Xác định không gian mạng là mặt trận chính của việc chống hàng giả nên lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm soát chợ mạng, siết chặt vòng vây với hàng giả.

Tại sao hàng giả có 'đất sống' trên mạng?

Tuyết Nhung | 25/11/2023, 23:59

Xác định không gian mạng là mặt trận chính của việc chống hàng giả nên lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm soát chợ mạng, siết chặt vòng vây với hàng giả.

Chống hàng giả trên không gian mạng là mặt trận chính 

Tổng cục Quản lý thị trường ngày 25.11 cho biết chống hàng giả trong thương mại điện tử (TMĐT) là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là vào dịp cuối năm - giai đoạn cao điểm mua sắm của người tiêu dùng.

18353d5d-1db9-4411-bba5-6196e2814436.jpeg
Hàng giả tràn lan trên mạng nếu không được kiểm soát chặt chẽ - Ảnh: IT

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh, hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây, mà sau khi hàng hóa qua biên giới sẽ được tập kết tại kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc tại nhà riêng, sau đó, các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường TMĐT để kinh doanh hàng hóa vi phạm, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.

Điển hình vào đầu tháng 11.2023, tại Gia Lai, lực lượng QLTT đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên thường xuyên livestream bán hàng giả, chốt hàng trăm đến hàng nghìn đơn/ngày. Để kiểm tra cơ sở này, lực lượng đã mất nhiều thời gian theo dõi các đối tượng livestream bán hàng. Thời điểm kiểm tra, la liệt hàng hóa có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng được đổ đống, ngổn ngang, từ khu vực phía ngoài cổng đến kho chứa sâu bên hông khu vực nhà ở.

Vì vậy, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, chống hàng giả trên TMĐT là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Nhiệm vụ này sẽ được toàn lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh trong vòng 3 đến 5 năm tới. 

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, TMĐT phát triển bùng nổ đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, thời gian gần đây, mạng xã hội Tiktok bùng nổ mạnh mẽ. Người dân từ tận Hà Giang vẫn hằng ngày livestream bán hàng đi cả nước và ngược lại. Chưa kể, đây là mạng xã hội xuyên biên giới, cho nên, các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trên thực tế, vẫn còn tâm lý “ngại” xử lý đối với các vụ vi phạm TMĐT ngay tại lực lượng cơ sở, bởi mất thời gian và dễ bị khiếu kiện vì người bán có thể xóa bỏ, thay đổi nội dung, chứng cứ một cách nhanh chóng.

Đáng chú ý, đặc trưng riêng của TMĐT là có bên thứ ba, là các công ty chuyển phát, khác hẳn với thương mại truyền thống là “tiền trao cháo múc” nên theo quy định, xe chuyển phát đã kẹp chì không được mở niêm phong. Thế nên, dù có xác định được phương tiện chở hàng cấm, hàng lậu, hàng giả cũng khó xử lý ngay. 

Nhiều vụ việc lực lượng quản lý thị trường buộc phải theo xe chuyển phát đến sân bưu cục mới ập vào kiểm tra. "99% các công ty chuyển phát giờ đây đang sống bằng vận chuyển, mua bán online, chỉ 1% thư tín. Mà có 60% doanh nghiệp bán hàng là ở nước ngoài, vận chuyển cũng từ nước ngoài luôn nên rất khó xử lý", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh thông tin.

Cũng theo ông Linh, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm trên không gian mạng là nhiệm vụ khó khăn nên lực lượng quản lý thị trường không thể "đơn thương độc mã" xử lý mà cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới quản lý thị trường các địa phương để kịp thời xử lý các vi phạm. Mặt khác, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống hàng giả trên TMĐT. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Kiểm soát chợ mạng, siết chặt vòng vây với hàng giả

Theo thống kê, doanh số bán lẻ trên internet năm 2020 tại Việt Nam là 13 tỉ đồng. Đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần một nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.

Giới chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến hàng giả có “đất” sống trên môi trường điện tử. 

