Thời tiết ở Sóc Trăng cũng như Nam Bộ đang bước vào mùa nắng hạn và dự báo hạn mặn sẽ diễn ra khá gay gắt. Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đến giữa tháng 3.2021, nước mặn sẽ tăng và xâm nhập sâu vào các sông ĐBSCL, ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân...

Sóc Trăng: Nông dân ‘đánh cược’ với ông trời

Vũ Phong | 08/03/2021, 15:57

Thời tiết ở Sóc Trăng cũng như Nam Bộ đang bước vào mùa nắng hạn và dự báo hạn mặn sẽ diễn ra khá gay gắt. Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đến giữa tháng 3.2021, nước mặn sẽ tăng và xâm nhập sâu vào các sông ĐBSCL, ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân...

Ở Sóc Trăng, hạn mặn năm 2020 đã làm thiệt hại nặng nề trên 4.000 hec-ta lúa đông xuân muộn (nông dân gọi là lúa vụ 3) ở các H.Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề... Vì thế, năm 2021, ngành nông nghiêp Sóc Trăng đã khuyến cáo nông dân không nên sản xuất lúa vụ 3 nhưng nông dân ở nhiều địa phương vẫn bất chấp, tiếp tục xuống giống lúa vụ 3. Và họ đang đối mặt với khó khăn khi lúa đang phát triển nhưng mùa khô đang bước vào những tháng cao điểm, xâm nhập mặn đã ở mức báo động.

2a.jpg
Lúa xác xơ ở xã Tân Hưng (H.Long Phú) mùa hạn 2020 - Ảnh: Vũ Phong

Ở H.Long Phú, theo thống kê của Phòng NN-PTNT, đến thời điểm này toàn huyện có trên 2.290 hec-ta lúa vụ 3, tập trung nhiều ở các xã Trường Khánh (trên 833 hec-ta), Tân Hưng (trên 420 hec-ta), Long Đức (trên 246 hec-ta), TT.Đại Ngãi (gần 155 hec-ta). Trong khi đó độ mặn trong ngày 8.3 trên một số địa điểm ở huyện này đã lên rất cao, từ 1,9-4,6‰. Vì thế ngành chức năng đã đóng hoàn toàn 2 cống Bà Xẩm và cống Cái Quanh để ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng.

4.jpg
Ruộng khô kiệt trong những ngày đầu mùa khô hạn tại xã Trường Khánh - Ảnh: Vũ Phong

Theo quan sát của PV, ở ấp Tân Quy A (xã Tân Hưng, H.Long Phú), một số kênh mương đã có dấu hiệu cạn nước. Trong khi đó, nhiều diện tích lúa ở đây đang phát triển xanh tốt. Một nông dân cho biết: “Nhìn thì xanh tốt vậy vì bà con đang bón phân, nhưng vài bữa nữa là vàng hết. Địa phương đã khuyến cáo không làm vụ 3 nhưng nhiều hộ vẫn “đánh cược” với ông trời, hy vọng sẽ có vụ mùa trúng. Nhưng chắc chắn là thất bại khoảng 70% rồi vì bây giờ nước đã bị nhiễm mặn”.

1a.jpg
Lúa chết khô ở xã Trường Khánh (H.Long Phú) mùa hạn 2020 - Ảnh: Vũ Phong

Ông Lý Văn Hen (67 tuổi, ở ấp Trường Thành A, xã Trường Khánh, H.Long Phú) chia sẻ: “Mấy năm trước, tôi cũng làm lúa vụ 3 nhưng thất bại vì hạn mặn. Nên năm nay nghe theo khuyến cáo của chính quyền, tôi bỏ hoang ruộng đất chứ không dám làm nữa. Ở xã chúng tôi vẫn còn nhiều hộ xuống giống nhưng thấy bấp bênh quá”.

1b.jpg
Lúa ở xã Trường Khánh đang đối mặt với hạn mặn năm 2021 - Ảnh: Vũ Phong

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp H.Long Phú tiếp tục theo dõi chặt chẽ nguồn nước và đo độ mặn thường xuyên tại các cống, cửa sông để thông báo kịp thời cho người dân chủ động trong sản xuất, cố gắng làm sao để hạn chế đến mức thấp nhất sức tác động của hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay.

5.jpg
Một ruộng lúa hiện tại ở xã Trường Khánh bị ảnh hưởng - Ảnh: Vũ Phong

Ở H.Mỹ Xuyên, tại xã Thạnh Quới, nông dân xuống giống lúa vụ 3 khoảng 920 hec-ta. Dù địa phương và ngành chức năng khuyến cáo không xuống giống lúa vụ 3 nhưng một phần do giá lúa vụ trước cao, một phần do xã Thạnh Quới nằm giáp với vùng trũng Ngã Năm - Thạnh Trị nên nông dân thấy nguồn nước các kênh rạch còn nhiều nên nông dân vẫn sản xuất lúa vụ 3. Hiện tại, độ mặn ở các điểm đo của xã Thạnh Quới chưa tới 1‰ nhưng khả năng trong những ngày tới sẽ diễn biến phức tạp hơn khi hạn mặn cũng đang có xu hướng gia tăng.

3.jpg
Một ao tôm cạn trơ đáy ở P.5 (TP.Sóc Trăng) - Ảnh: Vũ Phong

Hiện tại, ngành nông nghiệp Mỹ Xuyên đang tích cực hỗ trợ nông dân trong việc kiểm đo độ mặn, điều tiết nước nhằm giúp người dân tránh được thiệt hại. Nguy cơ thiếu nước ngọt vào cuối vụ đã hiện hữu khi các dòng kênh trên địa bàn các huyện ở Sóc Trăng đang dần cạn nước, trong khi mùa khô đang bước vào cao điểm...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: Nông dân ‘đánh cược’ với ông trời