Những ngày này, câu chuyện sức ép ngân sách đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, khi mà đây được xem là vấn đề cốt lõi nền tảng cho kế hoạch cải cách nền kinh tế. Nếu không có nguồn vốn dồi dào thì khó có thể cải cách kinh tế thành công.

Sức ép ngân sách: hụt thu ở đâu thì lấy bù ở đó?

Nhàn Đàm | 17/06/2016, 11:47

Những ngày này, câu chuyện sức ép ngân sách đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, khi mà đây được xem là vấn đề cốt lõi nền tảng cho kế hoạch cải cách nền kinh tế. Nếu không có nguồn vốn dồi dào thì khó có thể cải cách kinh tế thành công.

Tuy nhiên, sức ép lên ngân sách nhà nước (NSNN) lại đang lớn chưa từng thấy khi xu hướng chi trả nợ đang tăng lên dẫn đến chi thường xuyên nhiều hơn, nhưng nguồn thu ngân sách lại tăng không đáng kể. Bội chi ngân sách và vay mượn vốn từ bên ngoài đang có xu hướng gia tăng mạnh, trong khi trần nợ công đã áp sát và nhu cầu cải cách nền kinh tế lại đang cần rất nhiều tiền.

Theo thông tin mới nhất từ tổng cục Thuế, thu ngân sách 5 tháng đầu năm đã giảm đáng kể so với cùng kỳ 2015, và một trong những nguyên nhân chính là do hụt thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Vậy thì, liệu chúng ta có thể hụt thu ở đâu thì lấy bù ở đó?

Bức tranh ngân sách quốc gia của Việt Nam thời điểm hiện tại chắc chắn là đang bị bao phủ bởi một màu xám xịt. Tình trạng bội chi ngân sách đã liên tục diễn ra trong những năm gần đây, cụ thể bội chi ngân sách liên tục diễn ra trong giai đoạn 2011-2015: năm 2011 là 4,4% GDP; năm 2012 là 5,4% GDP; năm 2013 là 6,6% GDP; năm 2014 là 5,3% GDP và năm 2015 là 5% GDP.

Đây là kết quả không chỉ của việc gia tăng nguồn vốn đầu tư vào nền kinh tế để duy trì tăng trưởng trong những năm qua, mà còn đến từ việc lũy kế mức chi trả nợ công từ nhiều năm gộp lại, cộng với tình trạng sử dụng nguồn vốn vay chưa hiệu quả. Nói cách khác, việc áp lực ngân sách quốc gia lớn chưa từng thấy ở thời điểm hiện tại là kết quả tổng hợp của tình trạng vay nợ quá nhiều trong khi sử dụng vốn vay không hiệu quả và lãng phí liên tục diễn ra trong nhiều năm.

Hiện nay theo nhận định của chính phủ, thì thu ngân sách đã không còn đủ để đảm bảo chi thường xuyên bao gồm chi trả nợ và chi cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Còn về lâu dài, báo cáo của chính phủ cũng thừa nhận một thực tế đáng báo động, đó là: dự kiến thu NSNN trong thời gian tới không tăng đột biến, trong khi nhu cầu chi NSNN phải tăng lớn để trả các khoản nợ đến hạn và đầu tư kinh tế cùng các chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, nhận định có phần bi quan đó của chính phủ xem ra vẫn còn quá lạc quan nếu như đặt vào trong tình trạng hiện tại của bức tranh ngân sách quốc gia. Ở thời điểm hiện tại, thu ngân sách không những không tăng mà còn đang giảm đi đáng kể. Theo báo cáo của tổng cục Thuế ngày 15.6 vừa qua, tổng thu NSNN trong 5 tháng đầu năm do cơ quan thuế quản lý chỉ đạt gần 42% dự toán năm, thấp hơn khá nhiều so với dự kiến.

Theo đại diện của tổng cục Thuế lý giải, thì những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là: nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô chỉ đạt khoảng 29% dự toán do giá dầu thế giới giảm quá sâu và chỉ bằng phân nửa so với cùng kỳ 2015, ngoài ra số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và chấm dứt hoạt động tăng gần 20%, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng gần 26% trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ, gây thất thu lớn về thuế.

Nhưng, lý do chủ yếu nhất là từ tình trạng hụt thu rất lớn từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã gây ra tình trạng thu NSNN giảm đáng kể như vậy.

