Bản tin quốc tế cuối năm loan báo kiến trúc sư Chu Kim Đức được chương trình thường niên BBC 100 Women 2020 vinh danh trong Top 100 phụ nữ có ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên khắp thế giới năm 2020. Điều này như một dòng suối mát lành chảy tràn trên những sa mạc hy vọng của một năm điêu tàn vì dịch

Tâm nguyện của nữ kiến trúc sư Việt giành lại sân chơi cho trẻ

Theo Nguyễn Lê An/Người Đô Thị | 21/02/2021, 16:17

Bản tin quốc tế cuối năm loan báo kiến trúc sư Chu Kim Đức được chương trình thường niên BBC 100 Women 2020 vinh danh trong Top 100 phụ nữ có ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên khắp thế giới năm 2020. Điều này như một dòng suối mát lành chảy tràn trên những sa mạc hy vọng của một năm điêu tàn vì dịch

Thông cáo vinh danh Chu Kim Đức ghi nhận: “Cô ấy đã làm việc với các đối tác và cộng đồng trong nước để tạo ra hơn 180 sân chơi công cộng từ vật liệu tái chế. Hiện cô ấy thực hiện sân chơi trị liệu cho Bệnh viện Nhi Trung ương và sân chơi carbon thấp đầu tiên của thành phố Hà Nội…”.

Nữ kiến trúc sư sinh năm 1980 này cũng là người Việt Nam duy nhất năm nay được BBC 100 Women 2020 vinh danh, bên cạnh nhiều tên tuổi lẫy lừng quốc tế: Giáo sư Sarah Gilbert (người đứng đầu nghiên cứu vaccine Covid-19 của Đại học Oxford), Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, minh tinh Hollywood Dương Tử Quỳnh, “thợ săn virus” Jeong Eun-Kyeong (Giám đốc Cục Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc)…

Chia sẻ với Người Đô Thị, Chu Kim Đức bày tỏ: “Tôi khá bất ngờ khi được vinh danh. Có lẽ do tôi may mắn phù hợp với tiêu chí họ đề ra, bởi còn nhiều phụ nữ Việt cũng xứng đáng được tôn vinh với những đóng góp cho cộng đồng. Đây vừa là niềm vui, vừa là vinh dự khi những cố gắng xây dựng sân chơi cộng đồng của tôi và các cộng sự đã được ghi nhận, quyền vui chơi của trẻ em được quan tâm hơn…”.

Tâm nguyện dang dở của một phụ nữ Mỹ

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Kim Đức bảo cô cảm nhận rất rõ sự thay đổi của thành phố này. Tuổi thơ Kim Đức có rất nhiều không gian chơi, từ sân chung trong xóm, đến vỉa hè, đường đi bộ đến trường... Nhờ đó, cô có bạn bè trong xóm, bạn cùng lớp đi học với nhau, tuổi thơ vì vậy trở nên tươi đẹp hơn. Còn trẻ em thời nay không có nhiều không gian như thế. Đã xa vắng hình ảnh những đứa trẻ Hà thành hồn nhiên đi bộ đến trường trong tiếng chim hót, lá khẽ khàng rơi. Nguyên nhân cốt lõi, theo Kim Đức, là sự phát triển đô thị hóa nhanh chóng đã khiến các không gian công cộng trở nên thiếu thốn và không an toàn.

ktschuminhduc.jpg

Kiến trúc sư Chu Kim Đức

Thêm vào đó, áp lực học tập khá nặng nề do bệnh thành tích từ cả nhà trường lẫn gia đình... “Theo Công ước Liên Hiệp Quốc, trẻ em có quyền được vui chơi và quyền được tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Sở dĩ có quyền đó bởi vì việc chơi - tự do - ngoài trời đã được chứng minh là nhu cầu thiết yếu. Hơn thế, đó còn là một phần của việc học phi chính thống, nơi trẻ em tự học được rất nhiều điều từ cuộc sống, phát triển cả thể chất lẫn tinh thần, phát triển sự sáng tạo và tự chủ…

Ở Việt Nam, quyền được chơi chưa được coi trọng. Các bậc cha mẹ thường nghĩ cho con đi học phải được điểm cao, tiếp thu đủ thứ để sau này thành tài. Trong khi đáng ra các em cần được chơi nhiều hơn. Vui chơi tự do ngoài trời giúp trẻ thư giãn, tập trung phát triển giác quan và tinh thần tốt hơn”, Kim Đức nhấn mạnh.

