Theo tờ The Straits Times, Bắc Kinh và Washington cần thống nhất để giúp thiết lập lại các mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới, đảm bảo tối đa hóa lợi ích cho các bên.
The Straits Times vừa có bài phân tích về quan hệ Mỹ - Trung dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Theo tờ báo của Singapore thì quan hệ Mỹ - Trung có thể phát triển mà không gặp nhiều rào cản nếu ông Trump và người đồng nhiệm Tập Cận Bình vận dụng quan điểm của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trong việc xác định cốt lõi cho phát triển mối quan hệ.
“Đặt trường hợp, nếu ông Đặng Tiểu Bình, cựu lãnh đạo tối cao của Trung Quốc và là kiến trúc sư trưởng cho chủ nghĩa thực dụng hiện đại của Trung Quốc còn sống, được yêu cầu nhận định về Tổng thống Donald Trump, chắc chắn ông sẽ thể hiện quan điểm: Không quan trọng, bởi dù là mèo đen hay mèo trắng, miễn là bắt được chuột, thì luôn là con mèo tốt", The Straits Times bình luận.
Tờ báo Singapore phân tích: “Ông Đặng Tiểu Bình có thể tiếp tục nói về những gì cấu thành việc bắt chuột hiện nay cho người dân Mỹ. Đó sẽ là khai thác lợi ích từ nền kinh tế mới nổi, tăng trưởng mạnh để làm cho chiếc bánh của Mỹ lớn hơn, giúp cho tất cả người dân Mỹ được hưởng nhiều lợi ích hơn, giống như những gì đã xảy ra ở Trung Quốc trong bốn thập niên qua”.
Liệu có chủ quan quá không khi cho rằng quan điểm của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình phù hợp với cả Mỹ và Trung Quốc trong việc nâng tầm quan hệ theo phương châm hai bên cùng có lợi? Bởi lẽ ngay từ khi vận động tranh cử, ứng viên Donald Trump đã liên tục chỉ trích Trung Quốc cướp công ăn việc làm và thu nhập của người dân Mỹ.
Ba nước Mỹ trong lịch sử và tiềm năng cho quan hệ Mỹ - Trung
Theo tờ báo Singapore thì trong quan hệ giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới kể từ khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ra đời cho đến nay, có thể nhận diện có ba nước Mỹ thể hiện qua vai trò và trách nhiệm cũng như cách hành xử của của Washington đối với những gì xảy ra với lịch sử nhân loại và lịch sử nước Mỹ.
Thứ nhất là nước Mỹ đã làm những việc mà không phải là trách nhiệm của nước Mỹ, không thuộc về nghĩa vụ của nước Mỹ. Đó là nước Mỹ của cựu Tổng thống George W.Bush tiến hành cuộc chiến tranh đã cướp đi 190.000 sinh mạng, với chi phí hơn 2,2 nghìn tỉ USD và để lại một một bàn cờ chính trị hỗn loạn tại Iraq, mà chỉ để đối phó với thứ vũ khí giết người hàng loạt của Saddam Hussein tồn tại trong trí tưởng tượng.
Cũng như vậy là nước Mỹ của Tổng thống Obama khi vội vã đưa ra quyết định chuyển trục đối ngoại về châu Á - Thái Bình Dương, nhằm thực hiện một mục tiêu không rõ ràng là “cân bằng châu Á”. Những gì diễn ra tại địa bàn này chưa thực sự quan trọng với chiến lược của Mỹ trong ngay lúc này, trong khi Mỹ không có sự tiếp ứng của đối tác đáng tin cậy trong khu vực.
Thứ hai là nước Mỹ đã thực hiện những công việc thể hiện trách nhiệm với phần còn lại của thế giới trong vai trò của một nước lớn. Đó là nước Mỹ của Franklin D.Roosevelt khi quyết định tham gia Thế chiến thứ 2, chống lại chủ nghĩa phát xít, bảo vệ nước Mỹ, tái lập hòa bình cho nhân loại và bảo vệ thế giới tự do.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter - Ảnh: Internet
Thứ ba là nước Mỹ đã rút lui, thậm chí né tránh trách nhiệm của mình với phần còn lại của thế giới. Đó là nước Mỹ sau Thế chiến thứ nhất, từ chối tham gia Hội Quốc Liên – cơ quan tiền thân của Liên Hợp Quốc - nhằm xây dựng một cấu trúc mới cho thế giới thời hậu Thế chiến thứ nhất. Và đây chính là nguyên nhân khiến chủ nghĩa phát xít trỗi dậy và đưa lịch sử nhân loại vào một giai đoạn đau thương khi xảy ra Thế chiến thứ 2.
Có thể thấy rằng, với quan điểm thể hiện qua cương lĩnh tranh cử của ứng viên Donald Trump, có thể nhận diện nước Mỹ của ông Trump sẽ không chọn làm nước Mỹ trong trường hợp thứ nhất – làm những việc không thuộc về trách nhiệm và nghĩa vụ của nước Mỹ. Bởi lẽ, ông Trump chọn làm “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” dựa trên lợi ích Mỹ. Nước Mỹ thứ nhất, theo ông, không có lợi cho người Mỹ.
Như vậy, ông Trump sẽ chọn xây dựng quan hệ giữa nước Mỹ với phần còn lại của thế giới theo trường hợp thứ hai và thứ ba. Điều đó có thể hiểu được nước Mỹ của ông Trump chỉ làm gì khi quyền lợi của Mỹ bị đe doạ và có thể nước Mỹ không cần cái danh “bá chủ thế giới”, để rồi gánh quá nhiều trách nhiệm với phần còn lại của thế giới.
Với cả hai trường hợp này, quan hệ Mỹ - Trung có rất nhiều điểm chung, thậm chí bổ khuyết, từ đó mức độ xung đột Mỹ - Trung sẽ không gia tăng có thể làm hại cho nước Mỹ. Trung Quốc có thể sẵn sàng thay cho Mỹ ở những bàn cờ, những nước, những ván cờ mà chính quyền Trump không muốn nhận lãnh trách nhiệm.
Washington và Bắc Kinh sẽ lựa chọn sự tương đồng
Theo The Straits Times, trong thế giới thực dụng của Đặng Tiểu Bình, những ưu khuyết điểm thể hiện qua mô hình được thực nghiệm sẽ là ưu tiên trong xây dựng chính sách. Những gì được xem là thuần khiết trong tư tưởng, hình thành nên nền tảng giá trị tinh thần không phải ưu tiên hàng đầu theo lý thuyết Đặng Tiểu Bình.
Tờ báo Singapore cho rằng nếu còn sống, ông Đặng Tiểu Bình sẽ không ngạc nhiên việc ông Trump đã đắc cử với 306 phiếu đại cử tri, dù nhiều sai sót cá nhân đôi khi làm hại ông bởi ông Trump dường như sẵn sàng chọn mèo bắt chuột mà không dựa vào mèo màu trắng hay mèo màu đen. Ông Trump đã thoát ra khỏi các nguyên tắc truyền thống vốn bó buộc nước Mỹ.
Do vậy, nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vận dụng quan điểm của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trong việc xác định, lựa chọn những hạt nhân kết nối với chính quyền Trump theo phương châm “lựa chọn tương đồng, đẩy lùi khác biệt” thì chắc chắn sẽ tránh được hoặc chí ít là giảm thiểu được xung đột trong quan hệ Bắc Kinh - Washington.
“Bắc Kinh và Washington cần có cái nhìn hợp lý về chiến tranh thương mại, đảm bảo vệ môi trường kinh doanh ổn định, bảo vệ những ngành công nghiệp truyền thống và trước mắt là tạo việc làm cho người người lao động” theo The Straits Times.
Bắc Kinh và Washington cần thống nhất để giúp thiết lập lại các mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới, đảm bảo tối tối đa hóa lợi ích cho các bên. Theo quan điểm của Đặng Tiểu Bình, việc bắt chuột – tìm kiếm lợi ích - ở Mỹ hôm nay không nên để bị ảnh hưởng bởi bất đồng về quan điểm hay khác biệt vể lập trường giữa các quốc gia.
Dường như tín hiệu lạc quan đã được phát đi từ Washington, cho dù tân Tổng thống Trump vẫn thể hiện sự cứng rắn với Bắc Kinh qua những phát biểu của mình. Từ Diễn đàn phát triển Trung Quốc tại Bắc Kinh vừa qua, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin đã gợi mở rằng không biết bao giờ thì sẽ có một đối tác với Nhà Trắng được xác định từ Trung Nam Hải.
Tóm lại, dù xung đột giữa chính quyền Trump với Bắc Kinh biểu hiện rất rõ rệt, song thực ra nước Mỹ của Trump hoàn toàn có thể tạo ra sự tương đồng với chính sách của Trung Nam Hải, nếu cả hai bên cùng hướng về nhau và lấy quan điểm của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trong cải cách làm phương châm xây dựng cho mối quan hệ Mỹ - Trung.
Ngọc Việt