Do áp lực mưu sinh, cả thầy và trò đều quay cuồng. Khi thiếu hứng thú dạy và học, tình nghĩa thầy trò, khó tốt đẹp.

Tản mạn chuyện giáo dục nhân ngày 20.11

Nguyễn Văn Mỹ | 20/11/2021, 12:58

Do áp lực mưu sinh, cả thầy và trò đều quay cuồng. Khi thiếu hứng thú dạy và học, tình nghĩa thầy trò, khó tốt đẹp.

Sinh ra và lớn lên giữa đồng ruộng, làm bạn với cỏ cây nhưng trẻ quê chẳng đứa nào thấy mình khổ, vì nhà ai cũng quá... nghèo. Bố tôi, nghe đâu học tới lớp tư (lớp 3 hiện nay). Mẹ tôi, dù là con gái rượu ông đồ nhưng không được đi học vì “sợ biết chữ thì viết thư cho trai”, chỉ học lỏm, nhưng đọc thông viết thạo.

Lũ trẻ quê chẳng đứa nào biết học thêm là gì. Đứa nào cũng phải tự chuẩn bị bài vở, nếu không sẽ bị thầy phạt. Từ quì trước lớp đến quất roi vào mông, bị bạn cười chê. Mẹ tôi cứ dọa “Khôn hồn thì cố học mấy chữ, sau này cho bớt khổ. Không thích học, cứ ở nhà làm rẫy, đỡ tốn tiền sách vở”. Làm ruộng thì cực nhọc, suốt ngày dầm mưa dãi nắng. Đi học được ngồi trong chỗ mát nửa ngày, sướng hơn nhiều.

Thời đó, vùng quê chỉ có tiểu học. Năm nào tôi cũng được lãnh thưởng, không học lực (từ hạng 1 đến hạng 3) thì hạnh kiểm (thường là hạng 4 hoặc 5). Chưa bao giờ biết sách báo, truyện tranh là gì. Tôi thường đọc ngấu nghiến mấy cuốn Lịch sử, Đia lý, Công dân giáo dục cũ, thay sách truyện.

Trung học, phải lên tỉnh, cách nhà gần chục cây số. Trẻ quê, đứa nào cũng quắt queo, học đệ lục mà nặng chỉ hai mấy ký. Xe đạp hạ yên hết cỡ, nhón hết chân vẫn cách bàn đạp nửa tấc. Vùng đất nổi danh “Gió như Phan”, đường vắng, gió ngược. Đạp xe vất vả vẫn sướng hơn dang nắng ngoài đồng.

Lên tỉnh học, mới biết mình khổ vì nhiều đứa giàu hơn. Trẻ phố chỉ ăn rồi học, chơi. Trẻ quê, ngoài giờ học là ra đồng. Cực nhất là mùa gặt. Cả ngày ngoài đồng, tối về phụ bố kéo khối đá hình trụ tròn nặng cả tạ để trục lúa. Xong việc, có khi gần nửa đêm. Mệt quá, ngủ vùi mấy tiếng, 4 giờ rưỡi sáng, lùa đi nhà thờ, 6 giờ đi học.

Không biết học bài vào lúc nào. Thầy ở phố, không hình dung hết, cứ tưởng trẻ quê lười, phạt tới bến. Học cả ngày, trưa ở lại trường. Bữa trưa thường là bánh mì không hoặc bún chan nước mắm chua ngọt. Không ít lần phải nhịn đói. Chẳng đưa nào dám mang cơm nhà theo ăn vì sợ bạn cười. Trời mưa, không dám choàng áo tơi hoặc nilong như làm đồng vì sợ quê. Ướt thì cởi quần áo vắt hết nước. Vào học vài tiếng đồng hồ là khô.

Có vài đồng lẻ dằn túi, mùa nắng đạp xe, đói khát vẫn cố nhịn vì bố mẹ kiếm tiền quá cực, không dám xài. Quần áo một bộ rưỡi, mua ngoài chợ, loại rẻ tiền. Mặc cảm với bạn bè nên giờ chơi cứ ngồi lì trong lớp. Sau này nghĩ lại, mới biết mình tự làm khổ mình, bạn bè không ai để ý mấy chuyện đó.

