Nhiều đơn vị đã bắt tay vào thử nghiệm cách tiếp cận mới trong tiêm chủng vắc xin COVID-19 với hy vọng có thể đối phó với các biến thể mới của vi rút.

Sức ép nâng cấp vắc xin COVID-19

Cẩm Bình | 25/04/2022, 13:55

Nhiều đơn vị đã bắt tay vào thử nghiệm cách tiếp cận mới trong tiêm chủng vắc xin COVID-19 với hy vọng có thể đối phó với các biến thể mới của vi rút.

Hiện tại dư luận đang tranh luận về việc ai nên được tiêm mũi tăng cường thứ 2 và ai có thể chờ. Công chúng cũng quan tâm đến mũi tiêm tăng cường cho tất cả mọi người vào mùa thu.

Tiến sĩ Beth Bell tại đại học Washington - cố vấn của Trung tâm Kiểm soát - Dịch bệnh Mỹ (CDC) - cho biết bà rất lo ngại xảy ra khả năng tiêm tăng cường quá nhiều lần khiến hệ thống miễn dịch mệt mỏi, khiến mọi người mất niềm tin vào vắc xin mặc dù chúng vẫn đem lại sự bảo vệ mạnh mẽ trước nguy cơ bệnh trở nặng.

Vắc xin COVID-19 hiện tại ngăn bệnh trở nặng và giảm tỷ lệ tử vong khá hiệu quả, nhưng công chúng vẫn muốn vắc xin hiệu quả hơn có thể giảm cả khả năng bệnh nhẹ cũng như có thể đối phó các biến thể vi rút khác nhau. Bà Kathrin Jansen - người đứng đầu bộ phận phát triển vắc xin của Pfizer - trong một cuộc họp gần đây tại Học viện Khoa học New York ví việc mỗi khi biến thể mới xuất hiện khiến công ty phải thử nghiệm để xác định vắc xin của họ còn dùng được không giống như diễn tập chữa cháy mỗi quý một lần.

1000.jpeg
Vắc xin COVID-19 hiện tại vẫn rất hiệu quả trước các biến thể vi rút - Ảnh: AP

Mũi tiêm kết hợp

Vắc xin COVID-19 hiện tại vẫn bảo vệ người tiêm mạnh mẽ (đặc biệt sau khi tiêm liều tăng cường) ngay cả với biến thể vi rút dễ lây lan.

Cập nhật công thức vắc xin để phù hợp với biến thể mới nhất là rất rủi ro, vì biến thể tiếp theo có thể hoàn toàn khác biệt. Do đó các đơn vị đang cố học hỏi từ vắc xin cúm – cung cấp sự bảo vệ chống lại 3 - 4 biến thể khác nhau trong một mũi tiêm mỗi năm.

Moderna và Pfizer đang thử nghiệm vắc xin COVID-19 2 trong 1 với hy vọng có thể tung ra vào mùa thu. Mỗi mũi tiêm kết hợp vắc xin gốc với vắc xin phiên bản đối phó biến thể Omicron.

Thử nghiệm trước đó của Moderna cho thấy tiềm năng của vắc xin COVID-19 2 trong 1: tiêm sản phẩm kết hợp giữa vắc xin gốc với vắc xin phiên bản đối phó biến thể Beta, tình nguyện viên tạo ra một lượng kháng thể khiêm tốn chống lại không chỉ Beta mà còn cả đột biến mới hơn như Omicron.

Đừng mong đợi mũi tiêm tăng cường mỗi vài tháng

Tiến sĩ David Kimberlin thuộc đại học Alabama - một cố vấn CDC khác - khẳng định với người bình thường, hai mũi vắc xin Pfizer hoặc Moderna cơ bản cộng thêm mũi tăng cường đã giúp thiết lập khả năng bảo vệ, và họ cũng sẵn sàng nhận mũi tiêm nhắc lại hàng năm.

Dữ liệu CDC cho thấy sau mũi tăng cường thứ nhất, một mũi bổ sung nữa làm tăng khả năng bảo vệ mang tính tạm thời.

Vì sao ba mũi tiêm đầu (hai mũi cơ bản và một mũi tăng cường) lại quan trọng? Tiêm chủng giúp tạo kháng thể chống lại vi rút nhưng chúng suy yếu theo thời gian. Tuy nhiên con người vẫn còn tuyến phòng thủ nữa: tế bào ghi nhớ sẽ hoạt động để tạo kháng thể mới nếu mầm bệnh xâm nhập. Nhóm nghiên cứu đại học Rockefeller phát hiện tế bào ghi nhớ mạnh hơn và nhớ nhiều biến thể vi rút hơn sau mũi tiêm thứ ba.

Bác sĩ bệnh viện Nhi Philadelphia Paul Offit cũng cho biết với trường hợp đã tiêm vắc xin mắc bệnh nhẹ, tế bào trí nhớ vẫn đem lại thời gian đủ dài để bảo vệ người đó khỏi nguy cơ trở nặng.

Mặc dù vậy, đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu cần có thêm nhiều tuyến phòng thủ hơn. Vì vậy mà Mỹ cùng không ít quốc gia khác tiến hành tiêm mũi tăng cường thứ hai cho nhóm dân số từ 50 tuổi trở lên. CDC đang xây dựng hướng dẫn dành cho những ai đủ điều kiên tiêm chủng quyết định nên tiêm tăng cường lẫn nữa hay chờ đợi.

Vắc xin xịt mũi

Tiêm vào tay khó giúp tạo ra nhiều kháng thể bên trong mũi nơi vi rút gây COVID-19 xâm nhập. Nhưng vắc xin xịt mũi có thể.

Chủ tịch Ủy ban Tiêm chủng CDC Grace Lee cho biết: “Khi nghĩ về điều gì sẽ khuyến khích tôi tiêm mũi tăng cường thứ hai, bản thân tôi muốn vắc xin phải ngăn ngừa được nhiễm bệnh. Tôi nghĩ chúng ta cần làm tốt hơn nữa”.

Vắc xin xịt mũi rất khó phát triển, chưa rõ có loại nào có khả năng ra mắt sớm. Tuy nhiên vài vắc xin đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Một loại do công ty Bharat Biotech (Ấn Độ) bước vào thử nghiệm giai đoạn cuối, sử dụng vi rút cảm từ tinh tinh để đưa bản sao vô hại của gai protein trong vi rút gây COVID-19 vào niêm mạc mũi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
5 phút trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức ép nâng cấp vắc xin COVID-19