Giá thịt lợn tăng cao trong khi nguồn cung khan hiếm thời gian gần đây đang là "hồi chuông" báo động cho chỉ số giá nhiều mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán 2020.

Sốt giá thịt lợn: Siêu thị, doanh nghiệp vào cuộc kìm giá hàng tết

24/11/2019, 14:58

Giá thịt lợn tăng cao trong khi nguồn cung khan hiếm thời gian gần đây đang là "hồi chuông" báo động cho chỉ số giá nhiều mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán 2020.

Tìm giải pháp đảm bảo cung cầu nguồn thịt lợn, bình ổn thị trường tránh xảy ra tình trạng khan hàng, ép giá, đẩy giá lên cao dịp cuối năm... là vấn đề được đặc biệt quan tâm - Ảnh: Internet

Hiện nay, vấn đề nóng nhất đang được cơ quan chức năng và các doanh nghiệp quan tâm là diễn biến giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn, trong những tháng cuối năm và các giải pháp ổn định thị trường, không để xảy ra biến động quá lớn.

Trong những tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, dự báo nguồn cung thịt heo các tháng cuối năm sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn, tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70.000 tấn thịt heo hơi.

Trước tình trạng này, các doanh nghiệp đã lên các phương án tham gia chương trình bình ổn giá về việc dự trữ hàng hóa. Đại diện Siêu thị BigC Thăng Long cho biết đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa, chuẩn bị kho chứa đảm bảo chất lượng.

Đồng thời, lên phương án để khi thị trường Hà Nội cần sẽ huy động hàng hóa từ TP.HCM ra để đảm bảo cung ứng cũng như bình ổn giá thị trường. Đặc biệt, đại diện BigC Thăng Long cam kết sẽ không tăng giá trong dịp Tết nếu thị trường có biến động tăng.

Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết đã chuẩn bị đủ nguồn hàng và sẵn sàng cung ứng theo kế hoạch, bảo đảm cung cấp hàng hóa đa dạng, phong phú với chất lượng được kiểm soát chặt cho người tiêu dùng cả nước, đồng thời tham gia kìm giữ giá.

"Saigon Co.op đang chủ động lên phương án trữ lượng thịt lợn, thịt gia cầm và thủy hải sản để chủ động bình ổn giá, ổn định thị trường dịp Tết. Đơn vị hiện cũng đang xem xét khả năng nhập khẩu thịt heo đông lạnh để bổ sung nguồn cung.

Bên cạnh đó là phối hợp chặt với nhà cung cấp để có chính sách giá hợp lý, đặc biệt trong trường hợp giá các mặt hàng thực phẩm khác có nguy cơ bị đẩy lên theo giá thịt heo, nếu diễn biến giá thịt heo không được kiểm soát và bình ổn trở lại", đại diện Saigon Co.op thông tin thêm.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cấp thịt lợn chủ lực khác như: Vissan, San Hà, Sargifood, Satra… đều khẳng định đã có kế hoạch nhập khẩu thịt heo từ các nước: Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha, Bỉ, Canada… và tổng thời gian từ lúc đặt hàng đến khi đưa ra cửa hàng bán lẻ dao động từ 45 - 60 ngày. Giá thịt lợn nhập khẩu chỉ dao động quanh mức 44.000 - 48.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thịt lợn trong nước.

Lãnh đạo Vissan chia sẻ thêm, công ty hiện đang nhập về 2.500 tấn thịt lợn, chủ yếu phục vụ chế biến. Tuy nhiên, nếu mức cầu tăng cao vào giáp tết, khả năng thịt lợn nóng bị thiếu hụt, Vissan có thể bán thêm thịt nhập khẩu. Với mức giá thấp hơn và nguồn thịt được bảo quản tốt thì người tiêu dùng vẫn có thể sử dụng.

Trước tình trạng này, Bộ Công Thương mới đây đã đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung dịp cuối năm và tết đối với mặt hàng thịt lợn để Bộ Công Thương có căn cứ điều hành thị trường hợp lý. Việc này nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường thịt heo trong những tháng cuối năm.

Bộ cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh thành, các đơn vị trực thuộc chủ động tham mưu hoặc có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020, qua đó có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có có nhu cầu.

Để kiểm soát thị trường thịt lợn, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo ngành thú y tạo điều kiện cho các sản phẩm thịt lợn, an toàn lưu thông qua các địa phương để bảo đảm nguồn cung thịt heo cho các vùng, miền nhằm hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường. Các địa phương định hướng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường đưa ra các sản phẩm thịt heo chế biến sẵn (như thịt kho tàu, nhân bánh chưng, chân giò muối…) được chế biến từ thịt heo đông lạnh nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường.

Tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả thị trường, tình hình nguồn cung nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin, gây bất ổn thị trường. Tăng cường tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt heo và sử dụng sản phẩm thịt heo đông lạnh thay cho thịt nóng nhằm giảm áp lực cho nguồn cung thị trường trong nước.

Đáng chú ý, trong cuộc họp diễn ra ngày 18.11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá đầy đủ, thực chất mức độ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt lợn và có kế hoạch tái đàn.

Phó thủ tướng đồng thời đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ 2 chiều với nước ta để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
8 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sốt giá thịt lợn: Siêu thị, doanh nghiệp vào cuộc kìm giá hàng tết