Sáng 17.9, BSCK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ bệnh viện vừa cứu sống một trường hợp viêm tụy cấp do tăng Triglyceride “siêu khủng”.
Khoảng 20 giờ ngày 10.9, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị L. (43 tuổi, trú tại xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới trong tình trạng đau bụng nhiều vùng thượng vị kèm nôn ói. Sau thăm khám và thực hiện xét nghiệm cần thiết bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp (VTC) do tăng Trigliceride (TG) máu, đái tháo đường type 2. Huyết thanh của bệnh nhân trắng đục như sữa và nồng độ TG máu là 134 mmol/l (tăng gấp 67 lần bình thường). Giá trị bình thường TG máu 150-199 mg/dl (1,7-2 mmol/l.).
Bệnh nhân không biết bệnh lý trước đó do không khám sức khỏe định kỳ. Bệnh nhân thấy trong người bứt rứt, thở nhanh sâu, nhịp tim nhanh, đau bụng, nôn ói, bụng chướng căng. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên khoa thống nhất chẩn đoán VTC mức độ nặng do tăng TG máu, đái tháo đường type 2 và chuyển bệnh nhân đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để tiến hành thay huyết tương.
Sau khi thực hiện thay huyết tương bằng 16 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh thì nồng độ TG máu của bệnh nhân giảm về mục tiêu điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần. Sáng 17.9 bệnh nhân không sốt, tỉnh táo, hết đau bụng, sinh hiệu ổn định.
Huyết tương của bệnh nhân đục như sữa- Ảnh: Phong Phạm
Theo BSCK2 Bồ Kim Phương - Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Huyết học lâm sàng: “VTC là một quá trình tổn thương cấp tính của tụy. Bệnh thường xảy ra đột ngột với những triệu chứng lâm sàng đa dạng, phức tạp từ VTC nhẹ đến mức độ nặng (thể hoại tử) với các biến chứng suy đa tạng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra VTC, đứng hàng đầu là do sỏi mật và nghiện rượu chiếm khoảng 80%, tiếp theo đó là do tăng TG chiếm 1,3-3,8%. VTC do tăng TG là một nguyên nhân thường không được chú ý và hay bị bỏ qua trong chẩn đoán, nó chỉ được chú ý tới khi không tìm được các nguyên nhân khác hoặc tình cờ phát hiện (xét nghiệm thấy TG rất cao) hoặc thấy mẫu máu đục như sữa. Biểu hiện của VTC do tăng TG cũng giống như VTC do các nguyên nhân khác với các triệu chứng xảy ra đột ngột, ở những người có lượng TG máu cao”.
BSCK2 Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: “Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì điều trị VTC cũng có nhiều tiến bộ như điều trị nguyên nhân bên cạnh các biện pháp hồi sức và điều trị hỗ trợ. Trong đó phương pháp thay huyết tương là một phương pháp tiên tiến dùng điều để điều trị VTC do nguyên nhân tăng TG máu.
Thay huyết tương (Plasma exchange) là phương pháp loại bỏ một phần huyết tương và các chất trong đó bao gồm cả thành phần TG. Phần huyết tương của người bệnh bị loại bỏ sẽ được thay thế bằng một lượng huyết tương mới cùng thể tích. Sau khi đã điều trị ổn định, điều quan trọng là phải tìm nguyên nhân tăng TG máu để loại bỏ đồng thời với việc dùng thuốc để làm giảm nồng độ chất này trong máu nhằm tránh gây ra những đợt VTC tái diễn tiếp theo.
Nhân trường hợp trên, chúng ta thấy rằng việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh lý và điều trị để tránh các biến chứng nặng nề xảy ra thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh”.
Phong Phạm