Đối với Đài Loan, mọi sự xuất hiện trên sân khấu toàn cầu đều mang đậm chất chính trị - và thậm chí còn hơn thế nữa khi sân khấu đó là ở Trung Quốc.

Tâm sự của các vận động viên Đài Loan khi thi đấu Olympic tại Bắc Kinh

Anh Tú | 04/02/2022, 12:14

Đối với Đài Loan, mọi sự xuất hiện trên sân khấu toàn cầu đều mang đậm chất chính trị - và thậm chí còn hơn thế nữa khi sân khấu đó là ở Trung Quốc.

Bốn vận động viên Đài Loan sẽ thi đấu tại Olympic mùa đông, khai mạc vào hôm nay 4.2 ở Bắc Kinh. Đoàn của họ không thể sử dụng cờ của Đài Loan vì từ lâu, họ đã thi đấu dưới một cái tên - Đài Bắc Trung Hoa

Maggie Lee, vận động viên trượt tuyết 19 tuổi, nhận thức về màu cờ sắc áo khi cô đi khắp châu Âu để tập luyện và thi đấu trước Thế vận hội. Lee kể: “Khi tôi gặp mọi người, tôi sẽ nói với họ rằng tôi đến từ Đài Loan, bởi vì nếu nói với mọi người ngrằng bạn đến từ Đài Bắc Trung Hoa, không ai biết bạn đến từ đâu, bạn không thể tìm thấy nó trên Google”.

dailoan-2.jpg
Đoàn thể thao đến từ Đài Loan - Ảnh: Internet

Đài Loan là một hòn đảo có 24 triệu dân ở ngoài khơi bờ biển phía đông Trung Quốc. Hòn đảo vận hành theo nhiều khía cạnh giống như một quốc gia có chính phủ và quân đội riêng. Nhưng Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình và chỉ có 14 quốc gia công nhận Đài Loan là một quốc gia. Thay vào đó, hầu hết thế giới, gồm cả Mỹ, có quan hệ chính thức với Trung Quốc và tức là công nhận chính sách một Trung Quốc.

Sự chia rẽ nảy sinh từ một cuộc nội chiến vào cuối những năm 1940. Sau khi thất bại, bên thua cuộc chạy ra đảo Đài Loan, thành lập chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ở thành phố Đài Bắc. Tại Bắc Kinh, bên thắng cuộc thành lập CHND Trung Hoa năm 1949.

Cả hai đều tuyên bố đại diện cho Trung Quốc và ban đầu, Mỹ cùng nhiều nước khác đứng về phía chính phủ ở Đài Bắc. Nhưng ngày càng có nhiều quốc gia chuyển hướng sang Bắc Kinh trong hai thập kỷ tiếp theo. Năm 1971, LHQ buộc Đài Bắc ra khỏi tổ chức và CHND Trung Hoa là đại diện duy nhất của Trung Quốc tại LHQ. Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã đến thăm Trung Quốc vào năm sau và Washington thiết lập quan hệ với Bắc Kinh vào năm 1979.

Vấn đề tên gọi lại nổi lên tại Thế vận hội mùa đông 1980 ở New York. Các vận động viên Đài Loan đã thi đấu với tư cách là đại diện Trung Hoa Dân Quốc trong hai Thế vận hội Mùa đông trước đó, dưới lá cờ đỏ của nước này với mặt trời trắng trong một hình chữ nhật màu xanh lam ở trên góc.

Đấy cũng là lần đầu tiên CHND Trung hoa tham dự Thế vận hội và Bắc Kinh đã thành công trong việc phản đối sự tham gia của hòn đảo dưới tên Trung Hoa Dân Quốc. Thomas Liang, vận động viên trượt tuyết băng đồng đã thi đấu tại Thế vận hội 1972 và 1976, cho biết đội của ông đã nhận được tin xấu sau khi đến New York

Liang kể: “Tất cả chúng tôi đã đến Mỹ, nhưng họ không cho chúng tôi vào sân chơi. Tôi rất buồn vì không thể thi đấu. Đánh mất cơ hội này thật đáng tiếc”. Lần tiếp theo Liang đến Thế vận hội, trong vai trò một huấn luyện viên và đội của Liang được gọi là Đài Bắc Trung Hoa.

Câu chuyện về đoàn thể thao Đài Loan phải đổi tên sau 1980 cũng khá tốn giấy mực. Khi Bắc Kinh tìm cách gia nhập IOC, có việc rõ ràng rằng bất kỳ công thức nào cho phép các vận động viên từ cả hai vùng lãnh thổ thi đấu, đều phải tính đến nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Năm 1979, Ủy ban điều hành của IOC đã thông qua một nghị quyết mà cuối cùng cả hai bờ eo biển đều đồng ý tuân theo. IOC đã thừa nhận đại diện của CHND Trung Hoa với tên gọi “Ủy ban Olympic Trung Quốc” và đại diện của Đài Loan là “Ủy ban Olympic Đài Bắc Trung Hoa”.

dailoan-3.jpg
Hai đội từ Trung Quốc và Đài Loan tranh tài tại Olympic 2022 - Ảnh: Internet

Thỏa thuận này cho phép Bắc Kinh chấp nhận việc Đài Loan tham gia Thế vận hội bằng cách "đóng khung" đoàn vận động viên của hòn đảo này như một đại diện khác của Trung Quốc, mặc dù số huy chương hai bên được tính riêng biệt.

