Trang The Financial Times đưa tin ngành bán dẫn Trung Quốc lo sợ loạt hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip mà Nhật Bản sắp áp đặt quá rộng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất sản phẩm bán dẫn cấp thấp dùng trong nhiều vật dụng hiện đại.
Bắt tay với Mỹ và Hà Lan ngăn Trung Quốc tiếp cận chip tiên tiến, Nhật dự tính áp đặt hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị quan trọng kể từ tháng 7. Nhân sự cấp cao của một số đơn vị bán dẫn Trung Quốc khi xem qua các quy định mới đã nhận xét nước láng giềng này có khả năng mạnh tay hơn cả Mỹ.
Tháng 10 năm ngoái, Mỹ ban hành quy định kiểm soát việc xuất khẩu thiết bị phục vụ sản xuất chip 14 - 16 nanomet.
Kích thước giúp xác định thế hệ công nghệ sản xuất chip. Ví dụ chip tiên tiến nhất dành cho điện thoại thông minh chỉ nhỏ 3 nanomet, còn chip cấp thấp hơn cho hàng gia dụng, phương tiện hay phụ kiện kết nối internet đều từ 28 nanomet trở lên.
Loạt hạn chế sắp tới của Nhật áp dụng với cả thiết bị sản xuất chip lớn tới 45 nanomet, chẳng hạn như máy khắc chìm do hãng Nikon cung cấp.
Một quan chức Trung Quốc thường làm việc với các đơn vị sản xuất chip tiết lộ ASML - công ty độc quyền sản xuất máy in thạch bản cực tím (EUV) - chỉ hạn chế bán thiết bị sản xuất chip tiên tiến kích thước nhỏ, trong khi Nikon phải chịu quy định ngặt nghèo hơn.
Một nguồn thạo tin nói rằng ASML đang chờ thông tin cuối cùng từ chính phủ Hà Lan. Nước này cũng dự tính công bố hạn chế xuất khẩu vào giữa tháng 7.
Nikon cho biết công ty không thể lường trước được tác động mà loạt hạn chế xuất khẩu đem lại cho năm tài khóa 2023 - 2024. Một hãng thiết bị khác là Tokyo Electron thì dự báo doanh thu giảm đến 23% so với 1 năm trước đó, xuống còn 1,7 nghìn tỉ yen (12,3 tỉ USD).
Tháng trước, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc đại diện cho 900 công ty cảnh báo phạm vi áp dụng của loạt hạn chế sắp tới quá rộng nên có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng chip cấp thấp. Họ kêu gọi chính phủ Trung Quốc thực hiện hành động đáp trả quyết đoán nếu Nhật “khăng khăng phá hủy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa ngành bán dẫn hai nước”.
Theo công ty nghiên cứu TrendForce, chip từ 28 nanomet trở lên dự kiến chiếm đến 75 - 80% năng lực sản xuất của các xưởng đúc trên toàn cầu trong 3 năm tới.
Sản xuất chip cấp thấp là phần quan trọng trong chiến lược đối phó biện pháp kiểm soát của Mỹ mà Trung Quốc đang triển khai. Đơn vị sản xuất lớn nhất Trung Quốc SMIC đã tăng cường sản xuất chip cấp thấp và xây dựng 4 xưởng mới.
Dù đã hỗ trợ về chính sách lẫn tài chính cho các đơn vị cung cấp thiết bị trong nước, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào trang thiết bị sản xuất chip nước ngoài. Căng thẳng địa chính trị với Mỹ buộc Trung Quốc tìm đến Hàn Quốc và Nhật.