Theo khái niệm truyền thống về giấc mơ của Freud thì một số sự kiện xảy ra từ thế giới bên ngoài trong lúc tỉnh, sẽ để lại những ấn tượng tiếp diễn trong tâm trí, đi vào thế giới trong mơ của chúng ta.

Sống đời tự do - Giấc mơ là gì, tại sao bạn mơ?

Hạ Vĩ | 13/09/2023, 10:46

Theo khái niệm truyền thống về giấc mơ của Freud thì một số sự kiện xảy ra từ thế giới bên ngoài trong lúc tỉnh, sẽ để lại những ấn tượng tiếp diễn trong tâm trí, đi vào thế giới trong mơ của chúng ta.

Khi mơ bạn sẽ sáng tạo hơn nhiều

Một cậu bé muốn một chiếc xe đạp nhưng chưa có được. Cậu bé đi ngủ và mơ thấy mình có một chiếc xe đạp. Sự kiện chiếc xe đạp nguyên bản không thể ở yên trong tâm trí, vì vậy cậu bé đã cố đẩy nó vào một góc xa bên trong và đè nén nó. Nhưng khi cậu bé đi ngủ và không kiểm soát nghiêm ngặt những suy nghĩ của mình, tâm trí tự do phóng thích những gì không được tự do thể hiện khi cậu bé thức. Tất cả chúng ta đều thường xuyên trải nghiệm loại giấc mơ này. Một sự kiện được nạp năng lượng từ thế giới trong lúc tỉnh sẽ có cách để đi vào thế giới trong mơ của chúng ta. Bạn không chủ ý làm điều này. Chính tâm trí đang cố gắng giải phóng những hình thái năng lượng đã kết tụ trước đó.

Có nhiều loại giấc mơ. Freud gọi giấc mơ mà chúng ta đang bàn đến là sự hoàn thành cơ bản ước muốn. Những ấn tượng khó phai trong tâm trí đó, mà khoa học về yoga gọi là một samskara được hình thành trong tâm trí lúc tỉnh, đang phóng thích năng lượng bằng cách tạo ra những suy nghĩ mà bạn quan sát thấy khi đang ngủ. Những suy nghĩ tạo nên giấc mơ này khác với những suy nghĩ bột phát diễn ra trong tâm trí thức tỉnh của bạn. Chắc chắn là chúng sống động hơn nhiều, đặc biệt là về mặt tượng hình. Đó là do khi bạn đang ngủ, tâm trí có thể tập trung hoàn toàn vào việc tạo ra suy nghĩ. Nó không bị phân tâm, phiền nhiễu bởi các giác quan hoặc tầng tầng lớp lớp suy nghĩ và cảm xúc đang diễn ra. Thêm vào đó, lúc này bạn đang không có chủ ý đẩy các suy nghĩ ra xa.

songdoitudo-quote2a.jpg

Đó là lý do vì sao tâm trí sáng tạo hơn nhiều khi bạn chìm vào giấc ngủ. Nó có thể tạo ra cả một thế giới tinh vi với hình ảnh trên không gian ba chiều và màu sắc sặc sỡ. Hầu hết mọi người không thể làm được điều đó khi thức, mặc dù rõ ràng là tâm trí họ hoàn toàn có khả năng đó.

Một khi bạn ngưng đè nén những trải nghiệm không thoải mái, bạn sẽ nhận ra rằng không có tâm trí tiềm thức tồn tại tự thân. Tâm trí ý thức và tâm trí tiềm thức thật ra là cùng một tâm trí, và lý do duy nhất khiến chúng ta nhìn thấy sự khác biệt là vì chúng ta đã tạo ra một sự phân chia giả định.

Hãy tưởng tượng bạn đang nhìn quanh căn phòng đầy người và nói: “Tôi thích những người ở bên phải căn phòng; tôi cảm thấy thoải mái với những người đó. Tuy nhiên, với những người ở bên trái căn phòng, tôi cảm thấy rất khó chịu”. Khi tuyên bố điều này, bạn sẽ không đưa mắt nhìn về phía trái căn phòng một lần nào nữa vì nó khiến bạn khó chịu.

Bạn vừa làm cái việc phân chia căn phòng thành hai phần, phần khiến bạn thoải mái và phần mà bạn không muốn dính dáng gì đến. Cái phần sau vẫn là hiện thực, nhưng với bạn thì nó không còn tồn tại. Đó chính xác là những gì bạn đang làm để tạo ra tâm trí tiềm thức. Phần tâm trí mà bạn không muốn nhìn nhận chính là tiềm thức.

Thật may, những phần phân chia giả định này trong tâm trí bạn sẽ hợp nhất ngay khi bạn ngừng đè nén chúng. Bạn sẽ có trở lại toàn bộ tâm trí và có thể sử dụng toàn bộ sức mạnh của nó. Hãy hình dung bạn đã tiêu phí bao nhiêu sức mạnh tinh thần khi dồn ép tất cả mớ hỗn độn đó vào trong tiềm thức bao lâu nay. Và rồi bạn lại phải giữ nó ở tầng sâu bên dưới suốt quãng đời còn lại. Thật đáng kinh ngạc về mớ hỗn độn chúng ta tạo ra, chỉ vì không thể kiểm soát những khoảnh khắc trôi qua trước mắt mình.