Tốt nghiệp chuyên ngành quy hoạch đô thị Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2003, Kim Đức sang Pháp học thạc sĩ thiết kế sân vườn cảnh quan và khảo cổ kiến trúc. Về nước năm 2007, cô thành lập công ty tư nhân thiết kế sân vườn, khá thành công. Năm 2012, cô chuyển hướng từ kiến trúc sang học và làm phim nghệ thuật, phim thể nghiệm. Từ đây, cuộc đời cô mở ra lối rẽ bất ngờ.

Năm 2013, khi đang học làm phim ở Doclab, Kim Đức gặp bà Judith Hansen - một phụ nữ Mỹ từng chụp ảnh nhiều sân chơi trên thế giới, đang muốn tặng cho Hà Nội một sân chơi công cộng, sau lần bà đi dạo quanh hồ Gươm và nhìn thấy rất nhiều trẻ em leo trèo lên tháp Bút lổng chổng đá, rất nguy hiểm. Kim Đức và một số người bạn đã giúp bà Judith Hansen thiết kế một cầu trượt hình tượng con rùa.

“Giá như ngày ấy chính quyền cho phép đặt ở đó, thì rất có thể giờ nó đã trở thành biểu tượng cho thành phố vì hòa bình. Tiếc là tâm nguyện đó không thành, bà Judith Hansen trở về Mỹ. Tuy nhiên, qua các cuộc nói chuyện với bà, tôi nhận thức được các giá trị của sân chơi công cộng, quyền được chơi, và việc xây dựng, cải tạo các không gian công cộng thân thiện cho trẻ em cũng đúng là công việc rất phù hợp với các kỹ năng của tôi”, Kim Đức nói.

“Chiến đấu” vì trẻ em

Sân chơi đầu tiên Kim Đức rủ bạn bè, tình nguyện viên và mọi người đóng góp, hỗ trợ để làm cho trẻ em, tại một vườn xoài ở bãi giữa sông Hồng, năm 2014. “Tôi rất xúc động khi thấy những đồ vật đơn giản, tái chế mà chúng tôi làm có thể biến một mảnh đất nhỏ xíu thành một không gian thuộc về trẻ em, mang lại nhiều niềm vui cho các em. Mọi chuyện diễn ra thuận lợi vì người dân ở đó đón nhận tích cực. Trong quá trình thực hiện, tôi nhận thấy sân chơi mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho trẻ em, mà cho cả cộng đồng cũng như cho tương lai của một đô thị bền vững. Từ một nhóm tình nguyện cùng nhau thử nghiệm, cuối cùng chúng tôi tìm được một mô hình doanh nghiệp xã hội để hướng đến sứ mệnh lâu dài, tạo ra các không gian chơi cho trẻ em trong thành phố”, Kim Đức kể.

Cũng trong năm này, Kim Đức cùng Nguyễn Tiêu Quốc Đạt đã đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds! (TPG), cô đảm trách vai trò giám đốc. Từ sân chơi đầu tiên, TPG nâng lên thành dự án “Giành lại sân chơi cho trẻ em”, với mục tiêu làm thật nhiều mô hình sân chơi khác nhau, giành lại sân chơi cho trẻ em từ một phần bãi đỗ xe, bãi đất bỏ hoang, bãi rác, nhà vệ sinh cũ…; thử nghiệm mô hình sân chơi phiêu lưu trong thành phố, mô hình vườn cộng đồng và tổ chức các sân chơi di động trong các không gian có nhiều mục đích sử dụng.

