Một nghiên cứu ước tính mọi người đã mất trung bình 44 giờ ngủ mỗi năm vì nóng bức.

Tại sao nắng nóng khắc nghiệt lại làm giảm chất lượng giấc ngủ?

Đan Thuỳ | 25/05/2023, 10:40

Một nghiên cứu ước tính mọi người đã mất trung bình 44 giờ ngủ mỗi năm vì nóng bức.

Nick Obradovich đang sống cùng vợ trong một căn hộ không có điều hòa tại San Diego (Mỹ), điều này không có gì lạ ở một nơi mà thời tiết luôn ôn hòa quanh năm. Song thời tiết tại khu vực này đang có xu hướng nóng dần lên. Thành phố có khí hậu khô ráo và mát mẻ đã ghi nhận 3 đêm liên tiếp vào tháng 10 nóng nhất được ghi nhận trong một đợt nắng nóng chưa từng có. Khu vực này đã trải qua tháng 10 ấm nhất được ghi nhận với nhiệt độ trung bình khoảng 7,7 độ C

Trong khoảng một tuần diễn ra đợt nắng nóng khiến nhiệt độ ban đêm quá nóng đã khiến ông Obradovich không thể ngon giấc và thường xuyên mất ngủ. Viếc thiếu ngủ đã khiến ông quá mệt mỏi để tiếp tục thói quen tập thể dục hàng ngày cũng như tập trung vào công việc. 

Ông Obradovich đã quyết định nghiên cứu xem liệu nhiệt độ tăng lên có ảnh hưởng thế nào đến giấc ngủ của con người và đã phát hiện ra rằng con người đã mất ngủ trong môi trường ấm nóng, đặc biệt là vào ban đêm. Các mô hình dự đoán giấc ngủ ngon sẽ giảm hơn nữa khi nhiệt độ tăng, đặc biệt là ở các cộng đồng người già và thu nhập thấp.

anh-man-hinh-2023-05-22-luc-10.33.02.png
Christian Thurillat (70 tuổi) chật vật chìm vào giấc ngủ trong căn hộ của mình ở Paris (Pháp) khi châu Âu trải qua đợt nắng nóng vào tháng 6.2022 - Ảnh: Getty Images

Trong nghiên cứu của mình với 47.000 người trưởng thành ở 68 quốc gia, Obradovich và các đồng nghiệp đã tìm thấy sự thay đổi đáng chú ý về thời lượng giấc ngủ khi nhiệt độ ban đêm tăng trên 10 độ C. Vào những đêm trên 30 độ C, trung bình mọi người ngủ ít hơn khoảng 14 phút.

Trong khoảng thời gian dài hơn, họ ước tính mọi người đã mất ngủ trung bình 44 giờ mỗi năm và khi tình trạng khí hậu ngày càng ấm lên tiếp tục diễn ra, mọi người sẽ khó tìm được một đêm ngon giấc.

Nhiệt độ ban đêm đang ấm lên nhanh hơn nhiệt độ ban ngày ở nhiều nơi trên toàn cầu. Đến năm 2100, người dân trên toàn thế giới có thể mất khoảng 50 - 58 giờ ngủ mỗi năm.

Chúng ta thường coi việc ngủ là điều hiển nhiên, nhưng nếu không ngủ đủ giấc có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như sức khỏe tâm thần kém, béo phì, bệnh tim hoặc thậm chí tử vong sớm.

Rebecca Robbins, bác sĩ và giảng viên tại Trường Y Harvard (Mỹ), cho biết huyết áp của con người giảm xuống mức thấp nhất trong ngày khi ngủ. Nhưng nếu không có sự sụt giảm tự nhiên đó, mọi người có nhiều khả năng bị tăng huyết áp, đau tim hoặc đột quỵ.

Robbins, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết: "Khi chúng ta không ngủ đủ giấc, rất nhiều điều có hại sẽ xảy ra. Chỉ sau một hoặc hai đêm bị mất ngủ sẽ làm cho các cơ quan quan trọng trong cơ thể bị căng thẳng và làm tăng nguy cơ dẫn đến các kết quả bất lợi và tình trạng mãn tính". 

