Bức "The Kiss" (Nụ hôn) khắc họa những xúc cảm dịu dàng, tha thiết trong tình yêu và tạo nên rung cảm trong mọi thế hệ người xem tranh.

Sức hấp dẫn của bức họa "Nụ hôn" qua một thế kỷ

Theo Dân Trí | 08/05/2021, 12:58

Bức "The Kiss" (Nụ hôn) khắc họa những xúc cảm dịu dàng, tha thiết trong tình yêu và tạo nên rung cảm trong mọi thế hệ người xem tranh.

Trong một khu ngoại ô giàu có của Vienna (Áo), có một tòa biệt thự trang nhã màu trắng từng có xưởng vẽ của danh họa người Áo Gustav Klimt.

danhhoa1.jpg

Khi vẽ, danh họa Gustav Klimt thích mặc chiếc áo choàng rộng màu xanh đậm.

Giờ đây, tòa biệt thự này được biết tới với tên Klimt Villa, công trình đã trải qua nhiều thay đổi lớn sau những đợt sửa chữa. Dù vậy, các căn phòng bên trong villa vẫn duy trì kết cấu ban đầu. Trong xưởng vẽ vẫn còn những bài trí nguyên bản theo chính cách sắp đặt khi xưa của danh họa Gustav Klimt.

Xưởng vẽ là một căn phòng ngập tràn ánh sáng tự nhiên, cho phép ta hình dung về không gian làm việc chan hòa ánh nắng của vị danh họa lúc sinh thời. Khi vẽ, Klimt thích mặc chiếc áo choàng rộng màu xanh đậm. Trong xưởng vẽ có đặt một chiếc giường, trên đó vắt chiếc áo choàng vốn gắn bó với ông trong hoạt động sáng tạo.

Gia tài nghệ thuật giàu giá trị và rất... "được giá"

Bức "The Kiss" (Nụ hôn) đã trở thành một trong những tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất thế giới. Trưng bày trong bảo tàng Belvedere của Vienna (Áo), tác phẩm chỉ nằm cách Klimt Villa vài cây số. Siêu phẩm hội họa này đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan mỗi năm.

danhhoa2.jpg

Bức "Chân dung Adele Bloch-Bauer I" của Gustav Klimt

Bức "The Kiss" ít khả năng xuất hiện trên thị trường trong tương lai gần, nhưng nhiều tác phẩm khác của danh họa Gustav Klimt đã đạt được những mức giá gây sửng sốt trong những năm gần đây.

Tranh của Gustav Klimt đã luôn được giá ngay từ khi ông còn đang sống. Các bức tranh chân dung của Klimt đặc biệt đắt giá. Nhưng không chỉ thành công về mặt thương mại, những bức họa của Gustav Klimt còn gây thỏa mãn về mặt thị giác cho người xem, cho dù là những người không am hiểu nhiều về nghệ thuật.

Xem tranh ông, người ta cảm nhận rõ ràng niềm khát khao dành cho những rung cảm đẹp, những xúc cảm lãng mạn. Trong tranh của Klimt, người xem tìm thấy vẻ đẹp thẩm mỹ tinh tế nhưng cũng rất dễ cảm thụ.

danhhoa3.jpg

Bức "Chân dung Adele Bloch-Bauer II" được danh họa Gustav Klimt thực hiện hồi năm 1907 với giá 150 triệu USD.

Hồi năm 2016, "nữ hoàng truyền hình" Mỹ Oprah Winfrey từng bán ra tác phẩm "Chân dung Adele Bloch-Bauer II" được danh họa Gustav Klimt thực hiện hồi năm 1907 với giá 150 triệu USD, trước đó, bà Oprah Winfrey mua tác phẩm này với giá chưa đầy 90 triệu USD hồi năm 2006.

Vài tháng sau, tỷ phú người Nga - Dmitry Rybolovlev bán bức "Water Serpents II" của Klimt cho một nhà sưu tập tư nhân với giá lên tới 170 triệu USD.

Từ họa sĩ gây tranh cãi tới danh họa nổi tiếng thế giới

Sinh ra ở ngoại thành Vienna hồi năm 1862, Gustav Klimt là con trai thứ hai của một người thợ kim hoàn. Điều này lý giải tại sao Gustav Klimt hay đưa chất liệu vàng ròng vào trong tác phẩm của mình và ông có một giai đoạn gọi là "giai đoạn vàng" trong sự nghiệp hội họa, khi ấy, ông thường sử dụng những lá vàng để đưa vào các bức tranh.

Sau khi học xong Đại học, Gustav Klimt và người anh trai của mình được giao đảm nhận việc tô điểm cho những công trình khác nhau tại Vienna, bao gồm việc thực hiện các tác phẩm bích họa và phù điêu cho các công trình như nhà thờ, nhà hát, bảo tàng...

danhhoa4.jpg

Ảnh chụp đen trắng của bức "Philosophy" (Triết học). Tác phẩm đã bị hủy hoại trong Thế chiến II.

Cha và anh trai của Gustav Klimt cùng qua đời trong năm 1892. Sự việc này đã có ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp của Gustav Klimt. Sau mất mát này, ông bắt đầu từ bỏ phong cách nghệ thuật cổ điển mà mình đã theo đuổi trước đó, một phong cách giúp đưa lại cho ông vị trí nhất định trong giới họa sĩ, để theo đuổi phong cách mới mẻ hơn, có tính chất đặc trưng riêng biệt hơn.