Lên đệ ngũ (lớp 8 hiện nay), tôi may mắn được học môn văn với thầy Phạm Ngọc Hà, dạy văn cực hay. Thầy thường cho bài về nhà bình giảng. Bài nào hay được chọn làm bài học, đọc cho cả lớp nghe và chép vào tập. Tôi được học và thuộc lòng những bài thơ dài như Nhà tôi (Yên Thao), Lỡ bước sang ngang (Nguyễn Bính), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm)… cho đến bây giờ.

Giờ học thầy, lúc nào cũng mới lạ hấp dẫn. Có những bài văn cực hay, thầy sưu tầm, chép ra từ nhưng tờ báo cũ như bài Tâm sự (Linh Lan) cho lớp học. Văn xuôi mà âm điệu hơn thơ. Có lần, tôi và vài đứa khác, được thầy đưa về nhà thầy chơi. Còn hơn cả phần thưởng lớn. Căn nhà nhỏ, ấm cúng ở con đường nhỏ, của tỉnh nhỏ. Lần đầu tiên, tôi được ăn bữa cơm với miếng thịt to bằng bàn tay mình. Bữa cơm ngon nhất trong đời. Mấy chục năm sau, mới biết đó là món cốc lết chiên nước mắm.

Sau 1975, thầy phải nghỉ dạy. Năm 1998, sau bao năm dò hỏi, mới biết thầy đi kinh tế mới. Tìm gặp, tặng chút quà mọn. Thầy bảo “30 năm rồi mới được ăn lại sầu riêng. Tôi vẫn dõi theo hoạt động của em trên radio, kể cả đài nước ngoài”. Gặp lại nhau, thầy trò mừng khôn xiết. Trong thư thầy gửi tôi có đoạn viết “Hồi xưa, em ít nói, hiền như con gái, hơn cả con gái. Bây giờ thì khác hẳn”. Thầy vui vì biết tôi làm giám đốc vẫn hai lúa, bình dị. Thầy dặn “Có bình minh rồi sẽ có hoàng hôn. Mình phải sống để hoàng hôn cũng an nhiên đón nhận”. Thấy mất đã hơn chục năm, những những lời thầy dặn, tôi luôn ghi lòng tạc dạ.

Nửa thế kỷ sau, tôi nghiệm ra, năng khiếu nhiều khi bắt nguồn từ thầy dạy. Thầy dạy môn nào hay thì học trò hứng khởi, thích học môn đó. Tốt nghiệp tú tài 2, hạng bình (khá nhất trong làng từ nào tới giờ). Mẹ nghẹn ngào bảo “Sức bố mẹ chỉ có vậy, không thể nuôi con học tiếp” vì còn cả tiểu đội em, đang tuổi ăn học. Tôi òa khóc “Mẹ lo cho các em giúp con. Con sẽ vào Sài Gòn tự lo” dù chưa biết sẽ lo như thế nào.

Muốn học y nhưng không đủ tiền. Học sư phạm sợ rớt (thời đó sư phạm lấy điểm rất cao), đành học luật. Hồi nhỏ, đi học để khỏi ra đồng. Học đại học để khỏi đi lính. Sài Gòn đã hào nghĩa đón nhận tôi như đã từng cưu mang biết bao thế hệ, chọn mảnh đất này để mưu sinh, nuôi khát vọng đổi đời. Sài Gòn nhiều cám dỗ, cạm bẫy nhưng cũng có vô vàn điều quý giá, bổ ích, không nơi nào có được, nếu có nghị lực và biết chắt lọc.

Tôi bỏ học, thoát ly, mải mê theo cách mạng với lý tưởng trên cả tuyệt vời. Tình nguyện đi bộ đội “xuất ngoại” qua Campuchia; suýt chết mấy lần, có lần tưởng bị bắt sống. Tôi về lại Thành Đoàn, chín chắn hơn, bớt sân si. Giật mình, hoảng hồn đi học sư phạm để khi làm việc với các trường mình cũng là nhà giáo, ít nhất là danh nghĩa.

