Chuyến thăm của người đứng đầu nước Nga đến xứ sở hoa anh đào trong thời cấm vận được xem là việc biến rào cản bởi lịch sử thành cây cầu lợi ích cho tương lai của cả Moscow và Tokyo. Theo truyền thông quốc tế thì dường như nhận thức mới của Thủ tướng Abe về giải quyết tranh chấp lãnh thổ Nga - Nhật đã được hiện thực hóa trong chuyến công du của Tổng thống Putin lần này. Tại sao vậy?

Tại sao Nga – Nhật không giải quyết được tranh chấp về lãnh thổ?

17/12/2016, 05:04

Chuyến thăm của người đứng đầu nước Nga đến xứ sở hoa anh đào trong thời cấm vận được xem là việc biến rào cản bởi lịch sử thành cây cầu lợi ích cho tương lai của cả Moscow và Tokyo. Theo truyền thông quốc tế thì dường như nhận thức mới của Thủ tướng Abe về giải quyết tranh chấp lãnh thổ Nga - Nhật đã được hiện thực hóa trong chuyến công du của Tổng thống Putin lần này. Tại sao vậy?

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Abe

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản và có các cuộc thảo luận với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe. Nội dung các cuộc thảo luận được cho là liên quan đến hai chủ đề chính: tranh chấp lãnh thổ và hợp tác đầu tư.

Dù vấn đề thứ nhất liên quan đến quá khứ, còn vấn đề thứ hai là hướng đến tương lai, song yếu tố quyết định đến quan hệ Nga – Nhật luôn được quyết định bởi tranh chấp chủ quyền liên quan đến vùng lãnh thổ mà Nga (trước kia là Liên Xô) gọi là Nam Kuril, còn Nhật gọi là “vùng lãnh thổ phía bắc”. Kết quả chuyến thăm của ông Putin cũng phụ thuộc vào vấn đề thứ nhất này.

Trong 60 năm qua, kể từ khi Tuyên bố chung Xô – Nhật được ký kết năm 1956, hai bên đã có nhiều cố gắng để giải quyết tranh chấp, đặc biệt từ khi Thủ tướng Abe lên nắm quyền thì Tokyo luôn muốn khép lại quá khứ, mở ra một chương mới cho quan hệ Nga – Nhật, song việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ luôn rơi vào tình trạng bế tắc.

Kết quả hình ảnh cho picture of putin and abe

Liệu sự thân thiện giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe có giúp cho tranh chấp lãnh thổ Nga - Nhật được giải quyết theo nhận thức mới của Tokyo.

Khác biệt trong nhận thức

Ngược dòng lịch sử, năm 1855 Nga và Nhật Bản đã ký Hiệp ước Shimoda, xác định biên giới giữa hai nước và “vùng lãnh thổ phía bắc” bao gồm 4 hòn đảo (theo cách gọi của Nga và Nhật) là Iturup/Etorofu, Kunashir/Kunashiri, Shikotan và Habomai - nơi tranh chấp chủ quyền giữa hai nước từ thế kỷ 17 - được xác định thuộc lãnh thổ của Nhật Bản. Hiện trạng đó tồn tại trong 90 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, vào năm 1945 khi Liên Xô chiến thắng Nhật Bản trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2 thì thực trạng đã bị thay đổi. Liên Xô đã chiếm đóng 4 hòn đảo của “vùng lãnh thổ phía bắc” và trục xuất những người Nhật Bản sinh sống trên đó. Đến năm 1947 thì Moscow chính thức gộp các hòn đảo tại Nam Kuril vào lãnh thổ Liên Xô.

Năm 1951, tại Hội nghị hòa bình San Francisco bàn về việc giải quyết các vấn đề thời hậu Chiến tranh thế giới thứ 2, trong đó có nội dung liên quan đến số phận của các hòn đảo tại “vùng lãnh thổ phía bắc” của Nhật Bản. Kết thúc hội nghị là Hiệp ước hòa bình San Francisco đã được các bên ký kết. Nhật Bản tham gia hội nghị và ký kết với tư cách là nước bại trận.