“Tôi có xu hướng dùng từ “dành” hơn “giành”, bởi chúng tôi là những người cung cấp giải pháp kiến trúc/xã hội cụ thể để địa phương dựa vào đó đề xuất sân chơi cho trẻ. Tuy nhiên, tôi nghĩ cả hai từ đều đúng, tùy từng trường hợp. Có những nơi chúng tôi dễ dàng đem sân chơi đến cho trẻ, nhưng có những nơi các thành viên cộng đồng cũng như chính quyền địa phương phải “chiến đấu” rất khó khăn để giành giật lại từng mảnh không gian công cộng làm sân chơi…”, Kim Đức giải thích thêm về tên dự án.

ktschuminhduc2.jpg

Sân chơi ở nhà văn hóa thôn Hà Lỗ (Hà Nội) do TPG thi công đã được UNESCO Việt Nam trao giải 3 nghệ thuật tái chế.

Tất cả các sân chơi của TPG chủ yếu làm bằng vật liệu tái chế. Từ lốp xe cũ, dây thừng, ván, các vật dụng bỏ đi khác, Kim Đức và các cộng sự sáng tạo thành xích đu, cầu trượt, bập bênh… “Chúng tôi lựa chọn vật liệu tái chế ban đầu vì nghĩ nó rẻ tiền và dễ kiếm, phù hợp với điều kiện kinh phí còn khó khăn. Tuy nhiên, càng về sau chúng tôi nhận thấy vật liệu tái chế lại chứng tỏ được rất nhiều ưu điểm khác, như có thể sáng tạo nhiều hình dạng, huy động từ nhiều nguồn, cộng đồng chung tay cùng làm và tự duy trì sân chơi. Tâm lý trẻ em cũng thường thích các thiết kế độc đáo và tự nhiên hơn là các đồ chơi sản xuất công nghiệp quá trơn nhẵn. Việc tái chế còn giúp giảm rác thải và giảm mua sắm đồ mới, giúp trẻ em có thêm nhận thức về môi trường. Tất nhiên, không phải vật liệu tái chế nào cũng sử dụng được. Chúng tôi đang nghiên cứu các vật liệu tái chế khác như tấm lợp từ vỏ hộp sữa, gạch sinh thái...”, Kim Đức nói.

Không chỉ với thiết bị sân chơi, TPG còn thử nghiệm mô hình loose-parts play, là sân chơi với các đồ ngẫu nhiên, vốn không được thiết kế để chơi, trong đó có rất nhiều đồ tái chế như thùng các tông, lốp xe, vỏ hộp sữa, thậm chí cả lồng bàn… “Để tổ chức mô hình này, chúng tôi tập huấn cho các tình nguyện viên, cùng nhau thảo luận về mức độ an toàn, những rủi ro nào vẫn được giữ lại trong sân chơi để trẻ em trải nghiệm và những rủi ro nào cần phải hoàn toàn loại bỏ”, Kim Đức cho biết.

Theo quan sát của Kim Đức, không gian công cộng ở các thành phố lớn hiện nay đa phần bị các hộ buôn bán hoặc những người kinh doanh trông giữ xe chiếm dụng. Khi TPG nhắm đến những vị trí này để tạo lập sân chơi, hẳn nhiên xung đột lợi ích xuất hiện. Tại một khu vực của phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, chỉ vì một cư dân phản đối mà dự án phải chuyển sang phường Mai Động, quận Hoàng Mai.

Hay như dự án sân chơi tại sân K7-K8 Tập thể Thành Công, tổ trưởng dân phố đã chủ động mời TPG về thiết kế nhưng vẫn bị chủ một bãi giữ xe phản đối quyết liệt. Cuối cùng, để cưỡng chế được một nửa bãi đỗ xe, tổ dân phố phải cầu viện đến lãnh đạo phường.

Trẻ em phải được tiếp cận sân chơi bình đẳng

Cập nhật mới nhất từ TPG, tính đến tháng 1.2021, số lượng công trình trên khắp Việt Nam do TPG kiến tạo trong dự án “Giành lại sân chơi cho trẻ em” đã lên con số 194! Kim Đức cho biết, quá trình triển khai dự án, nhóm của cô phát hiện luôn có các không gian dù rất nhỏ vẫn có thể làm thành một sân chơi, thậm chí không chỉ sân chơi mà còn là các không gian xanh cho nhiều người sử dụng. Đó có thể là một phần của bãi đỗ xe, một nhà vệ sinh bỏ hoang, một bãi đất vứt rác… “Kỳ tích đó, công đầu thuộc về các cộng đồng dân cư, những nơi mà người dân cảm thấy muốn có một sân chơi công cộng cho trẻ em và họ kết nối chặt chẽ với nhau để đi đến thống nhất”, Kim Đức nói.