Tôi rẽ ngang làm du lịch vì nghề chọn mình. Từ trại hè Thanh Đa, thấy nhu cầu vui chơi du lịch của thiếu nhi và phu huynh quá lớn, tôi lập dự án thành lập Trung tâm Dã ngoại Lửa Việt, khởi nghiệp từ sự kiện nhật thực năm 1995. Làm chơi nhưng hiệu quả thật. Áo quá chật, phải ra riêng với lý do lãng xẹt “Thành Đoàn không thể có 2 công ty du lịch”. Phải sáp nhập với Du lịch Thanh niên, trong khi tôi muốn đi con đường riêng.

Phải buộc rời Thành Đoàn, tôi chọn ngày 26.3 làm ngày thành lập công ty, để nhắc nhở nguồn gốc của mình. Thời đó, du lịch nội địa bị chê, không ai làm. Không được học gì về du lịch, cứ làm đại bằng cả nhiệt thành như một thứ tôn giáo nghề nghiệp nhưng hiệu quả bất ngờ. Du lịch nội địa bắt đầu khởi sắc, nhiều công ty ra đời, các trường đại học đồng khởi, mở khoa du lịch.

Tôi được mời thỉnh giảng kiểu đặc cách vì chỉ có bằng đại học tại chức. Các thầy cô thừa bằng cấp nhưng trái ngành hoặc không có thực tế. Có tuần tôi phải dạy 10 buổi, hơn cả giáo viên cơ hữu. Từng bị nhiều thầy mắng oan, tôi không muốn đi vào vết xe cũ. Hồi nhỏ, tôi toàn được học thầy, lên đại học mới được học với cô.

Đi dạy, tôi luôn tìm hiểu kỹ người học. Từ lý do chọn nghề, chọn ngành, chọn trường cho đến tâm tư, nguyện vọng, khó khăn. Việc gì cũng có nguyên do, từ việc vắng mặt, bỏ học hay chưa làm bài, đi trễ… Đi dạy tỉnh, tôi thường chọn những sinh viên khó khăn nhất, đến thăm nhà, ăn cơm cùng gia đình và động viên các em.

Kết thúc các môn học ở thành phố, tôi thường rủ sinh viên cùng đi ăn chè, ăn cơm bụi. Có lúc mời các em về nhà dùng cơm. Với tôi, đi dạy cũng là tự học, phải chuẩn bị bài và học được từ sinh viên nhiều thứ. Đi dạy còn là cách chủ động, tìm người giỏi, mời về công ty, không đợi các em ra trường.

Những năm gần đây, tôi đi dạy ít dần vì giáo viện du lịch dư thừa. Được hợp thức hóa bằng danh xưng “Giảng viên-Doanh nhân”, vẫn được mời giảng, nhưng sự học ngày càng xuống. Học phí ngày càng tăng, kể cả trường mang danh công lập. Đạo đức, trật tự xã hội ngày càng xuống cấp. Giáo dục không còn như vài chục năm trước; đi học không thải mái nên đi dạy bớt hứng thú.

Do áp lực mưu sinh, cả thầy và trò đều quay cuồng. Đa phần các em học để lấy bằng. Thầy cô chú trọng nghiệp vụ đơn thuần, ít quan tâm đến kỹ năng cuộc sống, chưa truyền được lửa nghề. Khi thiếu hứng thú dạy và học, tình nghĩa thầy trò, khó tốt đẹp.

Thầy cô nhiều khi sợ học trò lẫn phụ huynh. Có người bảo đó là lỗi hệ thống. Không ít thầy cô, trước áp lục và môi trường nhiễu nhương, không còn giữ được những phẩm chất thầy mà tổ tiên đã trân trọng với nghề giáo. Mà đâu chỉ nghề giáo. Nghề y càng tệ hơn, dù cũng được gọi là thầy. Dịch bệnh càng phơi bày những yếu kém việc quản trị trên mọi lĩnh vực. Tất cả đều có nguồn cội từ giáo dục. Nếu không khẩn trương chấn hưng hiệu quả, hậu họa khôn lường.

Xin mượn lời Nelson Mandela (1918-2013) để cảnh báo.

"Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới. Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.
- Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy.
- Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy.
- Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy.
- Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy.
- Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy.
-Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tản mạn chuyện giáo dục nhân ngày 20.11