Ông thôi tham gia các hội nhóm họa sĩ vốn mang những quan niệm truyền thống về hội họa, để cùng với một số nghệ sĩ thành lập nên hội nhóm mới và theo đuổi những phong cách hội họa mới. Điều này được ông thực hiện tại thành phố Vienna từ năm 1897.

danhhoa5.jpg

Ảnh chụp đen trắng của bức "Medicine" (Dược học). Tác phẩm đã bị hủy hoại trong Thế chiến II.

Năm 1900, Gustav Klimt thực hiện một tác phẩm gây tranh cãi có tên "Philosophy" (Triết học). Đây là bức đầu tiên trong bộ 3 bức tranh được thực hiện theo đơn đặt hàng để trưng bày trong sảnh lớn của Đại học Vienna. Bức "Philosophy" khắc họa những nhân vật khỏa thân với những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng.

Ngay lập tức, các giảng viên trong trường đã bày tỏ sự tức giận, họ không thể chấp nhận tác phẩm này cũng như bộ ba tác phẩm mà Klimt thực hiện để trưng bày trong sảnh bởi các tác phẩm này đều khắc họa những hình người khỏa thân, khiến các giảng viên cho rằng bộ tác phẩm có tính chất... khiêu dâm.

Sự việc lùm xùm này hóa ra lại giúp nhiều cho sự nghiệp của Gustav Klimt. Những bức họa bị phản đối ấy sau đó được đem trưng bày tại một triển lãm quốc tế tổ chức ở Paris (Pháp), tại đây, bức "Medicine" (Dược học) - một tác phẩm nằm trong bộ ba bức tranh khắc họa những ý niệm về triết học, dược học và luật học, do Gustav Klimt thực hiện - đã giành được giải nhất tại cuộc triển lãm.

Thành công này đánh dấu sự bắt đầu của "giai đoạn vàng" trong sự nghiệp hội họa của Gustav Klimt. Bởi từ đây, ông được biết tới nhiều hơn trên quy mô quốc tế, Gustav Klimt liền bắt tay vào thực hiện những tác phẩm về sau giúp ông trở thành danh họa nổi tiếng thế giới.

Trong số này có bức họa nổi tiếng "Chân dung Adele Bloch-Bauer I" từng trải qua chặng hành trình chìm nổi trong Thế chiến II. Nhiều năm sau, người cháu gái của nhà Bloch-Bauer - bà Maria Altmann đã vận động thành công để tác phẩm được trả về cho gia đình bà, sau khi họ bị thất lạc tác phẩm vì những yếu tố biến động thời cuộc.

Năm 2006, gia đình bà Maria Altmann quyết định bán bức tranh này tại một cuộc đấu giá, tác phẩm đạt mức 135 triệu USD và trở thành bức tranh đắt nhất thế giới ở thời điểm bấy giờ.

danhhoa6.jpg

Bức "Judith and the Head of Holofernes" được Gustav Klimt thực hiện năm 1901.

Một siêu phẩm ra đời

Tác phẩm đỉnh cao trong "giai đoạn vàng" của sự nghiệp Gustav Klimt được thực hiện vào năm 1908, đó chính là bức "The Kiss" (Nụ hôn). Bức tranh khắc họa hai người yêu nhau đang ôm lấy nhau. Tác phẩm đã được mua bởi nhà chức trách của Áo trong ngày đầu tiên bức tranh này được trưng bày trước công chúng. Mức giá được trả khi ấy tương đương với 185.000 USD hiện nay.

Thời điểm ấy, con số này đã được xem là mức giá "không tưởng". Một số chuyên gia hội họa cho rằng tác phẩm "The Kiss" khắc họa Gustav Klimt và bạn gái của ông khi đó - bà Emilie Flöge, nhưng không có những bằng chứng thuyết phục để khẳng định giả thuyết này.

danhhoa7.jpg

Tác phẩm đỉnh cao trong "giai đoạn vàng" của sự nghiệp Gustav Klimt được thực hiện vào năm 1908, đó chính là bức "The Kiss" (Nụ hôn).

Với kích thước 180 cm x 180 cm, bức "The Kiss" gây ấn tượng mạnh đối với người xem tranh, bởi cả sự lạ lẫm và nét dịu dàng. Lấy cảm hứng từ những bức tranh khảm của Nhật và sức hấp dẫn của tình yêu đối với nhân loại, tác phẩm "The Kiss" có sử dụng những lá vàng - một phong cách đặc trưng của Gustav Klimt để tạo nên hiệu ứng mạnh đối với người xem.

"The Kiss" khắc họa những xúc cảm dịu dàng, tha thiết trong tình yêu và tạo nên rung cảm trong mọi thế hệ người xem tranh.

Danh họa Gustav Klimt (1862 - 1918) qua đời vì đột quỵ năm 55 tuổi, tức khoảng một thập kỷ sau khi ông thực hiện bức "The Kiss", ông mãi được xem là một trong những luồng ánh sáng rạng rỡ nhất soi chiếu vào nghệ thuật hiện đại của Vienna.

Gustav Klimt là một vị danh họa thiên tài trong cách khắc họa cảm xúc trong tranh. Hơn một thế kỷ sau khi ông qua đời, những tác phẩm mà Gustav Klimt để lại vẫn gây ấn tượng mạnh đối với hậu thế và trở nên đắt giá hơn bao giờ hết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
11 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức hấp dẫn của bức họa "Nụ hôn" qua một thế kỷ