Từng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em trên khắp thế giới, bệnh ban đỏ gần như bị xóa sổ nhờ y học thế kỷ 20. Tuy nhiên, những đợt bùng phát mới ở Anh và Đông Bắc Á trong những năm gần đây cho thấy chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Tại sao thế giới phải đối mặt với sự trở lại của mầm bệnh chết người này đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra manh mối trong bộ gen của một trong những chủng vi khuẩn gây bệnh ban đỏ, cho thấy cây di truyền của vi khuẩn này có thể vô cùng phức tạp.
Vi khuẩn gây bệnh là liên cầu khuẩn nhóm A (tên khoa học là Streptococcus), một loại vi khuẩn tạo ra các hợp chất độc hại được gọi là siêu kháng nguyên, có khả năng tàn phá bên trong cơ thể, đặc biệt là ở trẻ em. Kết quả có thể nhẹ như trường hợp viêm họng hoặc khó chịu hơn là bị ban nặng, sốc độc khiến cho các cơ quan bên trong cơ thể bị tàn phá nặng nề.
Với sự ra đời của thuốc kháng sinh, các đợt bùng phát có thể dễ dàng được kiểm soát. Đến những năm 1940, căn bệnh này có chiều hướng thuyên giảm nhưng đến nay tất cả dường như đang có sự thay đổi.
Nhà sinh học phân tử Stephan Brouwer của Đại học Queensland cho biết: “Phạm vi toàn cầu của dịch bệnh đã trở nên rõ ràng với các báo cáo về đợt bùng phát thứ hai ở Anh bắt đầu từ năm 2014. Hiện chúng tôi cũng đã phát hiện ra các chủng phân lập bùng phát ở Úc. Bệnh ban đỏ tái xuất hiện trên toàn cầu đã khiến tỷ lệ mắc bệnh tăng gấp 5 lần và hơn 600.000 trường hợp mắc bệnh trên khắp thế giới".
Dẫn đầu một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế trong một nghiên cứu về gen liên cầu khuẩn nhóm A, nhà khoa học Brouwer đã có thể xác định đặc điểm của nhiều loại siêu kháng nguyên được tạo ra bởi một chủng vi khuẩn cụ thể từ Đông Bắc Á. Trong số đó, có một loại siêu kháng nguyên dường như cung cấp cho vi khuẩn một phương thức mới để xâm nhập vào bên trong tế bào của vật chủ, điều chưa từng thấy trước đây.
Những đợt bùng phát bệnh lần này không phải xuất phát từ cùng một chủng vi khuẩn đã xuất hiện trong nhiều thế kỷ trước. Thay vào đó, vi khuẩn là những quần thể có liên quan mật thiết với liên cầu khuẩn nhóm A và đã phát triển theo một cách rất mới.
Các nghiên cứu khác đã gợi ý rằng chủng vi khuẩn này đã nhận được sự trợ giúp dưới dạng lây nhiễm của chính chúng từ một loại vi rút được gọi là phage.
Nhà sinh học Mark Walker từ Đại học Queensland nói: “Các chất độc sẽ được chuyển vào vi khuẩn khi nó bị lây nhiễm bởi vi rút mang gen độc tố. Những độc tố thu được này cho phép Streptococcus pyogenes xâm nhập vào vật chủ dễ dàng hơn, điều này cho phép nó cạnh tranh với các chủng khác".
Trong một quá trình được gọi là chuyển gen ngang - một gen tiến hóa trong một vi khuẩn có thể được kết hợp vào bộ gen của vi rút và được chỉnh sửa thành DNA của vật chủ mới, tạo ra một loại bản sao của bản gốc.
Mặc dù hầu như không giới hạn ở vi khuẩn, đây là một cách nhanh chóng để các vi sinh vật đơn bào thích nghi. Những gen bị đánh cắp như vậy có thể giúp cho mầm bệnh có những cách mới để xâm nhập vào các mô vật chủ hoặc nó sẽ chống lại những chất hóa học có thể khiến chúng không hoạt động được.
Để kiểm tra lại tầm quan trọng của Superantigens (một nhóm các kháng nguyên dẫn đến việc kích hoạt quá mức hệ thống miễn dịch - ND), các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chỉnh sửa gen để vô hiệu hóa chúng. Kết quả là các chủng này đã không thể xâm nhập vào các mô của động vật được sử dụng để kiểm tra độc lực của vi khuẩn.
Các nhà khoa học nhận định, sau khi phát hiện ra các đợt bùng phát gần đây, hiện tại bệnh ban đỏ đã được kiểm soát một cách chặt chẽ. Cũng giống như SARS-CoV-2, mầm bệnh ban đỏ lây lan qua môi trường không khí tuy nhiên liên cầu khuẩn nhóm A không có khả năng trở thành dịch bệnh theo cách quản lý kiểm soát bệnh dịch hiện nay.
Walker nói: “Nhưng khi sự xa cách xã hội được nới lỏng, bệnh ban đỏ có khả năng quay trở lại. Cũng giống như COVID-19, cuối cùng một loại vắc xin sẽ rất quan trọng để loại bỏ bệnh ban đỏ - một trong những căn bệnh phổ biến và gây tử vong ở trẻ em trong lịch sử”.