“Hội họa Truyện Kiều” là triển lãm của họa sĩ Sơn Kiều (Nguyễn Tuấn Sơn) sẽ được ra mắt công chúng Hà Nội từ ngày 18 đến 23.11.2020.

Sơn Kiều với triển lãm "Hội họa Truyện Kiều"

Tiểu Vũ | 15/11/2020, 16:31

“Hội họa Truyện Kiều” là triển lãm của họa sĩ Sơn Kiều (Nguyễn Tuấn Sơn) sẽ được ra mắt công chúng Hà Nội từ ngày 18 đến 23.11.2020.

Với 96 tác phẩm được trưng bày, Triển lãm cũng là kết tinh hơn 20 năm theo đuổi nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo với các nhân vật Truyện Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, hay còn được biết đến với nghệ danh “Sơn Kiều”.

Với hơn 20 năm nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo, họa sĩ trẻ Nguyễn Tuấn Sơn đã “dấn thân” vào đề tài này với cái nhìn và cách vẽ rất đặc biệt. Các tác phẩm của anh không chỉ minh họa tác phẩm Truyện Kiều mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng, những nét vẽ trừu tượng khiến người xem tranh phải soi kỹ nhiều lần, khám phá từng đường nét của bức họa và không ngừng tưởng tượng.

capture-20201115-143930.png
Tác phẩm "Khách viễn phương", st 200 (bột màu 30x 40cm) của Nguyễn Tuấn Sơn

Cách hiểu của Nguyễn Tuấn Sơn về Truyện Kiều qua các bức tranh của anh là một nhận thức mới, hiện đại, tránh được những áp đặt trong quá khứ (như các thiên kiến về Thúy Kiều - một kỹ nữ, Hoạn Thư - người đàn bà độc ác, ghen tuông, Thúc Sinh - kẻ trác táng, hèn nhát, Kim Trọng - gã thư sinh vô dụng, Đạm Tiên - hồn ma đáng sợ…).

Các bức tranh của anh đem lại cho người thưởng lãm những giá trị nhân văn mới từ góc nhìn hội họa, khiến họ thay đổi ít nhiều cách nghĩ quen thuộc về các nhân vật trong Truyện Kiều, nhìn ngắm họ từ nhiều khuôn mặt của cuộc đời, thêm những nỗi cảm thông với những thân phận bị cuộc đời hắt hủi, đày đọa.

capture-20201115-143555.png
Tác phẩm "Kiếp lầu xanh" st 200 (bột màu, 30 x 40cm) của Nguyễn Tuấn Sơn

Tranh Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn còn là sự kết hợp giữa hội họa phương Tây và những giá trị mỹ thuật dân tộc. Chúng ta thấy ẩn hiện trong những nét màu rất mạnh và rất sắc của anh là những đường nét của điêu khắc đình làng, của mỹ thuật chùa chiền và màu sắc của các lễ hội; thấp thoáng đâu đó hình dáng của các nhân vật trong các vở chèo, vở tuồng truyền thống… Đây là một sự kết hợp mang màu sắc dân tộc mà Nguyễn Tuấn Sơn rất tâm đắc

Nhà điêu khắc Kù Kao Khải nhận xét về các tác phẩm minh họa Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn: “Ở Nguyễn Tuấn Sơn có một tố chất hội họa tài năng, với các tác phẩm minh họa Truyện Kiều, anh vẽ theo một hình thức không gian ước lệ, hình bóp rất đẹp, miêu tả có độ nhấm nháy, bóng, mọng và giàu chất mỹ thuật. Đặc biệt ở những tác phẩm của Nguyễn Tuấn Sơn, các nhân vật mang đậm hơi thở Việt Nam, văn hóa Việt Nam không hề tạp lẫn”.

Triển lãm Hội họa Truyên Kiều  họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn được tổ chức bởi Hội đồng Gia tộc Họ Nguyễn Tiên Điền (dòng họ của đại thi hào Nguyễn Du diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 18 đến 23.11.2020.

Nguyễn Tuấn Sơn

nguyentuanson_fotor.jpg
Họa sĩ - nghệ danh Sơn Kiều

Nguyễn Tuấn Sơn sinh ngày 10.8.1978 tại thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà, Thái Bình. Anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Hơn hai mươi năm sáng tác tranh lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã có nhiều hoạt động gắn với Truyện Kiều như vẽ minh họa kết hợp với thư pháp chữ Nôm của nhà nghiên cứu Châu Hải Đường viết, triển lãm tranh cảm hứng từ các nhân vật trong Truyện Kiều, đem các tác phẩm vẽ về Truyện Kiều giới thiệu tại nước ngoài…

Niềm đam mê của Nguyễn Tuấn Sơn không chỉ dừng lại ở việc vẽ Kiều, anh còn là nhà sưu tập truyện Kiều cổ xưa. Ngày 1.8 tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội, Hội thảo và Triển lãm minh họa Truyện Kiều dưới góc nhìn minh triết Việt đã diễn ra. Đây là hoạt động đặc biệt do Viện Pháp tổ chức nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của danh nhân văn hóa thế giới - đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 - 1820). Hội thảo nhằm tiếp cận thông tin để giải đáp thắc mắc và đưa ra những giả thuyết mới về góc khuất trong lịch sử Truyện Kiều, qua đó, mỗi người tự suy ngẫm về lịch sử và văn hóa dân tộc Việt.

Trong dịp đó, Nguyễn Tuấn Sơn đã công bố bản Kiều Kinh 1898, giới thiệu tới khán giả tác phẩm Truyện Kiều dưới dạng bản kinh ngự dụng (chuyên dành cho vua chúa). Cuốn Kiều Kinh này được Công Thiệu Đường in vào mùa Đông năm Mậu Tuất (1898), dưới thời vua Thành Thái và được lưu giữ như một tài liệu văn học cho hoàng thân quốc thích sử dụng.

Ngoài ra, Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn còn được biết đến trong vai trò là một nhà giáo với nghệ danh Picas Sơn, một người truyền cảm hứng nghệ thuật tới các thế hệ học trò. Bởi vậy dù ở bất kỳ tác phẩm nào, anh luôn đặt mục tiêu phải có tính định hướng giáo dục, thiết thực, phát triển năng lực cho học sinh, sinh viên.

Bài liên quan
 Họa sĩ Trần Thế Vĩnh đang 'Vọng' về đâu?
Họa sĩ Trần Thế Vĩnh đang vọng về đâu? Đó là câu hỏi thú vị dành cho triển lãm và cuốn sách cùng tên của anh vừa ra mắt công chúng hôm nay…

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sơn Kiều với triển lãm "Hội họa Truyện Kiều"