ktschuminhduc3.jpg

Trong 6 năm, dự án “Giành lại sân chơi cho trẻ em” của Chu Kim Đức và cộng sự đã kiến tạo được 194 công trình, chủ yếu bằng vật liệu tái chế

Trong suy nghĩ của nữ kiến trúc sư trẻ này, một không gian công cộng được thiết kế cùng với cộng đồng và trẻ em sẽ mang lại nhiều hơn sự kết nối và tính sở hữu của cộng đồng với không gian đó. Sân chơi từ vật liệu thiên nhiên và tái chế cũng nên là xu hướng để các không gian công cộng đô thị bê tông hóa trở nên gần gũi hơn với thiên nhiên. Hơn nữa, các sân chơi tự thiết kế có thể dễ dàng kể các câu chuyện lịch sử, văn hóa bản địa như sân chơi nỏ thần ở Đông Anh mà TPG làm với nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm, hay sân chơi con ếch bên bờ ao ở làng hoa Ngọc Hà... Hiện TPG cũng đã làm nhiều không gian công cộng không chỉ dành cho trẻ em mà người lớn cũng có thể cùng sử dụng, như parklet (công viên nhỏ thay thế bãi đỗ xe), vườn cộng đồng, không gian thể dục với máy tập cho người lớn, không gian nghệ thuật cộng đồng...

“Để có thể đi được chặng đường 6 năm qua, chúng tôi đã mở rộng kết nối các mạng lưới và huy động tất cả các nguồn lực phù hợp: cộng đồng đóng góp công sức, chính quyền hỗ trợ cho hoạt động, các nhà tài trợ doanh nghiệp hay các tổ chức văn hóa, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước... Dù vậy, phải nói thật rằng, việc gây quỹ của TPG vẫn còn rất hạn chế, mà tôi cho rằng nguyên nhân chính vẫn là quyền được chơi của trẻ chưa được đánh giá đúng mức.

Để một doanh nghiệp xã hội và những dự án cộng đồng có thể hoạt động lâu dài, điều cần trước tiên là một tầm nhìn. Tầm nhìn của chúng tôi là làm sao mọi trẻ em đô thị có thể tiếp cận sân chơi một cách bình đẳng vì trẻ em có nhu cầu và có quyền được chơi. Bên cạnh đó, cần tạo ra được đối thoại tích cực với cộng đồng và chính quyền địa phương, cũng như phải rất linh hoạt để đảm bảo quyền lợi của nhiều bên liên quan”, Kim Đức bày tỏ.

Để Hà Nội đáng sống hơn
Trong 6 năm hoạt động, TPG cùng các đối tác đã ginh được nhiều giải thưởng về đô thị như: “Green City Solution” của Đại sứ quán Đan Mạch, “Urban 95” của quỹ Bernard Van Leers, “Danang Challenge” của 100 Resilient Cities… Năm 2018, sân chơi nhà văn hóa thôn Hà Lỗ (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) do TPG thi công đã được UNESCO Việt Nam trao giải 3 nghệ thuật tái chế…
Bên cạnh dự án “Giành lại sân chơi cho trẻ”, TPG đang thử nghiệm một dự án mới là cải tạo chợ dân sinh ở phường Tân Mai của Hà Nội. Ý tưởng ban đầu là sử dụng kiến trúc và nghệ thuật để thay đổi hành vi lành mạnh hơn của cả người bán và người mua. Đồng thời TPG đang tham gia nhiều hoạt động của mạng lưới Vì Một Hà Nội Đáng Sống, “Bởi lẽ sân chơi và không gian công cộng thân thiện là phần không thể thiếu để Hà Nội trở nên đáng sống hơn”, Chu Kim Đức nhận định.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tâm nguyện của nữ kiến trúc sư Việt giành lại sân chơi cho trẻ