Với niềm đam mê về dược liệu và mong muốn bảo tồn các loại cây này, vào giữa năm 2016, chàng trai 8X ở miệt vườn Kế Sách của tỉnh Sóc Trăng đã thành lập công ty chuyên về bảo tồn giống dược liệu quý. Hiện nay anh đã có trong tay hơn 100 loại dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Sóc Trăng: Kho dược liệu của chàng trai 8X

Xuân Lương | 09/03/2020, 10:52

Với niềm đam mê về dược liệu và mong muốn bảo tồn các loại cây này, vào giữa năm 2016, chàng trai 8X ở miệt vườn Kế Sách của tỉnh Sóc Trăng đã thành lập công ty chuyên về bảo tồn giống dược liệu quý. Hiện nay anh đã có trong tay hơn 100 loại dược liệu có giá trị kinh tế cao.

          

Anh Dương Trọng Nhân (32 tuổi), người sáng lập Công ty TNHH Bảo Tồn giống dược liệu Hòa An cho biết, anh sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân ở ấp Hòa An, xã Xuân Hòa, H.Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Quê anh là vùng chuyên trồng các loại cây ăn trái nổi tiếng của tỉnh như sầu riêng, chôm chôm, nhãn, mít, mận…

Năm 2006, tốt nghiệp chuyên ngành nông học của Trường đại học Cần Thơ, Trọng Nhân đã thử sức ở một số công việc. Nhưng cuối cùng, với niềm đam mê bảo tồn các loại giống cây dược liệu quý, anh quyết định trở về quê thành lập cơ sở bảo tồn giống dược liệu quý đang có nguy cơ bị mai một…

Đến nay, khu vườn 12.000 m2 của gia đình anh vốn trồng cây ăn trái, nay đã được phủ kín nhiều giống dược liệu quý hiếm với hàng trăm loại cây thuốc quý như sả, chanh, cam, bưởi, mù u, quế, cau, dâu tằm, đào tiên, đinh lăng, mạch môn, chùm ngây, nghệ đen, nghệ vàng, sung, long não, Getto….

Chàng trai trẻ sưu tầm nhiều giống dược liệu mang về trồng - Ảnh: Vũ Phong

Những giống cây này được anh sưu tầm ở nhiều địa phương và anh đang thuê đất ở nơi khác để mở rộng, trồng thêm nhiều loại cây dược liệu phục vụ cho việc bảo tồn, sản xuất. Đồng thời, anh đang liên kết với nhiều nông dân để có thêm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay cơ sở của anh có 2 lò chưng cất công suất 2.000 lít, mỗi tuần anh cho ra 5 mẻ sản phẩm tinh dầu như sả, chanh, cam, bưởi… với sản lượng 6 kg, cung cấp cho nhiều công ty sản xuất dược phẩm lớn ở trong nước. Riêng cây mù u, mỗi tháng công ty cho ra lò 200kg dầu dùng cho việc trị bỏng, làm lành vết thương rất hiệu quả.

Anh Nhân cho biết, vườn nhà anh trồng nhiều giống sả khác nhau để nghiên cứu sản xuất tinh dầu và xem loại sả nào cung cấp tinh dầu đạt nhất. Từ đó phổ biến nhân rộng đưa giống sả để hộ dân trồng, tạo vùng nguyên liệu và thu mua sả về tại cơ sở để tinh chế tinh dầu.

Công việc sản xuất tinh dầu sả tại cơ sở đã đem lại nguồn thu đáng kể và tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giúp người dân có thêm nguồn thu từ việc trồng sả xen canh cùng các cây trồng khác tại vườn. Tinh dầu sả chủ yếu xuất bán sang một số nước như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Canada...

Công ty của anh Nhân còn sản xuất tinh dầu bưởi, tràm, cam, chanh, mù u, quế… được khách hàng ưa chuộng. Thu nhập từ nguồn tinh dầu này mỗi năm mang về cho anh hàng trăm triệu đồng.

“Xung quanh chúng ta đều là những cây thuốc nếu dùng đúng cách, công dụng chữa bệnh rất hữu hiệu, vì vậy tôi quyết tâm sưu tầm, trồng, nhân giống, bảo tồn và bào chế những loại cây thuốc phục vụ sức khỏe cho người dân”, anh Nhân chia sẻ.

