những ai chưa có dịp tìm hiểu hết về nét đẹp văn hóa dân tộc có cơ hội thưởng lãm.

Soạn giả Hoàng Song Việt bộc bạch: “Tiền rất quan trọng vì không có tiền chúng tôi không thể tạo ra tác phẩm mới. Tuy nhiên, vì là nghệ sĩ nên chúng tôi không thương mại hóa tác phẩm mà quên đi giá trị tư tưởng nghệ thuật. Trách nhiệm của người nghệ sĩ là khơi gợi vẻ đẹp tìm ẩn, đó cũng đồng thời là sự sáng tạo. Chúng tôi muốn nghệ thuật ngày càng mới lạ chứ không phải giậm chân tại chỗ. Chúng tôi sẽ tư duy để tạo ra sắc thái mới, và chỉ cần đủ vốn, chúng tôi sẵn sàng lao về phía trước. Trong bối cảnh hiện tại, không ai chọn làm bầu cải lương để làm giàu”.

Tín đồ ngoan đạo của cải lương

Soạn giả Hoàng Song Việt tên thật là Võ Văn Xong. Ông sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, đông anh em. Khoảng 6 tuổi, ông trải qua một cơn sốt và bị teo hẳn cơ chân. Từ đó, ông đi lại khó khăn hơn với những bước đi khập khiễng. Dẫu vậy, cậu bé Xong thông minh và học hành luôn đứng đầu lớp. Đặc biệt, với một niềm đam mê cải lương cháy bỏng nên cậu bé Xong ngày nào thuộc nằm lòng tất cả các vở tuồng nổi tiếng của thế hệ nghệ sĩ tiên phong như NSND Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng…

Thế rồi, với niềm đam mê thôi thúc, cậu âm thầm tự học các bài, bản cải lương. Võ Văn Xong đã đi qua biết bao khó khăn và thăng trầm của cải lương, chìm nổi theo sự thịnh suy của cuộc đời và cuối cùng trở thành soạn giả, ông bầu Hoàng Song Việt.

Trong những năm đầu của thập niên 1990, khán giả rất ưa chuộng cải lương video. Nhiều nghệ sĩ cải lương trong nước và hải ngoại đầu tư sản xuất loại hình này. Hoàng Song Việt được đặt hàng liên tục. Ông sáng tác hơn 200 bài ca và nhiều vở tuồng. Ông ký hợp đồng độc quyền với hãng băng đĩa Rạng Đông chuyên sản xuất cải lương. Ngoài ra, một nhà phát hành bên Mỹ ký hợp đồng làm băng đĩa cải lương với ông.

soangia.jpg
Vở "Nàng Xê - đa" phiên bản 2021 cũng là một dấu ấn đặc biệt của sân khấu miền Nam, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 khiến sân khấu cải lương - vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn

Ông sản xuất ra sản phẩm nào, gửi sang bên ấy phân phối. Hình thức trả tiền theo kiểu gối đầu: nhận đợt 2 thì trả tiền đợt 1. Công việc này giúp ông có nguồn thu, phụ giúp gia đình.

Thế nhưng vụ không tặc ngày 11.9.2001 tại Mỹ đã làm đảo lộn mọi thứ. Đối tác tại Mỹ thuê mặt bằng và nhà kho tại tòa nhà bị đánh bom. Toàn bộ tòa nhà sụp đổ khiến đối tác mất tất cả dẫn đến phá sản, việc phát hành băng đĩa ngưng lại. Vừa mất thu nhập, vừa phải lo hoàn trả chi phí cũ, Hoàng Song Việt phải cày ngày đêm, liên tục sáng tác vẫn không đủ sức trả nợ. Cùng đường, ông phải vay lãi suất đến 30% và phải trả lãi ròng rã suốt 10 năm mới hết. Thời đó, số tiền gốc khoảng 300 triệu đồng, ông phải trả chừng 1,5 tỉ đồng - một số tiền rất lớn.

Về sau, cố nghệ sĩ Phan Quốc Hùng được bổ nhiệm vị trí giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang. Hoàng Song Việt được mời về phụ trách đoàn Thắp sáng niềm tin trực thuộc nhà hát, có ngôi sao Vũ Luân và Tú Sương giữ vai đào kép chánh. Thời điểm này, đời sống cải lương đã bắt đầu sa sút. Sân khấu đã ít có cơ hội sáng đèn. Các soạn giả đã dần hết đất dụng võ nhưng Hoàng Song Việt vẫn sáng tác miệt mài và trở thành một cái tên không thể thiếu của nghệ thuật cải lương.

Cách nay ít năm, ônh nghỉ hưu. Dẫu vậy, niềm đam mê cải lương vẫn cuộn chảy trong huyết quản. Ông cùng soạn giả NSƯT Triệu Trung Kiên thành lập đoàn cải lương tư nhân Đại Việt. Mục đích của ông là nỗ lực hết sức để các nghệ sĩ cải lương có đất diễn, và nghệ thuật cải lương không lụi tàn. Vở tuồng đầu tiên Chuyện tình Khâu Vai được đầu tư lớn, sau cùng cũng thua lỗ gần 200 triệu đồng. Hoàng Song Việt phải vắt sức viết để lấy tiền nhuận bút bù vào khoảng thất thu ấy.

Tuy vậy, đến năm 2021, ông vẫn tiếp tục móc hầu bao đầu tư dựng vở Nàng Xê – Đa. Đây là một vở diễn hay và đẹp từ nội dung đến hình thức. Vở diễn ra mắt được khán giả tán thưởng nồng nhiệt. Đại dịch COVID-19 tái bùng phát nên kế hoạch công diễn bị hoãn lại khiến ông không thể thu hồi vốn. Vậy là vẫn phải cày ngày đêm để có thể duy trì hoạt động cho đoàn. Đến khi có chút tiền ông đầu tư cho vở Đêm trước ngày hoàng đạo, chỉnh chu từ nội dung đến hình thức. Khán giả tiếp tục tán thưởng nhưng suất diễn vẫn chưa đủ để thu hồi kinh phí đầu tư. Thế mà ông vẫn lao vào đầu tư cho kịch bản mới Truyền thuyết chàng Sa Mộc.

Cứ thế, Hoàng Song Việt sống trong từng khoảnh khắc chìm nổi của cải lương. Người khác thấy ông quá nặng nợ, tự chuốc lấy khó khăn vào mình nhưng với soạn giả Hoàng Song Việt, ông lại thấy mình hạnh phúc vì được sống trọn với đam mê.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Soạn giả Hoàng Song Việt: Người tạo sắc thái mới cho nghệ thuật cải lương