Tại buổi họp báo của ĐH Quốc tế (ĐH quốc gia TP.HCM) ngày hôm nay, 28.10, nhà trường cho biết, sau đánh giá của một Hội đồng độc lập để làm rõ các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu khoa học và dấu hiệu mạo nhận khi công bố bài báo trên tạp chí SpringerPlus, tác giả TS Nguyễn Văn Toàn đã thừa nhận sai lầm và rất hối tiếc vì điều này.
Theo đó, Hội đồng công bố kết luận:
- TS Toàn hiện đang công tác tại bộ môn Công nghệ thực phẩm, chỉ có chuyên môn về công nghệ sinh học và chưa từng thực hiện bất kì nghiên cứu nào trên đối tượng là con người. TS Toàn xuất thân từ gia đình có truyền thống Đông y. Từ kinh nghiệm thực tế chữa bệnh hen suyễn, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bệnh nhận, TS Toàn đã thực hiện nghiên cứu với mong muốn phổ biến bài thuốc và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân hen suyễn.
Đây là một thiện ý, tuy nhiên, vì không có chuyên môn về y học và hiểu biết chủ quan về đông y, TS Toàn đã không nắm được các quy định chặt chẽ về đạo đức trong nghiên cứu y sinh, dẫn đến việc không tuân thủ quy định này.
Có thể bạn quan tâm:
>>Nền giáo dục tốt cần ba yếu tố: tự chủ tài chính, tự trị quản lý và tự do học thuật
- Với kinh nghiệm thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, TS Toàn phải hiểu rõ và tuân thủ nghiêm túc các quy định trong công bố khoa học. TS Toàn tốt nghiệp TS tại ĐH West of England và được hướng dẫn bởi GS Steven Neil năm 2007, hoàn toàn không liên quan đến đề tài nghiên cứu về hen suyễn của TS Toàn. TS ghi tên trường ĐH West of England và GS Steven Neil như là một tri ân nơi đã đào tạo là một việc làm sai, cần rút kinh nghiệm cho những công bố khoa học về sau.
- TS Toàn thực hiện nghiên cứu tại nhà và không báo cáo với nhà trường. Nhà trường cũng không có hội đồng chuyên môn và hội đồng đạo đức để đánh giá, cũng như không hỗ trợ về nhân sự và cơ sở vật chất.
Tại buổi họp báo, PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng ĐH Quốc tế cho biết: “việc bài báo của TS Nguyễn Văn Toàn bị rút khỏi SpringerPlus là một sai lầm đáng tiếc của tác giả, tuy nhiên, đây là kinh nghiệm quý báu để nhà trường hoàn thiện chính sách quản lý, hỗ trợ công bố khoa học của cán bộ giảng viên”.
Theo PGS.TS Phong, nhà trường đã liên hệ trực tiếp với tạp chí SpringerPlus. Tạp chí đã thừa nhận việc chấp thuận công bố nghiên cứu này do ban biên tập hiểu nhầm bài báo của TS Toàn đã được đánh giá tích cực từ một tạp chí uy tín khác nằm trong hệ thống Springer.
Sau khi đăng được 1 năm, ban biên tập SpringerPlus nhận được phản hồi từ độc giả về những khác biệt giữa bài báo được công bố và bản đăng kí, tạp chí đã yêu cầu TS Toàn đưa ra những bằng chứng về việc thực hiện các quy định dành cho nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCT). TS Toàn thừa nhận nghiên cứu đã không được thông qua hội đồng đạo đức và không có bằng chứng bằng văn bản về sự đồng ý tham gia nghiên cứu của bệnh nhân.
Nhà trường cũng đã liên hệ với GS Steven Neil, ĐH West of England (Anh). GS cho biết, ông không tham gia nghiên cứu này của TS Toàn, và lĩnh vực nghiên cứu này không thuộc chuyên môn của ông. Đồng thời, GS Neil khẳng định, TS Toàn đã phạm sai lầm khi đề tên ĐH West of England trong phần kê khai cơ quan công tác, vì TS Toàn không làm việc ở đây. “TS Toàn đã trực tiếp xin lỗi GS Neil và lấy làm tiếc về sự việc đã xảy ra”, PGS.TS Phong nói.
Hiệu trường ĐH Quốc tế trao đổi gì thêm về những điều còn chưa rõ trong vấn đề bài báo của 2 tác giả Việt Nam bị rút khỏi tạp chí SpringerPlus? Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin với bạn đọc ở bài sau.
Lê Quỳnh