Trong nội dung Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951 có ghi: “Nhật Bản từ bỏ vô điều kiện mọi quyền lợi đối với quần đảo Nam Kuril hay còn gọi là Vùng lãnh thổ phía bắc". Đó được xem là cơ sở pháp lý cho việc Liên Xô (nay là Liên bang Nga) khẳng địch chủ quyền với vùng lãnh thổ đặc biệt này.

Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là Liên Xô đã không ký vào Hiệp ước hòa bình San Francisco vì cho rằng có nhiều quyền lợi không được như mình mong đợi. Và năm 1956, Tuyên bố chung Xô - Nhật đã được ký kết. Theo đó, Liên Xô sẽ chuyển cho Nhật 2 hòn đảo nhỏ là Shikotan và Habomai, khi nào có một hiệp định hòa bình giữa hai bên.

Cho đến nay vẫn chưa có một hiệp định hòa bình Nga – Nhật và quan điểm của Tokyo cũng không đồng ý việc chỉ được nhận lại 2 hòn đảo nhỏ. Việc tranh chấp lãnh thổ Nga – Nhật luôn xoay quanh Hiệp ước hòa bình San Francisco, theo đó Moscow cho rằng Tokyo đã tuyên bố từ bỏ vô điều kiện quyền lợi với Nam Kuril, còn Tokyo thì cho rằng Moscow không ký Hiệp ước hòa bình San Francisco nên không thể lấy đây làm cơ sở khẳng định chủ quyền của mình.

“Yếu tố Mỹ” - một rào cản

Cho tới nay, mọi bế tắc đều được cho là bắt nguồn từ quan điểm cố hữu giữa hai bên không có nhiều điểm chung để đi một giải pháp khả dĩ có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, sự bế tắc của vấn đề còn bị ảnh hưởng bởi bên thứ 3, đó là Mỹ. Thậm chí ảnh hưởng của Washington còn mang tính quyết định đối với việc giải quyết tranh chấp này.

Theo Hiệp ước hòa bình San Francisco thì vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Moscow và Tokyo được quốc tế hóa, song từ đó đến nay lại luôn được xem là vấn đề song phương. Đặc biệt Washington là tác giả kịch bản – bảo trợ chính cho Hiệp ước hòa bình San Francisco – nhưng luôn đứng ngoài cuộc. Phải chăng phía sau có mưu đồ gì?

Theo lịch sử ghi nhận, lý do Hiệp ước hòa bình San Francisco năm 1951 có điều khoản quy định Nhật Bản tuyên bố từ bỏ vô điều kiện quyền lợi với Nam Kuril, đó là hiện thực hóa ý định của Tổng thống Mỹ Roosevelt muốn bù đắp quyền lợi cho Liên Xô khi tham gia chống phát xít Nhật trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ 2.

TTT_Yalta_1945_with_Churchill_Roosevelt_Stalin

Hội nghị Yalta tháng 2.1945 - Ảnh: US Army

Điều này dựa trên thỏa thuận giữa Tổng thống Roosevelt với nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin tại Hội nghị Yalta tháng 2.1945. Tuy nhiên, khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc thì Chiến tranh lạnh lại xuất hiện, điều đó khiến cho những “chiến lợi phẩm” trong Thế chiến 2 trở thành những công cụ phục vụ cho chiến lược đối trọng giữa hai bên.

Và tranh chấp lãnh thổ Xô – Nhật được xem là một trong những vấn đề được khai thác phục vụ cho Chiến tranh lạnh Xô – Mỹ bởi Nhật Bản là đồng minh chiến lược của Mỹ tại vùng Đông Bắc Á, do đó mọi xung đột của Tokyo với Moscow đều được xem là có ảnh hưởng tới chiến lược của Washington tại khu vực chiến lược này.

