Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã chia sẻ như thế tại buổi kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp và bếp ăn tập thể trên địa bàn TP.HCM.

Suất ăn công nhân bị 'bốc hơi' vì qua nhiều khâu trung gian

Hồ Quang | 18/09/2019, 15:08

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã chia sẻ như thế tại buổi kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp và bếp ăn tập thể trên địa bàn TP.HCM.

Trong sáng nay (18.9), Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã tiến hành kiểm tra, giám sát 2 cơ sở chế biến thức ăn, trong đó có 1 cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp là Công ty TNHH-TM-DV Khải Thành (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) và 1 bếp ăn tập thể của Công ty Kyung Rhim Vina (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân).

Tại đây, đoàn đã kiểm tra quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, kiểm tra nơi chế biến, lấy mẫu kiểm định... Nhìn chung, tại các cơ sở trên đều đảm bảo quy trình chế biến, khu chế biến hợp vệ sinh, quy trình chế biến 1 chiều...

Ông Đặng Hồng Thạch - Giám đốc Công ty TNHH-TM-DV Khải Thành cho biết, hiện mỗi ngày đơn vị này cung cấp khoảng 2.500 suất ăn sẵn cho các công ty, trường học. Quy trình chế biến suất ăn ở đây được thực hiện một chiều, đáp ứng các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Hiện chúng tôi đang cung cấp suất ăn với 3 mức giá là 15.000 đồng/suất, 18.000 đồng/suất và 23.000 đồng/ suất. Dù là 3 mức giá khác nhau, nhưng nguyên liệu chế biến của cả 3 suất ăn trên đều giống nhau. Thực phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ, nhiều loại rau, củ quả đạt tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap... Giá cả khác nhau ở đây chỉ là do định lượng thực phẩm trên mỗi suất ăn nhiều hay ít mà thôi”, ông Thạch nói và cho biết, với giá bán mỗi suất ăn như hiện nay, đơn vị gần như không có lợi nhuận là bao.Tuy nhiên, vì để đảm bảo suất ăn chất lượng, đem lại sức khỏe cho người sử dụng, công ty cố gắng thực hiện tốt những quy định khắtkhe về an toàn thực phẩm.

Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, hiện tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP có 467 bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp; còn ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp có 468 bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp. Như vậy, toàn TP có gần 1.000 bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp.

Bà Phạm Khánh Phong Lan -Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, hiện nay có một thực tế các công ty đặt suất ăn với giá cao, nhưng khi đến những nơi chế biến thức ăn thì giá suất ăn lại giảm xuống thấp, vì số tiền trên qua nhiều khâu trung gian đã bị “bốc hơi”. Điều này dẫn đến chất lượng bữa ăn của công nhân đi xuống. Vì vậy cần phải tăng cường trách nhiệm của người chủ doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp phải xem số tiền trên có bị “bốc hơi” hay không nhằm để đảm bảo bữa ăn chất lượng cho công nhân.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng tỏ ra lo lắng về quá trình vận chuyển, bảo quản thức ăn đối với những cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp. Đây là cơ sở sản xuất thức ăn, nhưng không sử dụng tại chỗ mà vận chuyển để cung cấp cho các công ty, trường học sử dụng. Do đó, trong quá trình vận chuyển, nhất là thời gian bảo quản kéo dài sẽ là mối nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.

“Chúng tôi khuyến cáo những đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp không được cung cấp ở những nơi sử dụng quá xa, thức ăn đến tay người dùng phải còn nóng”, bà Lan nói.

Bà Lan cho rằng, với những bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp, nếu để xảy ra mất an toàn thực phẩm thì sẽ rất nguy hiểm, bởi số lượng người dùng rất lớn, cần phải được kiểm soát thật chặt.

“Nếu ở nhà mua thực phẩm, chế biến không tốt, không đảm bảo vệ sinh thì có xảy ra ngộ độc cũng chỉ trong gia đình vài người; còn với bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp, nếu đã xảy ra điều này sẽ ảnh hưởng tính mạng của hàng nghìn người. Vì đây là nơi cung cấp suất ăn cho trường học, công nhân các công ty, xí nghiệp”, bà Lan nói.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Suất ăn công nhân bị 'bốc hơi' vì qua nhiều khâu trung gian