Cụ thể, theo thống kê của tổng cục Thuế, thu từ khu vực DNNN trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt gần 33% dự toán, bằng gần 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Số thu từ cổ tức và lợi nhuận của khu vực này cũng thấp, đạt hơn 25% dự toán và chỉ bằng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nói cách khác, bất kể những kế hoạch và động thái thoái vốn và cổ phần hóa ồ ạt các DNNN trong thời gian qua thì khu vực kinh tế quốc doanh vẫn chưa tăng cường được hiệu quả hoạt động, doanh thu và lợi nhuận của các DNNN trong thời gian qua đã giảm đáng kể và dẫn đến những khoản thu của NSNN từ khu vực này đã giảm sút đi trông thấy.

Nó đang cho thấy những nỗ lực tăng cường hiệu quả trong hoạt động ở khu vực DNNN của chính phủ và Nhà nước trong thời gian qua vẫn chưa có tác dụng, và tình hình có vẻ như còn đang ngày càng xấu đi, và thậm chí còn đang trở thành nguyên nhân hàng đầu khiến sức ép lên NSNN đang lớn hơn bao giờ hết.

Vậy, đâu là giải pháp cho sự hụt thu trầm trọng của NSNN mà chủ yếu là đến từ khu vực DNNN này?

Rõ ràng không thể lại dựa vào cách tăng vay mượn chính phủ để bù đắp khoản thiếu hụt này, khi mà thủ tướng chính phủ vừa mới phê duyệt kế hoạch vay và trả nợ của năm nay (cụ thể sẽ vay khoảng 20 tỷ USD, trong đó 12,2 tỷ USD được dành để trả nợ), và nhất là khi mà Quốc hội vừa mới yêu cầu chính phủ không gia tăng mức bội chi ngân sách trong năm nay.

Sẽ rất khó có khả năng chính phủ sẽ chỉnh sửa lại kế hoạch vay vốn vừa mới được phê duyệt để bù vào khoản hụt thu NSNN từ khu vực DNNN, bất chấp những sức ép và yêu cầu từ phía Quốc hội.

Giải pháp đề xuất trong tình trạng hiện tại vì thế có thể là: hụt thu ở đâu thì lấy bù ở đó. Hiện Nhà nước đang đầu tư một khối lượng vốn và tài sản rất lớn tại các DN mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Theo thống kê, nếu tính toàn bộ các DN có 100% và trên 50% sở hữu Nhà nước thì tổng tài sản của khu vực DNNN có thể lên tới 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương 257 tỷ USD. Hiện tại, có rất nhiều DNNN quy mô lớn đang nằm trong diện cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư nhà nước trong một kế hoạch tổng thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của khu vực kinh tế quốc doanh.

Theo tính toán sơ bộ, NSNN có thể sẽ có thêm khoảng 220.000 tỷ đồng nếu Nhà nước bán đứt 20 DN cỡ lớn nhưng không nằm trong diện trọng yếu, chẳng hạn như số cổ phần mà chính phủ đang nắm giữ tại Vinamilk đang có giá trị khoảng 3,3 tỷ USD (tương đương 74.000 tỷ đồng). Tương tự là Sabeco với số cổ phần trị giá khoảng 46.000 tỷ đồng và Habeco có giá trị khoảng 9.500 tỷ đồng.

Việc bán đứt số cổ phần chính phủ tại các DN hàng đầu này có thể là một động thái mang tính chất một công đôi việc. Ngân sách có thể được bù đắp các khoản hụt thu từ khu vực DNNN bằng chính số tiền thu được từ việc bán đứt cổ phần tại các DN mà chính phủ nắm cổ phần chi phối này; đồng thời nó cũng sẽ đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các DNNN hơn nữa.

Hiện tại có lẽ là thời điểm tốt nhất để bán đứt cổ phần chính phủ sở hữu tại các DNNN quy mô lớn với giá trị thu về cao nhất có thể. Điều này cũng sẽ thúc đẩy việc thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, hay vẫn thường được biết đến với cái tên Siêu ủy ban 5,4 triệu tỷ đồng.

Về lý thuyết, siêu ủy ban này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu quả kinh tế của các DNNN qua đó giúp giảm gánh nặng cho NSNN. Nhưng không ai có thể dám chắc đến bao giờ siêu ủy ban này mới được thành lập và đi vào hoạt động, trong khi các DNNN hoạt động yếu kém lại đang trở thành gánh nặng ngày càng lớn cho NSNN.

Vì thế, bán đứt cổ phần chi phối của chính phủ tại các DN quy mô lớn vừa có thể giảm tải cho NSNN, và lại vừa có thể là chìa khóa cho việc thúc đẩy thành lập siêu ủy ban này diễn ra nhanh chóng hơn.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, Cafebiz, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức ép ngân sách: hụt thu ở đâu thì lấy bù ở đó?