Do vậy, Washington không để cho Tokyo có thể thỏa hiệp với Moscow để kết thúc tranh chấp. Ông James D.J.Brown, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Temple ở Tokyo, Nhật Bản đã nhận định: “Vấn đề này rất khó khăn và không thể giải quyết trong những thập niên qua vì Nhật Bản và Liên Xô nằm ở hai bên của cuộc Chiến tranh lạnh”, theo The Diplomat.

Vậy Chiến tranh lạnh kết thúc sẽ mở ra cơ hội cho Tokyo và Moscow giải quyết tranh chấp? Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản vậy khi Washington không hoàn toàn yên tâm với thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ, đặc biệt là mối nguy từ chính đồng minh. Washington được cho là luôn tìm cách giữ các xung đột bao quanh Tokyo để kiềm tỏa đồng minh.

Khi suy thoái kinh tế kéo dài và mối đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng lớn thì Tokyo hướng về Moscow để tìm kiếm lợi ích và hóa giải mối nguy. Song, với Washington thì đây lại là một lời cảnh báo nguy hại. Rồi ván cờ Ukraine xảy ra, sự kiện Crimea diễn ra và lệnh cấm vận nước Nga được thiết lập, khiến cho ước vọng của Tokyo lại có thêm rào cản mới.

Khi liên minh Nga – Trung thành hình, ngày càng thách thức Mỹ và đồng minh, Tokyo nhận ra mình phải ngậm nhiều quả đắng của Washington nên có hành động vượt rào cấm vận, kết nối với Moscow. Tuy nhiên, khi Thủ tướng Abe có chuyến thăm chớp nhoáng tới Moscow hồi tháng 5.2016 thì ngay lập tức bị Obama nhắc nhở: Quan hệ với Nga chưa thể bình thường.

Sự thân thiện Putin – Abe có phá được rào cản?

Với những thắng lợi chính trị quan trọng và nhận thấy Tokyo phải chịu nhiều thiệt hại bởi rào cản của Washington, Thủ tướng Abe đã bắn tín hiệu rằng sẽ có nhận thức mới trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Moscow. Ở phía ngược lại, với hậu quả bởi lệnh cấm vận của phương Tây gây ra cho nước Nga, xem ra Moscow cũng đã “chịu đèn”.

Theo Thủ tướng Abe thì Nga – Nhật không nên để rào cản trong tranh chấp lãnh thổ làm mất đi những cơ hội hợp tác mang lại lợi ích cho cả hai bên. Nhận thức mới của Tokyo được cho là xây dựng dựa trên nền tảng ấy tư tưởng ấy. Có thể nhận diện Tokyo không đặt vấn đề chủ quyền lãnh thổ lên trước nữa, mà lợi ích khai thác từ vùng lãnh thổ tranh chấp được xem là quan trọng hơn trong lúc này.

Chuyến thăm của người đứng đầu nhà nước Nga đến xứ sở hoa anh đào trong thời cấm vận được xem là việc biến rào cản lịch sử thành cây cầu lợi ích cho tương lai của cả Moscow và Tokyo. Theo truyền thông quốc tế thì dường như nhận thức mới của Thủ tướng Abe đã được hiện thực hóa trong chuyến công du của Tổng thống Putin lần này.

Liệu sự thay đổi quyền lực tại nước Mỹ có đảm bảo Washington không tiếp tục tạo ra rào cản đối với việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Moscow và Tokyo hay không thì chưa thể khẳng định. Chính quyền Trump được xem là thân Nga hơn so với chính quyền Obama, nhưng với Nhật thì ngược lại, do vậy chưa hẳn đã có hiệu ứng tích cực từ Washington cho việc Moscow cùng Tokyo giải quyết hậu quả tồn tại đã lâu.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao Nga – Nhật không giải quyết được tranh chấp về lãnh thổ?