Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford kêu gọi nên có các quy định mới để bảo vệ người dùng và xã hội trong trường hợp Facebook sụp đổ.
Theo nghiên cứu từ Đại học Oxford (Anh), Facebook và các gã khổng lồ công nghệ khác “quá lớn để thất bại”. Cũng từng được xem là “quá lớn để thất bại” nhưng hai ngân hàng Lehman Brothers và Bear Stearns (Mỹ) đã phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Thế nên, nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford yêu cầu có các quy định mới để bảo vệ người dùng và xã hội trong trường hợp Facebook sụp đổ.
Trong bài báo được xuất bản trên tạp chí Internet Policy Review hôm 11.8, Carl Öhmana và Nikita Aggarwal của Đại học Oxford cho rằng các công ty công nghệ lớn nhất không có khả năng đột ngột ngừng kinh doanh nhưng thế giới cần chuẩn bị nếu điều đó xảy ra.
Öhmana và Aggarwal viết: “Sự sụp đổ của một nền tảng truyền thông trực tuyến toàn cầu như Facebook có thể gây ra những hậu quả kinh tế và xã hội thảm khốc cho vô số cộng đồng hằng ngày đang dựa vào nền tảng này, cũng như những ai sưu tập và lưu trữ dữ liệu cá nhân trên Facebook”.
Với người dùng, sự sụp đổ của Facebook có thể gây điều bất ổn trên diện rộng. Hầu hết người ngay lập tức mất quyền sử dụng trang cá nhân.
Aggarwal lưu ý rằng đó là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở nhiều nước đang phát triển, nơi Facebook có thể là cách mọi người giao tiếp chính.
“Ở Vương quốc Anh, chúng tôi có rất nhiều lựa chọn. Sự mất mát đột ngột của Facebook có thể tách mọi người khỏi bạn bè, gia đình, các nguồn thông tin chính xác hoặc chiến dịch thương mại quan trọng.
Nó cũng sẽ đặt ra mối quan tâm về bảo vệ dữ liệu với những người dùng Facebook vì họ có thể thấy hồ sơ của mình bị đóng gói và bán đi theo một thủ tục phá sản hoặc chỉ bị xóa nhưng không có sự đồng ý của họ.
Về lâu dài, sự sụp đổ của Facebook cũng sẽ làm mất đi lượng lớn tư liệu lịch sử cho các thế hệ tương lai.
Không như ngân hàng Lehman Brothers hay Bear Stearns, sự thất bại của một công ty có quy mô như Facebook gần như không thể xảy ra. Thế nhưng, các bài học của cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy rằng xã hội cần phải lập kế hoạch trước cho những điều không thể”, Aggarwal lập luận.
Öhmana và Aggarwal đề xuất một khái niệm mới là Hệ thống các tổ chức công nghệ quan trọng (Siti) để điều tiết các công ty như Facebook, qua đó giảm thiểu thiệt hại do sự sụp đổ tiềm tàng gây ra.
Aggarwal nói với tờ Guardian: "Có rất nhiều điểm tương đồng thú vị liên quan đến các tổ chức cần được duy trì nhưng chúng ta không thể giữ chúng tồn tại bằng mọi giá”.
Trong khi Öhmana chia sẻ:“Đôi khi tôi có cảm giác rằng cụm từ quá lớn để thất bại được hiểu là ‘quan trọng đến mức nó phải ở đó mãi mãi’, nhưng thực ra chúng tôi đang nói quá lớn để đi xuống trong sự hỗn loạn và vô tổ chức.
Có rất nhiều người không thích số lượng ngân hàng quyền lực hiện tại, nhưng ít người sẽ vui khi thấy chúng thất bại chỉ sau một đêm, lấy hết tiền tiết kiệm và tài sản của khách hàng”.
Aggarwal nói thêm:“Ví dụ quy định Facebook là một Siti có thể liên quan đến những ràng buộc về việc sử dụng dữ liệu của chúng tôi, về quảng cáo, tự do ngôn luận và lời nói mang tính thù ghét”.
Bên cạnh đó, Öhmana và Aggarwal cho rằng cần có so sánh cụ thể hơn, chẳng hạn kho lưu trữ của Facebook có thể được xem là "trang web di sản kỹ thuật số toàn cầu ", giống như UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) trao tặng danh hiệu di sản thế giới cho các danh lam thắng cảnh.
Các nhà sáng tạo video hé lộ bí kíp kiếm 93 tỉ đến 116 tỉ đồng từ TikTok
Nhân Hoàng