Tiền điện tăng bất thường, thậm chí có hộ không sử dụng nhưng tiền điện vẫn đều đặn mỗi tháng là những vấn đề mà nhiều người dân, hộ kinh doanh ở TT.Đại Ngãi, H.Long Phú, tỉnh Sóc Trăng phản ánh với Một Thế Giới.

Sóc Trăng: Tiền điện tăng vọt ngay tháng mưa bão

Thanh Nguyên | 25/11/2020, 10:30

Tiền điện tăng bất thường, thậm chí có hộ không sử dụng nhưng tiền điện vẫn đều đặn mỗi tháng là những vấn đề mà nhiều người dân, hộ kinh doanh ở TT.Đại Ngãi, H.Long Phú, tỉnh Sóc Trăng phản ánh với Một Thế Giới.

Anh T.V.T. ngụ ấp 2, TT.Đại Ngãi, H.Long Phú bức xúc cho biết, tiền điện kỳ 1 tháng 10.2020 của anh gần 2,3 triệu đồng. Đây là mức tiêu thụ điện thường xuyên của gia đình anh cho cho nhu cầu sử dụng bình thường và một phần phục vụ kinh doanh một loại hình giải trí cần thắp sáng bằng nhiều đèn led. Bất ngờ đến kỳ nhận thông báo tiền điện tiếp theo là kỳ 1 tháng 11.2020 tiền điện của anh được thông báo là gần 3,3 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng.

1.jpg
Một người dân ở TT.Đại Ngãi bức xúc trình bày về tiền điện - Ảnh: Thanh Nguyên

Giá điện tăng nhưng mức tiêu thụ điện cũng như tháng trước - không có gì khác hơn so với thường ngày, gia đình cũng không có thêm thành viên mới hay mua thêm thiết bị sử dụng điện mới. “Vậy, tiền điện tăng gần 1 triệu đồng trong 1 tháng là vì đâu?”, anh T. đặt vấn đề.

Anh cho biết trước đây trong đợt nghỉ dịch COVID-19 theo quy định, gia đình anh tạm đóng cửa quán không kinh doanh, nhưng tiền điện thì không giảm. Anh dẫn chứng thêm một số người thân của anh ở TT.Đại Ngãi cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự như anh.

Nhiều hộ dân ở TT.Đại Ngãi cho biết, họ biết rất nhiều trường hợp ở địa phương cũng phải nhận thông báo tiền điện bất hợp lý như thế. Nhưng khi phản ánh với nhân viên thu tiền điện, họ chỉ được thông báo lên công ty để khiếu nại. Vì công việc bận rộn, ngại đi lại, kiện cáo họ đành chấp nhận đóng tiền.

2.jpg
Tin nhắn thông báo tiền điện của anh T. chênh lệch 1 triệu đồng giữa 2 tháng liền kề - Ảnh: Thanh Nguyên

Với việc tăng tiền điện một cách bất thường, người dân không rõ nguyên do, ngành điện không giải thích thuyết phục được thì một nguyên nhân hé lộ. Đó là Công ty Điện lực Sóc Trăng (điện lực Sóc Trăng) vừa qua đã bất ngờ thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ điện của khách hàng cho kỳ tháng 11.2020. Tháng 10 có 31 ngày nhưng điện lực thay đổi cộng thêm 1 ngày nữa, tức dân phải chịu ghi số điện của 32 ngày. Điều này khiến người dân cho rằng có ảnh hưởng đến tiền điện mà họ phải đóng hàng tháng.

Cụ thể điện lực Sóc Trăng có kế hoạch thay đổi dịch chuyển ngày ghi chỉ số công tơ thêm 1 ngày, trừ các khách hàng ghi ngày 16, 17 hàng tháng. “Khách hàng mua điện sử dụng gia đình sẽ có 5 mức giá tính lũy kế. Vậy ví dụ thông thường hàng tháng họ sử dụng điện chỉ được tính ở mức 3, bây giờ ghi trễ hay ghi thêm 1 ngày trong tháng vậy nếu trường hợp tiền điện rơi vào mức 4 thì có phải là người dân phải trả thêm tiền oan không, khi tổng số tiêu thụ điện đến 32 ngày?”, 1 người dân ở Sóc Trăng đặt nghi vấn.

Với việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ của khách hàng, Điện lực Sóc Trăng lập bảng ước tính cụ thể: nếu tháng 10.2020 tổng số điện tiêu thụ trên toàn tỉnh là gần 89 triệu Khw thì tháng 11.2020 dự kiến sẽ tăng thêm gần 3 triệu kwh. Ngoài việc tăng doanh thu bất ngờ vì cộng thêm 1 ngày để đạt chỉ tiêu cấp trên giao thì ngành điện Sóc Trăng còn “quất” thêm khách hàng ở phần lũy kế, bởi xài càng nhiều giá điện càng tăng.

Giả sử 1 hộ chỉ xài 31 ngày của kỳ vừa qua là 300 Kwh điện. Nhưng vì điện lực ghi thêm 1 ngày tức họ sẽ bị tính 310 Kwh chẳng hạn. Khi đó 10 Kwh dôi thêm sẽ bị tính giá cao ngất ngưỡng. Một hộ không bao nhiêu, nhưng toàn tỉnh Sóc Trăng thì số tiền đó cực lớn.