Nhiệt độ phòng ngủ lý tưởng để mọi người chìm vào giấc ngủ là khoảng 18,3 độ C. Việc giảm nhiệt độ cơ thể cốt lõi là điều cần thiết để chúng ta đi vào giấc ngủ vì nó mô phỏng cảm giác buồn ngủ. Cơ thể chúng ta chủ yếu làm mát bằng cách truyền nhiệt đến tứ chi, đó là lý do tại sao tay và chân của chúng ta đôi khi ấm hơn khi ngủ.

anh-man-hinh-2023-05-22-luc-10.33.12.png
Người dân ngủ bên trong Nhà thờ Hồi giáo Ulu ở Diyarbakir (Thổ Nhĩ Kỳ) để tránh nóng - Ảnh: Getty Images

Obradovich và các đồng nghiệp của ông nhận thấy nhiệt độ ấm bất thường có ảnh hưởng lớn nhất đến thời gian đi ngủ của mọi người bằng cách trì hoãn việc bắt đầu giấc ngủ. Thời gian ngủ ngắn là điều tồi tệ nhất trong mùa hè ở người cao tuổi, có lẽ vì họ gặp khó khăn hơn trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy những người sống ở nơi ấm hơn bị mất ngủ nhiều nhất, cho thấy cơ thể của mọi người chưa thích nghi với vị trí địa lý của họ.

Các quốc gia có thu nhập thấp hơn cũng bị ảnh hưởng nặng nề, mà Obradovich đưa ra giả thuyết có thể là do thiếu điều hòa không khí. 

Các dự đoán cho thấy sự nóng lên toàn cầu cũng sẽ gây ra tình trạng mất ngủ lớn nhất ở Trung Đông, Đông Nam Á và Úc. Vào cuối thế kỷ 21, người dân ở những vùng ấm nhất dự kiến ​​sẽ mất thêm 3 đêm ngủ mỗi năm do nhiệt độ ban đêm cao hơn.

Trong khi xu hướng khí hậu ấm lên đang ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, nghiên cứu còn cho thấy câu chuyện lại trái ngược hoàn toàn với nhiệt độ lạnh. Kelton Minor, đồng tác giả của nghiên cứu về giấc ngủ với Obradovich, cho biết cơ thể chúng ta dường như thích nghi với cái lạnh tốt hơn là nóng.

"Mọi người dường như ngủ nhiều hơn khi trời lạnh. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng mọi người có thể thích nghi giấc ngủ với nhiệt độ lạnh tốt hơn nhiều so với nhiệt độ nóng", Minor cho biết. 

Jerome Siegel, một nhà nghiên cứu về giấc ngủ tại Đại học California (Mỹ) cho biết ngủ quá lâu cũng không tốt cho sức khỏe. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết người cao tuổi chỉ nên ngủ từ 7 - 9 tiếng mỗi ngày. 

Obradovich cho biết phát hiện của nhóm ông có thể giúp cộng đồng hoặc các nhà hoạch định chính sách cải thiện tốt hơn môi trường ngủ cho người dân, chẳng hạn như giúp làm mát phòng ngủ hiệu quả hơn.

Ở cấp độ cá nhân, Robbins cho biết mọi người cũng cần thực hành hành vi ngủ ngon nói chung. Chẳng hạn, giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử từ 15 - 20 phút trước khi chìm vào giấc ngủ vì ánh sáng xanh từ điện thoại di động hoặc máy tính có thể mô phỏng ánh nắng mặt trời và làm mất nhịp sinh học của chúng ta. Bà gợi ý thiền trước khi đi ngủ có thể giúp mọi người thư giãn và thoải mái, dễ đi vào giấc ngủ hơn. Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải có giờ đi ngủ cố định. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
25 phút trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao nắng nóng khắc nghiệt lại làm giảm chất lượng giấc ngủ?