Sáng 11.9, UBND tỉnh Vĩnh Long và Ban tổ chức Festival Nông sản Việt Nam - Hội chợ công thương vùng ĐBSCL - Vĩnh Long năm 2023 khai mạc “Con đường nghệ thuật gốm đỏ” Vĩnh Long năm 2023.

Độc đáo con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long

Văn Kim Khanh | 11/09/2023, 17:01

Sáng 11.9, UBND tỉnh Vĩnh Long và Ban tổ chức Festival Nông sản Việt Nam - Hội chợ công thương vùng ĐBSCL - Vĩnh Long năm 2023 khai mạc “Con đường nghệ thuật gốm đỏ” Vĩnh Long năm 2023.

Con đường gốm đỏ nghệ thuật

gom-9.jpg
Khai mạc con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long - Ảnh: VL

Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng: “Con đường nghệ thuật gốm đỏ - Vĩnh Long năm 2023” là công trình, sự kiện quan trọng nhằm quảng bá sản phẩm, tác phẩm gốm, bảo tồn và khai thác các lò gạch truyền thống hiện có trên địa bàn huyện Mang Thít - nơi làm nền tảng, điểm nhấn để phát triển du lịch, cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Công trình được thực hiện trên tuyến đường nối Võ Văn Kiệt và Phạm Hùng, thuộc phường 9, TP.Vĩnh Long, có diện tích hơn 500m2, chiều rộng mặt đường 6m ở giữa gồm đường nội bộ, chức năng kỹ thuật và phụ trợ. Cổng gốm được thiết kế với chiều cao 5,5m, chiều rộng 2,5m, được mô phỏng từ lò gạch - gốm vì vậy, khi khép 2 bên cổng lại với nhau sẽ nhìn thấy hình ảnh lò gạch – gốm hiện ra.

Lò gạch - gốm có chiều rộng 5m, chiều cao 3,2m sử dụng 20.000 viên gạch tiểu và 500 viên gạch mái chèo của 16 đơn vị sản xuất gạch - gốm tại tỉnh Vĩnh Long. Hình ảnh lò gạch tại con đường gốm gợi nhớ đến làng nghề gốm từng được mệnh danh là "Vương quốc gạch - gốm" phát triển thịnh vượng nhất trong nhiều thập niên của thế kỷ trước.

gom-10.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Quang Nghiêm "đốt lò gạch tượng trưng" - Ảnh: VL

Ngoài ra, có mô hình ngôi nhà gốm đỏ với kiến trúc 3 gian 2 chái truyền thống được  xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của người dân Nam Bộ; 10 tác phẩm bình gốm, gồm 9 tác phẩm di tích lịch sử và 1 tác phẩm cam sành huyện Tam Bình.

Các bình gốm chứa đựng hình ảnh các di tích lịch sử và đặc sản cây ăn trái của vùng đất Vĩnh Long như: Văn Thánh miếu Vĩnh Long, miếu Bà Thiên Hậu, miếu Công thần, chùa Tiên Châu... Trong đó, đáng chú ý là tác phẩm bình gốm với nội dung quảng bá di tích nhà tưởng niệm Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa.

Thăng trầm nghề gốm đỏ Vĩnh Long

Vào những năm 1980, Vĩnh Long có gần 3.000 lò gạch trải dài gần 30km ở huyện Long Hồ và Mang Thít. Các lò gạch hoạt động quanh năm để đưa gạch thẻ, gạch ống, gạch tàu với số lượng lớn đi khắp nơi để xây dựng các công trình.

Người dân nơi đây sinh ra đã gắn bó với nghề, qua bao thế hệ đúc kết thành kỹ thuật nung chỉ bằng lò gạch, còn nhiên liệu là trấu. Hàng ngàn mẫu mã, kiểu dáng khác nhau được tạo ra từ bàn tay tài hoa của người thợ thủ công. Đặc biệt sản phẩm gốm với màu đỏ đặc trưng từ đất sét tạo nét riêng cho gốm Vĩnh Long mà không nơi nào có được, đã xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như EU, Hoa Kỳ, Châu Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Tuy nhiên, từ những năm 2010 trở lại đây, công nghệ sản xuất gạch từ lò nung tròn sang lò nung liên hoàn, cải thiện quy trình sản xuất, thân thiện với môi trường và nâng cao sức cạnh tranh thì chi phí sản xuất cao, giá bán sản phẩm đầu ra thấp, các cơ sở lò gạch gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn này  cộng với thị trường tiêu thụ sụt giảm nên quy mô và công suất hoạt động không còn lớn như trước đây.

gom-3.jpg
Nhà gốm đỏ, sáng tạo độc đáo của nghề gốm Vĩnh Long - Ảnh: Văn Kim Khanh

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh chỉ còn hơn 20 doanh nghiệp sản xuất gốm, sản lượng trung bình đạt khoảng 5 triệu sản phẩm, ước giá trị mang lại khoảng 400 tỉ đồng/năm.

Toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060ha thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh huyện Mang Thít được bảo tồn lò gạch gốm và hiện đã có 364 hộ cam kết giữ lại 653 lò. Với đề án này, “Vương quốc gốm đỏ” Mang Thít sẽ trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm quốc tế và là một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của địa phương và của quốc gia.

gom-8.jpg
Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh phát biểu khai mạc Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long - Ảnh: VL

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh  cho biết, nhằm bảo tồn và phát triển nghề gạch gốm truyền thống, kết hợp với phát triển du lịch cũng như góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Di sản đương đại Mang Thít”. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm. Tất cả nhằm giữ lại nghề truyền thống của địa phương một thời vàng son, đó là gốm đỏ Vĩnh Long

Bài liên quan
Vĩnh Long có tân Bí thư Tỉnh ủy
Chiều 18.1, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
39 phút trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Độc đáo con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long