Phải chăng sự sợ hãi có liên quan hay chịu trách nhiệm cho việc tích lũy kiến thức? Đây là một đề tài khó hiểu, vậy hãy cùng xem xét nó thật kỹ lưỡng.
Ta biết còn con không biết…
Con người tích lũy và tôn thờ kiến thức, cả kiến thức khoa học lẫn kiến thức tinh thần. Họ nghĩ rằng kiến thức là thứ vô cùng quan trọng trong cuộc sống – kiến thức về những gì đã xảy ra và sắp xảy ra. Toàn bộ tiến trình tích lũy thông tin, tôn thờ kiến thức này phải chăng nảy sinh từ cái nền sợ hãi? Ta sợ rằng không có kiến thức, ta sẽ bị lạc lối, ta không biết phải tự mình hành xử ra sao.
Thế rồi dựa vào việc đọc sách thánh hiền, dựa vào những tin tưởng và kinh nghiệm của người đời cũng như của chính bản thân ta, dần dần ta xây dựng một nền tảng kiến thức trở thành truyền thống và ta ẩn trú đằng sau truyền thống này. Ta nghĩ kiến thức này là thiết yếu, nếu không có nó, ta không thể tồn tại, ta không biết phải làm gì.
Đã bao giờ các em suy xét cẩn thận cái tiến trình tích lũy kiến thức này chưa? Tại sao các em học, tại sao các em thi cử? Kiến thức cần thiết ở một mức độ nào đó, phải không? Không có kiến thức về toán và các môn học khác, ta không thể thành một kỹ sư hay một nhà khoa học. Quan hệ xã hội được xây dựng trên kiến thức, và ta không thể kiếm được cái ăn nếu không có kiến thức. Nhưng ngoài loại kiến thức đó, ta biết gì? Ngoài điều đó ra thì bản chất của kiến thức là gì?
Giả sử, tôi đã đạt đến một địa vị xã hội nào đó. Kinh nghiệm này cùng với cảm giác thành đạt, uy thế, quyền lực, khiến tôi có cảm giác an tâm, thoải mái. Do đó, việc biết về sự thành đạt của tôi, việc biết rằng tôi là một nhân vật nào đó, rằng tôi có địa vị, quyền lực, đã củng cố thêm cái tôi, bản ngã, phải không?
Các em có để ý thấy kiến thức đã thổi phồng các học giả uyên thâm ra sao không, hay kiến thức đã cho cha mẹ, thầy cô giáo các em một thái độ ra sao khi họ nói: “Ta có kinh nghiệm nhiều hơn con; ta biết còn con không biết”. Do đó, kiến thức, vốn đơn thuần là thông tin, dần dần trở thành thức ăn nuôi sống thói kiêu căng, nuôi dưỡng cái ngã, cái “tôi”. Bởi vì cái ngã không thể tồn tại nếu không có sự phụ thuộc mang tính ký sinh dưới dạng này hay dạng khác.
Kiến thức không có tình yêu sẽ trở thành phương tiện hủy diệt
Nhà khoa học dùng kiến thức của mình để nuôi dưỡng thói kiêu căng, để cảm nhận rằng mình là một nhân vật có tiếng nào đó, các nhà thông thái cũng vậy. Thầy giáo, cha mẹ, đạo sư – tất cả họ đều muốn thành một nhân vật có tiếng tăm trong thế giới này, vì thế họ sử dụng kiến thức như một phương tiện nhằm đạt mục đích đó, để thỏa mãn lòng dục; và nếu các em đi vòng ra phía sau những từ ngữ họ dùng, thì thực sự họ biết gì? Họ chỉ biết những gì có trong kinh sách, hay những gì họ đã trải nghiệm; mà kinh nghiệm của họ tùy thuộc vào nền tảng được quy định của họ.
Tương tự, phần đông chúng ta cũng chất chứa đầy ắp những từ ngữ, những thông tin mà ta gọi là kiến thức, nếu không có nó, ta cảm thấy mình bị lạc lối; vì thế, luôn luôn có nỗi sợ hãi ẩn nấp đằng sau bức bình phong ngôn từ, thông tin này.
Ở đâu có sợ hãi; ở đó không có tình yêu; và kiến thức mà không có tình yêu sẽ hủy diệt chúng ta. Ví dụ, hiện giờ ta có đủ kiến thức để nuôi sống nhân loại trên toàn thế giới, ta biết làm cách nào để nhân loại có cái ăn, cái mặc và chỗ ở, nhưng ta lại không làm việc đó, bởi vì ta bị chia cắt thành những nhóm người mang tính quốc gia dân tộc, mỗi nhóm lại theo đuổi những lợi ích riêng tư vị kỷ của mình.
Nếu ta thực sự muốn chấm dứt chiến tranh, ta có thể làm được; nhưng ta không có ý muốn đó, vì cùng một lý do. Do đó, kiến thức mà không có tình yêu thì sẽ trở thành phương tiện hủy diệt. Nếu ta không hiểu được điều này, mà chỉ đơn thuần thi lấy bằng cấp và đạt được địa vị để có uy thế và quyền lực chắc chắn cũng chỉ dẫn đến hư hoại thối nát, phẩm giá làm người dần dần bị suy tàn, khô héo đi.
Ở một vài mức độ nào đó, rõ ràng phải có kiến thức, nhưng việc nhận ra kiến thức được sử dụng vào các mục đích vị kỷ như thế nào còn quan trọng hơn gấp bội. Hãy quan sát chính mình, rồi các em sẽ thấy trí não đã sử dụng kinh nghiệm như phương tiện để tự bành trướng, như phương tiện của quyền lực, và uy thế ra sao.
Hãy quan sát người lớn rồi các em sẽ thấy họ khao khát địa vị và bám chấp sự thành đạt của họ ra sao. Họ muốn xây dựng một cái tổ an toàn cho chính mình, họ muốn có quyền lực, uy thế, sức mạnh – và phần đông chúng ta, bằng nhiều cách khác nhau, cũng theo đuổi những thứ giống vậy. Ta không muốn là chính mình, dù ta là ai đi nữa, ta muốn là một nhân vật nào đó. Chắc chắn có sự khác biệt giữa là và muốn là. Khao khát là hay trở thành ai đó được duy trì tiếp nối và được củng cố nhờ kiến thức, vốn được dùng để tự phóng đại bản thân.
Cho nên, hành động thực sự quan trọng đối với tất cả chúng ta, khi trưởng thành, là thâm nhập vào các vấn đề này và thấu hiểu chúng để không kính trọng một người chỉ vì người đó có chức tước, địa vị cao, hoặc được cho là có kiến thức uyên bác.
Thực sự cái biết của ta quá nhỏ nhoi, ít ỏi. Có thể ta đọc nhiều sách, nhưng lại rất ít trải nghiệm trực tiếp bất cứ điều gì. Mà chính sự trải nghiệm trực tiếp thực tại. Thượng đế, mới là mang tính quan trọng cốt yếu, và do đó, phải có tình yêu.