Ông Sadiq al-Mahdi - người đứng đầu đảng Umma từng giữ chức Thủ tướng Sudan - cảnh báo quốc gia Đông Phi có thể phải đối mặt với một cuộc đảo chính nữa, nếu các nhà cầm quyền quân sự và lực lượng đối lập không đạt được thỏa thuận về việc chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự.
Cựu Thủ tướng Mahdi bị tướng Omar al-Bashir (sau này lên làm Tổng thống) miễn nhiệm sau cuộc đảo chính năm 1989.
Theo ông Mahdi, phe cứng rắn trong đảng Đại hội Quốc dân (NCP) của cựu Tổng thống Bashir cùng vài đồng minh trong quân đội sẽ cố lợi dụng tình hình bất ổn để giành lấy quyền lực.
“Đối với họ thì đảo chính là chuyện khả thi nhất. Họ đang giành toàn thời gian bày mưu”, cựu Thủ tướng Madhi nhận định.
Lực lượng vũ trang Sudan hôm 11.4 tiến hành đảo chính chấm dứt 30 năm Tổng thống Bashir cầm quyền, sau đó thành lập một hội đồng quân sự (TMC) dự kiến cầm quyền trong khoảng 2 năm.
Nhưng người dân mong muốn hội đồng quân sự lập tức trao lại quyền lực cho chính quyền dân sự. Cựu Thủ tướng Madhi đánh giá: “Tôi nghĩ ý định của họ (đội ngũ tướng lĩnh lật đổ Tổng thống Bashir) là tốt. Họ không quan tâm đến một chính quyền quân sự”.
Phía TMC đã thực hiện nhiều nhượng bộ, chẳng hạn như bắt giữ một số thành viên NCP hàng đầu,cho về hưu 8 sĩ quan cấp trung tướng thuộc Cơ quan Tình báo - An ninh quốc gia Sudan (đơn vị chịu trách nhiệm đàn áp phe chống đối thời Bashir) hay điều tra cựu lãnh đạo với cáo buộc rửa tiền và sở hữu ngoại tệ phi pháp.
Ngày 24.4, TMC cùng lực lượng đối lập đồng ý thành lập một ủy ban giải quyết bất đồng. Tuy vậy hội đồng quân sự quyết tâm nắm giữ “quyền lực tối cao” cho đến lúc bầu cử vào 2 năm sau.
Đảng Umma có tham gia nỗ lực đàm phán nhưng cựu Thủ tướng Madhi tuyên bố không tham gia chính quyền trừ khi bầu cử được tổ chức.
Cẩm Bình (theo Reuters)