Dự kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ được trình Chính phủ đầu tuần tới. Các chuyên gia kỳ vọng việc này sẽ củng cố được niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.

Sửa Nghị định 65 để củng cố niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Hoài Lam | 03/02/2023, 12:54

Dự kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ được trình Chính phủ đầu tuần tới. Các chuyên gia kỳ vọng việc này sẽ củng cố được niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.

Quy mô dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện chưa tới 15% GDP, trong đó, riêng TPDN riêng lẻ khoảng 12,5% GDP (khoảng 1,19 triệu tỉ đồng). Con số này còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và cách xa mục tiêu đề ra vào năm 2025.

Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng thị trường TPDN vẫn tiếp tục trầm lắng trong năm 2023 do niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng và Nghi định 65 về phát hành TPDN riêng lẻ khiến các doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Đại học Kinh tế TP. HCM) cho rằng trước khi Nghị định 65 ra đời, các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ rất lỏng lẻo đã dẫn đến nhiều hệ lụy.

“Thậm chí, các ngân hàng, công ty chứng khoán lại phối hợp với nhau để phân phối trái phiếu cho nhà đầu tư. Trong khi đó, các nhà đầu tư này lại là nhà đầu tư cá nhân, không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhiều người mua trái phiếu nhưng họ không hiểu về rủi ro của trái phiếu”, ông Huân nói.

chi-3.jpeg
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Đại học Kinh tế TP. HCM)

Theo ông Huân, Nghị định 65 ra đời là cần thiết để kiểm soát thị trường hoạt động một cách minh bạch, an toàn hơn cho các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, nghị định này cũng khiến thị trường trái phiếu sẽ phải đóng băng trong một thời gian, vì ít doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu. Do đó, cần thiết phải có một “khoảng mở” cho các doanh nghiệp để họ phát hành được trái phiếu tiếp mà vẫn an toàn cho nhà đầu tư. Chính phủ, Bộ Tài chính cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ cục máu đông hiện tại của thị trường trái phiếu.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng sau những động thái chấn chỉnh thị trường TPDN, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu gặp nhiều khó khăn, nhất là Nghị định 65 ra đời “siết chặt” cả đầu vào lẫn đầu ra của TPDN.

“Ở đầu vào, Nghị định 65 quy định chặt chẽ hơn các điều kiện khi phát hành TPDN, còn ở đầu ra, các quy định cũng khiến các nhà đầu tư cá nhân khó tham gia mua TPDN. Ví dụ, quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp với danh mục chứng khoán nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỉ đồng hay mệnh giá TPDN phát hành riêng lẻ quy định tối thiểu là 100 triệu đồng (thay vì 100.000 đồng như trước)…”, ông Thịnh nói và đề nghị cần sớm sửa đổi Nghị định 65 để khơi thông điểm nghẽn của thị trường TPDN.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã triển khai xong quy trình đánh giá tác động, xin ý kiến của các bộ ngành, các tổ chức, các chuyên gia, tổ chức quốc tế. Hiện nay, Bộ đang trong quá trình hoàn chỉnh bộ hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65 để trình Chính phủ và dự kiến sẽ trình trong đầu tuần tới.

“Với tiến độ như vậy, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm thông qua những nội dung Nghị định mới để các quy định của chúng ta thích ứng với tình hình thực tế, từ đó củng cố niềm tin của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành. Đồng thời chúng ta cũng bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư tham gia vào thị trường TPDN”, ông Chi nói.

chi.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Trong góp ý mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các quy định tại Nghị định 65 được đánh giá là hợp lý, khắc phục nhiều vấn đề bất cập so với Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Nghị định 65 được xây dựng bảo đảm nguyên tắc thị trường, xử lý được vấn đề chênh lệch thông tin giữa doanh nghiệp phát hành và người mua trái phiếu.

Mặc dù vậy, quy định về thời điểm có hiệu lực và quy định chuyển tiếp của Nghị định 65 chưa thực sự hợp lý. Một số sự thay đổi chính sách lớn có thời gian có hiệu lực quá ngắn khiến các doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư và các bên liên quan khác không đủ thời gian chuẩn bị. Thêm vào đó, đây là thời điểm thị trường tài chính Việt Nam và toàn cầu có những biến động vĩ mô lớn, ảnh hưởng bất lợi đến việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh. Do đó, việc sửa đổi các quy định về thời điểm có hiệu lực và quy định chuyển tiếp của Nghị định 65 là cần thiết.

VCCI đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để quán triệt các ngân hàng thương mại khi môi giới bán trái phiếu thì cần tư vấn đầy đủ về rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân.

Đối với việc giãn thời hạn thực hiện quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, VCCI cho rằng vấn đề này từ trước đến nay vẫn gặp tình trạng “con gà quả trứng” – khi chưa có cầu thì rất khó có cung, và khi chưa có cung thì rất khó quy định bắt buộc.

chi-2.jpg
Quy mô dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện chưa tới 15% GDP

Theo đó, nếu áp dụng ngay lập tức quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc kể từ ngày 1.1.2023 sẽ gây nhiều khó khăn cho việc phát hành trái phiếu do các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa đủ sức phục vụ một lượng lớn khách hàng như hiện nay. Nhưng nếu lùi thời hạn áp dụng đến 1.1.2024 thì có thể vẫn sẽ lặp lại tình trạng này nếu như trong năm 2023 không có đơn vị phát hành nào sử dụng dịch vụ.

Để khắc phục mâu thuẫn này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án khoanh định riêng một số doanh nghiệp phát hành buộc phải có xếp hạng tín nhiệm trong năm 2023, sau đó đến năm 2024 mới áp dụng đại trà. Diện doanh nghiệp buộc phải áp dụng trước thì nên lựa chọn một số ngành, lĩnh vực có thông tin tài chính tương đối lành mạnh.

Biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo một lượng khách hàng "mồi" cho thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, bước đầu tạo thói quen và sự tin tưởng của nhà đầu tư vào các báo cáo xếp hạng tín nhiệm, trước khi áp dụng bắt buộc đại trà cho tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sửa Nghị định 65 để củng cố niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp