Dù nhận định của CIA hay quyết định của FBI được chấp thuận thì nước Mỹ đều thất bại bởi lẽ trong cuộc chiến quyền lực này người Mỹ không phải là bên giành chiến thắng, mà chiến thắng thuộc về Moscow.

Hai phe Dân chủ, Cộng hòa tiếp tục hục hặc sau chiến thắng của ông Trump

13/12/2016, 17:12

Dù nhận định của CIA hay quyết định của FBI được chấp thuận thì nước Mỹ đều thất bại bởi lẽ trong cuộc chiến quyền lực này người Mỹ không phải là bên giành chiến thắng, mà chiến thắng thuộc về Moscow.

“Yếu tố Nga” gây bão lớn trên chính trường Mỹ

Chính trường nước Mỹ đang có bão lớn sau khi Tổng thống Obama ra lệnh tái điều tra việc Nga được cho là can thiệp vào tiến trình bầu cử và làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua theo hướng cớ lợi cho ứng viên đảng Cộng hòa Donadl Trump. Sự việc được tiến hành khi chỉ con hơn 1 tháng nữa là Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ tuyên thệ nhậm chức.

Lệnh của Tổng thống Obama khiến cả Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cùng vào cuộc trở lại. Tuy nhiên, theo The Washington post ngày 11.12 cho biết thì FBI và CIA đã cung cấp các nguồn tin khác nhau cho những nhà lập pháp Mỹ trong báo cáo về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Theo tờ báo Mỹ nói trên, khi làm việc với Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, quan chức cấp cao về chống phản gián của FBI được yêu cầu cho biết ý kiến về kết luận của CIA đối với vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, trong đó nhận định Kremlin có kế hoạch giúp ứng viên Donald Trump đánh bại ứng viên Hillary Clinton. Phản ứng của FBI là rất sốc và bực bội.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh: Heartland)

Tổng thống Obama đã khơi mào cho cơn bão trên chính trường Mỹ, dù quyền lực của ông đã ở buổi xế chiều - Ảnh: Heartland

Trước đó, trong cuộc họp của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, các nhà lập pháp Mỹ cho rằng báo cáo của CIA là không đủ cơ sở nhận định về tính xác thực trong kế hoạch Nga giúp ông Donald Trump thắng cử. Nhận xét chính thức về các báo cáo của CIA, FBI cho rằng thông tin của cơ quan tình báo Mỹ không rõ ràng, thiếu chứng cứ và mang tính suy đoán.

"Các thông tin của FBI phải đáp ứng tiêu chuẩn của vụ án hình sự, có thể chứng minh tính xác thực trước tòa án. Trong khi đó các thông tin của CIA được phân tích bởi các bộ óc, sau đó đưa ra nhận định để giúp cho cơ quan thẩm quyền ra quyết định. Tính xác thực của thông tin mà CIA đưa ra không thể chứng minh trước tòa án", theo The Washington post.

Cũng nên nhắc lại rằng ngay trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, Giám đốc FBI James Comey đã chính thức khẳng định không có cơ sở cho thấy Kremlin tác động đến tiến trình bầu cử tại Mỹ. Nay CIA khẳng định ngược lại FBI khiến cho các nhánh quyền lực của nước Mỹ trở thành đối trọng của nhau và điều đó giúp cho đối thủ có thể làm hại nước Mỹ.

Phe Dân chủ muốn hạn chế quyền lực của ông Trump

Mâu thuẫn giữa CIA và FBI có thể được xem là thể hiện mâu thuẫn giữa phe Dân chủ với phe Cộng hòa trên chính trường Mỹ. Vì thua kém vị thế nên phe Dân chủ chủ động ra đòn quyết liệt. Đặc biệt là nguy cơ nhiều di sản của phe này sẽ trở thành “phế thải” khi ông Trump nắm quyền lực, vì vậy Tổng thống Obama đã tạo điều kiện cho CIA tấn công đối thủ.

Bắt đầu bằng việc Tổng thống Obama ra lệnh tái điều tra để đánh giá đầy đủ các hoạt động tấn công mạng của Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016 tại Mỹ. Ông Obama muốn báo cáo phải được hoàn tất trước khi ông rời nhiệm sở. Các quan chức Mỹ nói rằng ông Obama muốn giải mật càng nhiều báo cáo càng tốt.

Tiếp theo, các nhà lập pháp phe Dân chủ cũng lên tiếng cần tái điều tra sự việc vì "chỉ bằng cách này thì người dân Mỹ mới có thể biết được mức độ can thiệp của Nga và từ đó chúng ta có thể cố gắng hóa giải nguy cơ để đối thủ không thể tiếp tục can thiệp vào các cuộc bầu cử của chúng ta”, dân biểu bang Califorina của đảng Dân chủ, Adam B.Schiff lên tiếng.

Kết quả hình ảnh cho picture of john brennan

Giám đốc CIA John Brennan quyết hạn chế quyền lực của tân Tổng thống Trump - Ảnh: Washington Times

Thượng nghị sĩ bang Maine của đảng Dân chủ, Angus King, một thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho biết thông tin của cơ quan tình báo cần phải được công khai, "không phải để làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử này, nhưng qua thực tế đó phải tìm cách ngăn chặn để điều đó không xảy ra nữa. Nga đang cố gắng gây ảnh hưởng đến chính trị và bầu cử tại châu Âu, tôi không muốn điều này xảy ra”.

Ông King còn nhấn mạnh: “Những nỗ lực của Moscow giúp ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua có thể xảy ra trong các cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Họ đã cho chúng ta thấy rằng họ có khả năng và sẵn sàng làm điều đó. Nếu chúng ta không điều tra kỹ càng, chuẩn bị các biện pháp để có thể phản ứng với mức cao nhất là rất cẩu thả", The Washington post thuật lại.

Thậm chí lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Harry M.Reid đã kêu gọi Giám đốc FBI James Comey phải từ chức. Ông Reid cho rằng người đứng đầu Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã cố tình giữ im lặng trước những bằng chứng về động cơ của Nga, trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra.

Rõ ràng phe Dân chủ đã ra đòn rất quyết liệt với trung tâm quyền lực, mục đích là tìm cách kiểm chế ông Trump kết nối với Putin, điều có thể giúp đối phương làm hại nước Mỹ. Qua việc CIA lật lại vụ việc Nga tấn công mạng vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, có thể thấy phe Dân chủ đã quyết tâm khóa chặt quyền lực của tân Tổng thống Trump.

Phe Cộng hòa phản công bằng FBI

Giới phân tích cho rằng việc FBI “tái thẩm” vụ rò rỉ email của ứng viên đảng Dân chủ chính là đòn phản công của phe Cộng hòa với đối thủ bởi minh oan cho bà Hillary thì FBI cũng là đồng thời minh oan cho Tổng thống Nga Putin, khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ tuyên bố không đủ cơ sở khẳng định Kremlin tác động vào cuộc bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump.

Kết quả là ứng viên đảng Dân chủ thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử tổng thống, phe Dân chủ cũng không thể lật ngược thế cờ trước phe Cộng hòa trong các cuộc bầu cử lại 1/3 Thượng viện và Hạ viện. Các cuộc bầu cử năm 2016 đã đánh dấu thất bại thảm hại nhất của phe Dân chủ trên chính trường Mỹ trong nhiều năm trở lại đây.

Cho dù bà Hillary Clinton đã chấp nhận thất bại, các dân biểu và thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ cũng đã chấp nhận kết quả bầu cử, song nhiều nhà lãnh đạo phe Dân chủ, mà đứng đầu là Tổng thống Obama, không dễ dàng chấp nhận buông xuôi, đứng nhìn phe Cộng hòa chi phối quyền lực của nước Mỹ. Và ông Obama đã chọn CIA làm công cụ phục vụ cho nước đi của mình.

Kết quả hình ảnh cho picture of James Comey

Giám đốc FBI James Comey được cho là đã giúp phe Cộng hòa thắng phe Dân chủ - Ảnh: The Hill

Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo của Quốc hội Mỹ đã chỉ ra sự mơ hồ của các bằng chứng được CIA dùng làm cơ sở để khẳng định Kremlin hành động để giúp ông Trump. "Không có bằng chứng rõ ràng. Có rất nhiều lời bóng gió, rất nhiều bằng chứng gián tiếp và cũng chỉ có vậy", Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes lên tiếng.

Nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa cũng đã hoan nghênh sự thận trọng của FBI. Họ không nghĩ rằng CIA có cơ sở cho những kết luận đã báo cáo với các ủy ban của Thượng viện. Các đảng viên đảng Cộng hòa cho rằng đây chỉ là mục đích của Nhà Trắng do hậm hực với chiến thắng của ông Trump, nên dựa vào CIA để tìm một cái gì đó chứng minh Nga là một mối đe dọa rất lớn.

Như vậy là “yếu tố Nga” đã tạo nên một cơn bão lớn trên chính trường Mỹ, mà nguyên nhân chính có thể nhận diện bắt đầu từ sự lo lắng của Tổng thống Obama trước nguy cơ di sản của mình có thể bị xóa bỏ, những sai sót của mình có thể bị lật lại, trong đó có hoạt động kém hiệu quả của tình báo Mỹ, khi tân Tổng thống Trump ngồi vào chiếc ghế quyền lực.

Dù nhận định của CIA được chấp nhận hay quyết định của FBI được chấp thuận thì nước Mỹ đều thất bại bởi lẽ trong cuộc chiến quyền lực này người Mỹ không phải là bên giành chiến thắng, mà chiến thắng thuộc về Moscow. Chắc chắn Putin sẽ tiếp tục có các nước đi chiến lược nhằm gây bất lợi cho đối thủ, mà chiến thắng của Trump chỉ được xem là bước khởi đầu.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trình Chính phủ cơ chế mua bán điện trực tiếp trong tháng 5
Tại chỉ thị mới, Thủ tướng yêu cầu tháng 5.2024 Bộ Công Thương phải trình Chính phủ cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai phe Dân chủ, Cộng hòa tiếp tục hục hặc sau chiến thắng của ông Trump