Các trường hợp đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với gạo ST25 tại Mỹ, Úc… thì chỉ là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứ không thể đăng ký bảo hộ quyền đối với giống lúa ST25.

ST25: Từ cây lúa đến hạt gạo và những nẻo đường sở hữu trí tuệ

Lam Thanh | 02/06/2021, 10:20

Các trường hợp đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với gạo ST25 tại Mỹ, Úc… thì chỉ là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứ không thể đăng ký bảo hộ quyền đối với giống lúa ST25.

ST25 nổi lên khoảng 2 năm nay về loại gạo được đánh giá là ngon nhất thế giới, nhưng một số doanh nghiệp tại Mỹ và Úc đã nhanh tay đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam. Nhiều ý kiến lo ngại rằng điều này dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam không xuất khẩu được gạo ST25 ra thị trường nước ngoài.

st25-2.jpg
Gạo ST25 bị một số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu

Phản đối việc đăng ký nhãn hiệu gạo ST25 ở nước ngoài

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers cho rằng việc đăng ký bảo hộ “thương hiệu” nói chung và cho gạo ST25 nói riêng dưới góc độ của pháp luật là đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và có thể được bảo hộ với nhiều loại quyền sở hữu trí tuệ khác nhau.

Chẳng hạn, trong trường hợp này, giống lúa ST25 có thể được đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, còn tên gạo ST25 cũng như hình ảnh liên quan đến thương hiệu gạo này có thể được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu.

Theo ông Vũ, đặc điểm chung của việc đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ là có “tính lãnh thổ”, nghĩa là đăng ký bảo hộ tại quốc gia nào thì chỉ có hiệu lực tại quốc gia đó. Chẳng hạn, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định ST25 bằng bảo hộ giống cây trồng, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Do vậy, mặc dù gạo ST25 hay nhãn hiệu gạo ST25 có thể đã được đăng ký ở Việt Nam nhưng nếu không đăng ký bảo hộ tại các quốc gia khác thì sẽ không được bảo hộ ở những quốc gia đó, chẳng hạn như Mỹ, Úc… Trong trường hợp đó, các chủ thể khác có thể đăng ký bảo hộ theo luật về sở hữu trí tuệ của các quốc gia đó.

Ông Vũ cũng cho hay, đối với các trường hợp đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với gạo ST25 tại Mỹ, Úc… thì có lẽ chỉ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứ họ khó có thể đăng ký bảo hộ quyền đối với giống lúa ST25 vì giống lúa này chỉ có ở Việt Nam.

Dù vậy, các cá nhân, tổ chức sở hữu giống lúa này, sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với giống lúa, nhãn hiệu gạo ST25 cũng cần có động thái phù hợp để phản đối việc đăng ký nhãn hiệu gạo ST25 ở nước ngoài. Cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đăng ký quyền sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với gạo ST25 ở nước ngoài tại những quốc gia, thị trường mà họ muốn bảo hộ.

st25.jpeg
Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), gạo là sản phẩm chế biến từ sản phẩm sau thu hoạch (thóc) từ cây lúa. Trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí bán giống lúa ST25 cho nông dân trồng thì sau khi thu hoạch lúa, xay xát ra gạo thương phẩm đều phải sử dụng tên là “gạo ST25”.

Theo đó, các doanh nghiệp thu mua thóc là sản phẩm thu hoạch từ cây lúa được gieo trồng từ hạt lúa giống ST25 để xay xát và sau đó bán gạo ra thị trường thì cũng đều phải gọi đó là gạo ST25. Điều đó có nghĩa ST25 là tên của loại gạo, sản phẩm chế biến từ thóc thu hoạch được từ giống lúa ST25.

Vì lý do là tên gọi chung của một loại sản phẩm nên bất kỳ ai kinh doanh sản phẩm (gạo) này cũng đều phải sử dụng đúng tên gọi đó, nên điểm b, khoản 2, điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định tên gọi thông thường của hàng hóa bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến thì sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt và không được đăng ký làm nhãn hiệu.

Điều đó có nghĩa là trong trường hợp cụ thể này, bất kỳ ai, kể cả doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu "ST25" cho sản phẩm gạo.

“Vậy trong trường hợp nhiều doanh nghiệp cùng đưa ra thị trường sản phẩm gạo ST25 thì đâu là dấu hiệu phân biệt để người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc thương mại của sản phẩm gạo mà mình mua? Câu trả lời là các doanh nghiệp phải đưa sản phẩm gạo ST25 ra thị trường dưới nhãn hiệu của riêng mình.

Đó là lý do chúng ta có thể mua được gạo ST25 mang nhãn hiệu “Bảo Minh”... hoặc gạo ST25 của các doanh nghiệp khác với các nhãn hiệu khác nhau.

Bảo hộ nhãn hiệu ST25 tại thị trường nước ngoài thế nào?

Về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 tại thị trường nước ngoài nói chung và Mỹ nói riêng, theo quy định của pháp luật các nước, tên gọi chung của sản phẩm/dịch vụ sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu.

Đối với Mỹ, theo hướng dẫn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO), thẩm định viên sẽ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu đối với tên giống cây trồng.

Điều này có thể thấy rõ trong thông báo dự định từ chối ngày 20.11.2020 của USPTO đối với nhãn hiệu "VIETNAM'S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG” theo đơn đăng ký số 90151727 nộp ngày 1.9.2020 của Công ty Transword Foods, Inc.