Thứ nhất, vi phạm trên môi trường mạng xã hội dễ thực hiện và khó phát hiện xử lý hơn (đối tượng không có kho hàng/cửa hàng, hàng hóa phân tán nhiều nơi, chỉ tiếp nhận đặt hàng online); các gian hàng, các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo lập và đóng lại trong thời gian ngắn; thông tin sản phẩm đăng tải trên mạng là hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận sản phẩm có thể là hàng giả. Thứ hai, một bộ phận người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua hàng rẻ trên mạng. Thứ ba, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng như quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công an, hải quan, y tế. Thứ tư, trang thiết bị, công cụ phục vụ thực thi công vụ còn chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới, năng lực của cán bộ thực thi công vụ còn yếu.

Thiếu tá Trần Vũ Minh Hải - Phòng 4, Cục A05 thông tin thêm, trên không gian mạng đang xuất nhiều nhiều đối tượng bán hàng giả (hàng fake) của các thương hiệu lớn như LV, Gucci, Montblanc… với nhiều mặt hàng phụ kiện gồm túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm… được sản xuất tại Trung Quốc, nhập lậu về Việt Nam và rao bán trên mạng.

Các đối tượng bán hàng thường vận chuyển hàng hóa vi phạm qua xe khách liên tỉnh, giao hàng tiết kiệm, Grab… không ghi địa chỉ người gửi; khai báo không đúng hàng hóa gửi để "qua mặt" lực lượng chức năng. Ngoài ra, dịch vụ làm giấy tờ giả; lôi kéo người dân tham gia đầu tư tài chính, đầu tư ngoại hối với hứa hẹn lãi suất cao, lợi nhuận lớn tại các vùng quê; buôn bán dược phẩm, thực phẩm chức năng...

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, thủ đoạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi. Ví dụ, các đối tượng chỉ chạy một link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau để kinh doanh, mỗi page chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết nên ngoài các giải pháp kỹ thuật, cần sự phối hợp của các đơn vị chức năng có liên quan.

Các  ý kiến chuyên gia đều có chung nhận định, vấn nạn buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái hàng vi phạm nguồn gốc, xuất xứ đã đang và sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối, thách thức đối với các cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng. Hàng giả hiện diện khắp mọi nơi, từ đời thực đến mạng ảo, từ phân bón, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm... đến cả thức ăn hằng ngày. Tuy nhiên, những vụ việc phát hiện chưa tương xứng với tình hình thực tế đời sống xã hội và vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Có nhiều nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái còn tồn tại như bất cập trong cấp phép, quản lý các quy chuẩn hợp quy; có nhiều cơ quan quản lý nhưng không ai chịu trách nhiệm chính; nhiều bộ, ngành, địa phương tham gia nhưng công tác phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ.

Trong khi đó, lợi nhuận từ hàng gian, hàng giả rất lớn. Vì vậy, người làm hàng giả bất chấp đạo đức nghề nghiệp, sản xuất hàng giả để thu lợi bất chính. Tội phạm thường tổ chức sản xuất hàng giả ở nhiều nơi, mỗi nơi một khâu, sau đó chuyển đến nơi tập kết để lắp ráp hoàn chỉnh rồi đưa đến nơi tiêu thụ. Nên khi bị phát hiện ở một khâu, một công đoạn nào đó thì các đối tượng có thể nhanh chóng tẩu tán tang vật ở những khâu khác nhằm tiêu hủy chứng cứ. Trong khi đó, biện pháp chế tài chưa đủ mạnh, chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng; người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm giả cũng ngại kiện cáo do nắm chưa vững luật pháp.

Do vậy, nhằm kiểm soát hàng giả trên không gian mạng, không chỉ lực lượng quản lý thị trường mà các đơn vị chức năng liên quan cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người, để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử.

Đối với lực lượng quản lý thị trường cần ưu tiên phòng ngừa, giám sát, tăng cường kiểm tra đột xuất, chuyên đề, hậu kiểm, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; Cùng với đó, tập trung xây dựng lực lượng QLTT tinh nhuệ, chủ động, phản ứng nhanh. Đặc biệt, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa. 

Giới chuyên gia cho rằng cần thiết phải nâng cao trách nhiệm của các sàn TMĐT, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, ngăn chặn, phòng ngừa đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm; tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp, chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định hàng hóa vi phạm...

Bài liên quan
Khám phá Range Rover SWB First Edition 2022 chính hãng, giá từ 11,8 tỉ đồng
Sau khi được ra mắt vào tháng 7 vừa qua, những chiếc Range Rover thế hệ mới đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện tại các showroom chính hãng của Land Rover.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao hàng giả có 'đất sống' trên mạng?