Điều gì khiến bạn thoát khỏi cơn ác mộng?

Những suy nghĩ mà chúng ta đẩy sâu vào tiềm thức thể hiện vai trò của nó trong cả trạng thái tỉnh và mơ. Nguyên nhân khiến tâm trí bạn tạo ra những suy nghĩ vô thức trong mơ cũng chính là nguyên nhân khiến tâm trí bạn tạo ra những suy nghĩ bột phát lúc tỉnh. Trong cả hai trường hợp, bạn không chủ ý tạo ra hoạt động tinh thần này. Nó tự diễn ra như một phần nỗ lực của tâm trí nhằm giải phóng những năng lượng bị kìm hãm.

Mối dây liên hệ giữa trạng thái tỉnh và mơ là tâm thức. Bạn, chủ thể đang quan sát giấc mơ cũng chính là chủ thể quan sát suy nghĩ của bạn và trải nghiệm thế giới bên ngoài trong lúc tỉnh. Điều này giải thích tại sao khi thức dậy, bạn có thể nói: “Mình đã mơ một giấc mơ kỳ lạ”. Làm thế nào bạn biết được? Bạn biết vì Bạn đã ở đó và chủ thể nhận thức mọi chuyện xảy ra khi bạn thức cũng chính là Bạn.

Thật thú vị, vì đó cũng chính là Bạn nên trong giấc mơ cũng có thể có sự trưởng thành tâm linh đáng kể. Meher Baba, một bậc thầy yoga vĩ đại đã nói rằng bạn có thể xóa bỏ nghiệp (karma) trong những giấc mơ của mình. Ông cho rằng việc đi qua một trải nghiệm trong mơ thật sự mang lại nhiều lợi ích cho sự trưởng thành tâm linh. Ít ra là bằng cách đó, bạn đang cho phép ít nhiều năng lượng bị kìm hãm được thoát ra mà khi bạn thức, bạn đã không cho phép nó xảy ra; và đó là điều lành mạnh, tốt cho bạn.

songdoitudo-16-1tg.jpg

Chúng ta có thể hiểu ra rất nhiều điều về chính bản thân từ trạng thái mơ. Điều gì sẽ xảy ra nếu những gì bạn lưu giữ trong tiềm thức gây tổn thương sâu sắc, chứ không đơn giản là như ý hay không như ý đối với bạn? Một số sự việc xảy ra khó xử lý hơn nhiều, chứ không phải là ý thích đơn thuần. Có những samskara ăn sâu vào tiềm thức đến mức không thể xuất hiện ngay cả trong giấc mơ. Nếu chúng cố thoát ra, bạn sẽ tỉnh dậy từ cơn ác mộng trong một trạng thái bấn loạn, rối bời. Nói cách khác, tâm thức của bạn không thể trải nghiệm được sự kiện đó ngay cả khi nó biểu hiện trong giấc mơ. Bạn kháng cự và đến khi không thể chịu đựng được nó, bạn thức giấc. Vậy làm sao để năng lượng này được phóng thích?

Năng lượng tích tụ còn dang dở trong tâm trí bạn luôn cố gắng thoát ra ở một cấp độ nào đó. Nếu nỗ lực thoát ra này đánh thức bạn trong giấc mơ, tâm trí bạn sẽ biểu hiện ra bằng những tình tiết mang tính biểu trưng những gì mà nó đang cố gắng biểu đạt. Thay vì mơ về vụ tai nạn xe ô tô đã cướp đi người em trai, bạn mơ thấy những chú chim đang bay trên cao, và rồi một con đại bàng sà xuống cắp đi một trong những chú chim non.

Bạn sẵn lòng nhìn thấy cảnh đó, nhưng bạn không sẵn lòng nhìn thấy vụ tai nạn xe ô tô đã cướp mất người mà bạn hết mực yêu thương. Cảm nhận của bạn giống y như thật. Tâm trí đang trao cho bạn một ân huệ. Tâm trí thông minh của bạn làm điều này với nỗ lực giúp bạn duy trì sức khỏe tốt mà vẫn giải phóng được phần nào năng lượng bị dồn nén. Đó là tính biểu trưng của những giấc mơ. Sự thông minh của tâm trí thật sự đáng kinh ngạc khi nó được tùy nghi sử dụng tiềm năng của chính nó. Cũng như cơ thể bạn luôn cố gắng tự chữa lành, tâm trí bạn cũng luôn cố gắng giải phóng những tạp chất bị tắc nghẽn ở bên trong nó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sống đời tự do - Giấc mơ là gì, tại sao bạn mơ?