Theo đó, ST25 là tên gọi chung của một loại giống cây trồng (lúa), và không thể được đăng ký dưới danh nghĩa một nhãn hiệu theo quy định tại mục 1202.12 của Quy chế thẩm định nhãn hiệu.

Tóm lại, dấu hiệu "ST25" với vai trò là tên của giống cây trồng nên không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam cũng như Mỹ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cho các sản phẩm liên quan đến lúa, gạo.

Nếu trên một nhãn hiệu nào đó được cấp văn bằng bảo hộ cho sản phẩm liên quan đến lúa, gạo mà có xuất hiện dấu hiệu ST25 kết hợp cùng với các dấu hiệu khác tạo thành một tổng thể nhãn hiệu thì dấu hiệu ST25 cũng sẽ bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ.

st25-3.jpg
Các loại gạo ngon ST24, ST25 và người tạo giống, kỹ sư Hồ Quang Cua

Trong trường hợp vì lý do nào đó, dấu hiệu “ST25” được đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho sản phẩm gạo thì các tổ chức, cá nhân liên quan đều có thể phản đối đơn đăng ký này trên cơ sở dấu hiệu “ST25” là tên giống cây trồng và tên này không thể thuộc độc quyền của tổ chức, cá nhân nào.

Doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ thương hiệu của mình?

Luật sư Kiều Anh Vũ cho rằng giá trị của doanh nghiệp không chỉ gói gọn ở những giá trị tài sản hữu hình mà còn ở, thậm chí rất nhiều, rất lớn, tài sản vô hình, như giá trị thương hiệu, giá trị của các quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, thương hiệu tại Việt Nam đang diễn ra rất nhiều và vấn đề bảo vệ thương hiệu đang là một trong những điều được quan tâm hàng đầu. Các doanh nghiệp cần phải có những bước đi đúng đắn, nhanh chóng để đảm bảo nhãn hiệu, thương hiệu của mình được bảo hộ một cách tốt nhất.

Pháp luật sở hữu trí tuệ đã xây dựng một hành lang pháp lý nhằm bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại...

Do đó, cách tốt nhất để doanh nghiệp có thể tự bảo vệ thương hiệu của mình là sớm đăng ký, xác lập sự bảo hộ đối với quyền sở hữu trí tuệ của mình tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đó, ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, bắt đầu hoạt động kinh doanh, đã phải cần chú ý, quan tâm đến việc này. Có thể sẽ mất chi phí, thời gian cho việc đăng ký bảo hộ nhưng đó là cái giá đáng phải làm vì sự lớn mạnh của thương hiệu, của doanh nghiệp. Và từ câu chuyện gạo ST25 nêu trên, việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cũng cần được chú trọng.

Đó là vấn đề về việc xác lập quyền bảo hộ. Sau khi được xác lập quyền bảo hộ thì doanh nghiệp cũng cần chú trọng chống việc giả mạo, xâm phạm thương hiệu của mình và nếu cần thiết, phải thực hiện các hành động pháp lý phù hợp như khiếu nại, khởi kiện.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thực hiện các biện pháp về truyền thông để thông tin cho khách hàng, người tiêu dùng về cách phân biệt những sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp với những sản phẩm là hàng nhái, hàng giả mạo nhằm nâng cao uy tín của doanh nghiệp cũng như niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng; qua đó góp phần tăng sự nhận biết về thương hiệu của mình đối với người tiêu dùng và chính người tiêu dùng là người bảo vệ cho thương hiệu của doanh nghiệp.

Cục Sở hữu trí tuệ cũng khuyến cáo mỗi một quốc gia đều có một hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà các nhà xuất khẩu tiềm năng cần phải tìm hiểu rõ. Tốt hơn cả là các nhà xuất khẩu tiềm năng cần tìm đến các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này trước khi xuất khẩu sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.

Khi nghiên cứu thị trường xuất khẩu, một trong số những yếu tố quan trọng nhất là phải hiểu được các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường xuất khẩu, bởi trước khi xuất khẩu các doanh nghiệp ít nhất phải bảo đảm rằng sản phẩm của mình tuân thủ các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường xuất khẩu và không xâm phạm quyền của người khác trên thị trường đó.

Mỗi một sản phẩm, dịch vụ có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau, điều quan trọng là doanh nghiệp cần lựa chọn cách thức để bảo hộ một cách hiệu quả nhất để tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc làm giả sản phẩm hoặc thậm chí cấm ngược lại việc mình sử dụng sản phẩm của chính mình.

Địa chỉ tốt nhất để doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm thông tin về các quy định và thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là (các) cơ quan sở hữu trí tuệ của nước đó; ví dụ Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (uspto.gov); Cơ quan sở hữu trí tuệ châu Âu (euipo.europa.eu). Ngoài ra doanh nghiệp có thể nghiên cứu hệ thống pháp luật các nước cũng như các cơ sở dữ liệu toàn cầu về nhãn hiệu, sáng chế, v.v.. trên trang web của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều thị trường xuất khẩu tiềm năng và cần phải thực hiện việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nhiều quốc gia khác nhau thì cần cân nhắc đến các hệ thống đăng ký quốc tế (ví dụ hệ thống PCT đối với sáng chế, hệ thống Madrid đối với nhãn hiệu hay hệ thống La Hay (the Hague) đối với kiểu dáng công nghiệp) để tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ST25: Từ cây lúa đến hạt gạo và những nẻo đường sở hữu trí tuệ