Các vận động viên Đài Loan được yêu cầu phải thi đấu dưới một lá cờ thay thế không hiển thị biểu tượng của Trung Hoa Dân Quốc và không được dùng quốc ca.

Sau vụ bị hắt hủi ngay tại Mỹ năm 1980 thì mãi năm 1981, Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan cũng chịu tham gia các giải thế giới theo điều khoản thay đổi nói trên về danh xưng, quốc kỳ, quốc ca. Từ đó, các vận động viên từ đảo Đài Loan phải thi đấu với cái tên Trung Hoa Đài Bắc, dưới một lá cờ trắng được thiết kế mới với đường viền hoa xung quanh mặt trời và các vòng tròn Olympic ở giữa. Bài hát Olympic được phát tại các buổi lễ trao huy chương thay cho quốc ca.

Một công thức tương tự sau đó đã được áp dụng để cho phép một đội thể thao từ Hồng Kông thi đấu sau khi người Anh trao lại thuộc địa cũ cho Trung Quốc vào năm 1997 rồi sau đó công thức tương tự áp dụng Macau sau năm 1999.

Trong những thập kỷ sau đó, bản sắc Đài Loan khác biệt với Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ hơn, ngay cả khi hòn đảo này phát triển mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với đại lục. Theo một cuộc khảo sát hàng năm của Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc, tỷ lệ dân số tự xác định là người Đài Loan đã tăng lên 62%, so với 48% vào năm 2008. Chỉ khoảng 32% cư dân trên đảo tự nhận mình là vừa là người Trung Quốc vừa là Đài Loan, trong khi 3% nói rằng họ là người Trung Quốc.

dai-loan.jpg
Bà Thái Anh Văn - Ảnh: Internet

Dưới thời bà Thái Anh Văn, người nhậm chức lãnh đạo hòn đảo vào năm 2016, Đài Loan đã tìm cách củng cố vị thế trên thực tế của mình như một quốc gia độc lập.

Trung Quốc đã đáp trả bằng cách điều máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ huấn luyện thâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan và kêu gọi các nước khác cắt đứt quan hệ với hòn đảo này. Bắc Kinh cũng đã gây áp lực buộc các hãng hàng không, khách sạn, thương hiệu cao cấp và những người khác đang kinh doanh ở Trung Quốc phải dán nhãn Đài Loan như là một tỉnh của Trung Quốc trên bản đồ và các dịch vụ trực tuyến.

Nhưng không phải ai cũng hài lòng với hiện trạng. Vào năm 2018, cựu vận động viên Olympic Cheng Chi đã tiến hành một cuộc trưng cầu để đổi tên đội thành Đài Loan cho Thế vận hội Tokyo năm ngoái.

“Có phải tên đất nước của chúng ta là Đài Bắc Trung Hoa không? Tất nhiên là không”, Cheng nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Liberty Times vào năm 2018. “Trước đây, chúng tôi chấp nhận rằng một khoảnh khắc bất công đó để đảm bảo hoàn thành sự nghiệp phấn đấu”.

Cuộc bỏ phiếu đã thất bại sau khi nhiều vận động viên phản đối vì lo lắng rằng sự thay đổi này có thể khiến họ bị mất quyền thi đấu. Nhiều người nói rằng họ chỉ muốn tập trung vào cuộc thi chứ không phải chính trị.

Cái tên không làm Lee, vận động viên trượt tuyết bận tâm. Lee phát biểu: “Miễn là chúng tôi biết rõ mình là ai, vậy là đủ”.

Tại Thế vận hội Mùa đông lần này, hai vận động viên trượt tuyết đại diện cho Đài Loan nói rằng họ tập trung vào việc cố gắng hết sức, và điều đó sẽ cống hiến cho quê hương của họ tốt hơn là những tuyên bố chính trị.

Vận động viên trượt tuyết thứ 2 của Đài Loan là Ray Ho phát biểu: “Tôi không có thẩm quyền giải quyết vấn đề này, với tư cách là một vận động viên. Tôi chỉ có thể làm những gì trong khả năng của mình, đó là tập luyện và thi đấu”.

Nhưng ngay cả cái tên Đài Bắc Trung Hoa áp dụng cho đoàn thể thao Đài Loan vẫn chưa làm Trung Quốc hài lòng. Mới đây, Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc gọi đội Đài Loan đến từ “Trung Quốc, Đài Bắc”, chứ không phải thuật ngữ chính thức “Đài Bắc Trung Quốc”. Điều này đã dẫn đến sự chỉ trích từ Hội đồng hoạch định chính sách Trung Quốc của Đài Loan, cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã cố tình sử dụng tên sai.
Đài Loan lo ngại Bắc Kinh có thể “hạ cấp” địa vị của hòn đảo bằng cách đưa các vận động viên của họ vào cùng với những vận động viên đến Hong Kong – đặc khu hành chính của Trung Quốc – tại lễ khai mạc và bế mạc. Do vậy, ban đầu họ định không cử người dự 2 sự kiện này với lý do các chuyến bay bị hoãn và những quy định phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt. Tuy nhiên, dưới áp lực của IOC, Đài Loan hứa sẽ cử đoàn vận động viên dự lễ khai mạc và bế mạc
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tâm sự của các vận động viên Đài Loan khi thi đấu Olympic tại Bắc Kinh