3.jpg
Đơn khiếu nại của các hộ dân mà Một Thế Giới nhận được- Ảnh: Thanh Nguyên

Trong khi đó việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ điện năng của khách hàng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam quy định rõ. Trong đó việc ghi chỉ số công tơ phải đúng với lịch ghi chỉ số công tơ đã được phê duyệt và được quy định trong hợp đồng mua bán điện, từ trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh... Nhưng khi đó thời điểm ghi chỉ số công tơ chỉ được phép dịch chuyển thêm hoặc bớt 1 ngày hoặc lâu hơn tùy thuộc vào thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng.

Khi thay đổi cộng thêm hoặc trừ 1 ngày hoặc lâu hơn do trường hợp bất khả kháng, đúng ra Điện lực Sóc Trăng cũng phải có văn bản xin phép Tổng công ty Điện lực miền Nam và thông báo rộng rãi cho khách hàng. Đàng này theo nguồn tin của PV, Giám đốc Điện lực Sóc Trăng tự phê duyệt kế hoạch cộng thêm 1 ngày tính điện trong kỳ vừa qua.

Một cán bộ của Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết sự kiện bất khả kháng có thể là do thiên tai như mưa bão, hoặc do tình hình dịch bệnh như thời gian vừa qua. Nhưng trong thời gian vừa qua - cụ thể là tháng 10 và 11, một số người dân Sóc Trăng cho hay trời có mưa do ảnh hưởng bão, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến việc sử dụng điện và sản xuất. Ngành điện cũng không thể đổ do vào mùa nóng dân xài nhiều. Nguyên nhân vì sao thì đã rõ, như chúng tôi đã phân tích.

4.jpg
Ông Phan Thanh Dũng Minh – Phó giám đốc Điện lực Sóc Trăng giải thích việc thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ điện với Một Thế Giới - Ảnh: Thanh Nguyên

Trả lời vấn đề này ông Phan Thanh Dũng Minh - Phó giám đốc Điện lực Sóc Trăng cho biết việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ điện của khách hàng là theo… lộ trình để đồng bộ ngày ghi chỉ số cho cả tỉnh và việc này tuân thủ đúng các quy định. Ông cũng cho rằng việc thay đổi này không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

“Khi di chuyển ngày, số tiền ra tính trên ngày hết, chứ không phải ghi thêm 1 ngày là bị vượt quá lũy tiến. Ghi 32 ngày thì tính bình quân trong… 32 ngày chia ra, chứ không bị lũy tiến. Có công thức phần mềm tính ra hết”, ông Minh nói.

Việc Tập đoàn Điên lực Việt Nam ban hành, bổ sung quy định về việc ghi chỉ số công tơ điện là để kịp thời hạn chế tối đa sai sót trong việc ghi chỉ số tiền điện tăng đột biến như tại Quảng Bình, Quảng Ninh, Nghệ An… vào đầu năm nay cũng như việc hóa đơn lặp lại nhiều lần như ở Tiền Giang. Việc ban hành quy định này nhằm thiết lập các ngưỡng kiểm soát trong quy trình xác nhận số liệu, lập hoá đơn tiền điện và công tác dịch vụ khách hàng như sau.

Cụ thể bổ sung 2 bước trong quy trình ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện. Theo đó khi sản lượng tăng trưởng quá cao, vượt ngưỡng được thiết lập thì sẽ không cho xác nhận chỉ số để tính hoá đơn và không cho xác nhận kết quả tính để lập hoá đơn. Để thực hiện được việc lập hoá đơn, lãnh đạo đơn vị tổ chức kiểm tra số liệu và ký xác nhận điện tử số liệu trên chức năng của chương trình quản lý khách hàng sau khi kiểm tra.

Đó là giải thích của phía Điện lực Sóc Trăng. Còn trên thực tế Điện lực Sóc Trăng đã tính toán rất chi tiết số điện sử dụng tăng thêm khi cộng thêm 1 ngày rất chi tiết, bài bản để giám đốc phê duyệt. Và cụ thể nhiều người dân ở TT.Đại Ngãi đã trả tiền cao hơn tháng trước khá nhiều! Và người dân cũng chỉ biết lũy kế là 100 Kwh đầu giá bao nhiêu, từ Kwh thứ 101 giá cao hơn bao nhiêu chứ chưa hề biết việc tính bình quân, chia đều… như giải thích của Điện lực Sóc Trăng.

Bài liên quan
Tính giá điện hai thành phần, người dân liệu có lợi?
Giới chuyên gia nhận định khi được áp dụng, giá điện hai thành phần sẽ phát tín hiệu cho nhà sản xuất đảm bảo bù đắp chi phí vật tư và vận hành. Người dùng cũng biết mức sử dụng điện để điều chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chung cư Hà Nội 'ngáo giá' và cảnh báo nguy cơ vỡ 'bong bóng'
Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong nhiều năm gần đây.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: Tiền điện tăng vọt ngay tháng mưa bão