Dược liệu ở khu vườn của anh Nhân khá đa dạng - Ảnh: Vũ Phong

Ông Phan Hải Hoàng Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết: “Địa phương rất quan tâm đến việc phát triển cây dược liệu, nhất là khi Công ty TNHH Bảo tồn giống dược liệu của anh Nhân thu mua cây sả để chiết xuất tinh dầu sả, tạo nguồn thu đáng kể cho hộ dân.

Xuân Hòa là địa phương chuyên canh trồng các loại cây ăn trái nên việc trồng xen canh cây sả tại vườn cây khá phù hợp, giúp hộ dân tăng thu nhập. Bên cạnh đó, với lợi thế là xã có diện tích lớn trồng bưởi, các loại bưởi rụng hay bưởi dạt cũng sẽ được tận dụng bán lại cho công ty lấy vỏ chiết xuất tinh dầu, người dân vẫn có nguồn thu”.

Đặc biệt, công trình nghiên cứu Trà dược liệu Getto trường thọ của Dương Trọng Nhân đã được nhiều người đánh giá cao bởi tính khoa học và thiết thực của dự án này. Anh Nhân cho biết, trong những lần làm việc với các nhà khoa học về các loại cây dược liệu, anh được tiếp xúc với cây Getto - giống cây thuộc họ cây Riềng Đẹp, có nguồn gốc từ vùng Okinawa, Nhật. Qua tìm hiểu, anh biết được công dụng tuyệt vời từ loại cây này nên đã tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về dược tính, công dụng trị bệnh của loại cây này cũng như kỹ thuật trồng cây tại Việt Nam.

Sau quá trình nghiên cứu và thấy được khả năng thích nghi của cây Getto với thổ nhưỡng vùng ĐBSCL nên anh đã tìm giống trồng thử nghiệm tại vườn của gia đình, cho kết quả tốt. Từ đó, anh đã hình thành ý tưởng trồng nhiều, sản xuất các loại trà dược liệu với nguyên liệu chính là cây, lá Getto, cung cấp ra thị trường, hình thành 1 dòng sản phẩm trà dược liệu mới, giúp người dùng có thêm nhiều sự lựa chọn trong việc sử dụng các sản phẩm giúp cải thiện sức khỏe.

Năm 2013, cơ sở của anh đã tiến hành sản xuất thử nghiệm trà Getto và cho dùng thử với các chị em phụ nữ ở tuổi trung niên, cao niên và phụ nữ sau khi sinh trên địa bàn lân cận cơ sở… Kết quả cho thấy, các bệnh lý thường gặp ở những nhóm phụ nữ nói trên giảm đi rõ rệt. Các dược chất trong cây Getto giúp điều hòa, lưu thông khí huyết, giúp sức khỏe người dùng tốt hơn.

Năm 2016, đề tài Trà dược liệu Getto trường thọ của anh Nhân đã thuyết phục được Ban Quản lý Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng, và được tài trợ kinh phí để thực hiện.

Giám đốc Sở NN-PTNT Lương Minh Quyết, nhấn mạnh: “Việc bảo tồn, phát huy các giống dược liệu của Công ty TNHH Bảo Tồn giống dược liệu Hòa An là vô cùng đáng quý. Mô hình trên đã mở ra cơ hội cho nhiều bà con nông dân tăng thêm nguồn thu nhập từ việc tận dụng vườn nhà trồng các loại cây thuốc cung ứng cho công ty”.

Lò chưng cất tinh dầu của anh Nhân - Ảnh: Vũ Phong

Theo ông Quyết, cây dược liệu là một phần trong việc định hướng phát triển các loại cây của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.200 héc-ta diện tích cây dược liệu. Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng dược liệu ở tỉnh còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống chưa được quan tâm đúng mức. Kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được chuẩn hóa, ít có sự tham gia của nhà khoa học mà mới chỉ dừng lại ở kinh nghiệm cá nhân...  

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của cây dược liệu, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu, cũng như xây dựng một số vùng trồng các loài cây thuốc đang có nhu cầu lớn theo điều kiện sinh thái và địa lý phù hợp và triển khai trồng các loài cây thuốc theo tiêu chuẩn GAP. Đồng thời, xây dựng Bộ Dược liệu chuẩn về chất lượng.

Đi đôi với việc quy hoạch sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, các hộ nông dân về kỹ thuật trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản nhằm bảo đảm chất lượng dược liệu. Quan trọng nhất là tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển dược liệu, hỗ trợ vốn, cây giống, cơ sở vật chất, miễn giảm thuế.

Vũ Phong

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: Kho dược liệu của chàng trai 8X