Tết, cái từ nghe thân thương và nôn nao quá đỗi, và với nhiều người dân Việt, Tết Âm lịch mới là nhất.
Cái gì đã quá đỗi thân thương, thấm đẫm vào tâm khảm, thì khó bỏ. Tết, tết, tết, tết đến rồi! Nghe nôn nao quá mức… Ai cũng mong tết, mong những đứa con làm ăn tha hương tứ xứ, những ngày đó sẽ quay về. Bên bàn thờ, bên bếp lửa, tiếng cười nói xôn xao…
Con người ta sinh ra trên đời này, sống để làm gì? Nhiều người nói rằng, có 2 thứ mà con người phải làm - để họ “được” sinh ra, đó là kiếm sống và truyền giống. Kiếm sống xem như là chuyện không bàn cãi. Đến con gà còn phải cật lực, ngày ngày bươi đất kiếm từng hạt thóc. Con chim trên cành tẩn mẩn quan sát từng chiếc lá cây để nhặt cho bằng được những chú sâu. Không kiếm sống thì có mà chết! Còn truyền giống? Nếu vạn vật trên cõi đời này không biết sinh sản, nhân giống, thì cả quả địa cầu chỉ toàn đất, đá…
Nhưng con người sinh ra, còn có nhu cầu mãnh liệt và phải thực hiện được, đó là hưởng thụ. Kiếm sống cật lực, ngồi trên cả đống tiền… để làm gì, chỉ để tối tối vợ chồng quần quật với nhau trên giường để truyền giống? Dù rằng cái sung sướng tuyệt vời từ “nhiệm vụ” truyền giống cũng là cái thứ đáng hưởng thụ, nhưng nó không phải là đủ. Hưởng thụ, đó còn là ăn ngon, mặc đẹp, đi xe sang,.. và hưởng thụ tinh thần.
Lì xì ngày Tết - Ảnh: Hồ Hùng
Tết là dịp để nhiều người tha hồ hưởng thụ về mặt tinh thần. Trước tết, người ta đã ngày ngày háo hức, sắm thứ này, mua thứ kia, chuẩn bị đón tết. Cặp dưa chưng, mua được rẻ mà đẹp đã là sướng với hàng xóm. Những tấm liễn, cây nêu trang hoàng rực rỡ, cả xóm làng như thay màu áo mới. Đêm giao thừa - cái thời khắc thiêng liêng mà cả 1 năm dài người lớn kẻ nhỏ ai cũng chờ cũng đợi!
Cánh đàn ông nhâm nhi mấy cái ly cay cay kể tiền lời, khoe “chiến tích” làm ăn cả năm qua... Nhóm đàn bà chạy lẹt tẹt châm thêm củi cho nồi thịt bắc vội bên gốc mai già nở vàng rực cả bóng đêm. Chút lại bỏ thêm nải chuối, trái mãng cầu lên mâm cúng ông bà cho thêm phần… long trọng.
Gia đình vui vẻ sum họp ngày Tết - Ảnh: Hồ Hùng
Cái thú ngồi lai rai, ngóng từng cơn gió xuân thổi xào xạc đám chuối sau hè, nghe từng bước chân rộn rã về nhà chờ giao thừa, nghe tiếng hỏi thăm con Tư, con Sáu ở Sài Gòn mới về ăn Tết, thấy đã làm sao… Ai cũng nô nức. Trong nhà vẫn cái bàn đó, cái tủ này, sao thêm cái mâm cúng, mấy cây nêu, miếng liễn đỏ chét, thêm nhánh mai vàng rực, thấy cái sự sung sướng sao gần mình lắm thế!
Ngày tết, con cháu quây quần, có người mấy năm trời mới gặp lại, chén rượu nâng tay, bếp lửa ấm nóng cả ngày, tiết trời trên cả tuyệt vời, gió hây hây… Khoái lạc nào bằng? Ngay cả thiên nhiên, hình như cũng không hẹn mà cùng nhau góp phần giúp cho những ngày Tết Âm lịch tăng phần “cực lạc”. Ở miền Tây, những ngày tết, trên nhiều con sông, nước cứ lững lờ trôi, sương phủ mờ mờ, sông như trở thành hồ, cực kỳ đẹp và hầu như không mùa nào có!
Cả năm mới có một dịp như vậy! Con người có lẽ cần được hưởng những ngày tết ấm cúng và sum vầy! Thiệt! May mà còn có đôi ba ngày Tết, dù nó sẽ lặng lẽ trôi qua không ai cưỡng được. Và một khi thử nghe bài hát này (Ngày tết quê em), có ông chủ nào nỡ lòng bắt nhân viên đi làm trong những ngày tết?
… Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi
Đàn em thơ khoe áo mới
Chạy tung tăng vui pháo hoa
Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam
Dù đi đâu ai cũng nhớ
Về chung vui bên gia đình…
Mừng ngày Tết phố xá đông vui
Người đi thăm, đi viếng, đi chơi
Người lo đi mua sắm Tết
Người dâng hương đi lễ chùa
Mừng ngày Tết ta chúc cho nhau
Một năm thêm sung túc an vui
Người nông dân thêm lúa thóc
Người thương gia mau phát tài...
Mấy chục xuân qua. Tóc có lấm chấm bạc đi chăng nữa, cũng chẳng thể quên hạt lúa quê hương. Quên làm sao trái ổi cuối mùa ngọt, chua tê đầu lưỡi, quên làm sao được những con cá trắng lao xao mùa nước nổi… Và đương nhiên, không ai có thể quên những ngày tết quê mình.
Dù đô thị có đổi thay cách mấy đi chăng, đường phố quê giờ có đầy ô tô “bay lượn”, nhưng vẫn có đó bao mái tranh nghèo, những mái đầu bạc phơ ngày ngày cặm cụi kiếm miếng cơm manh áo, chỉ mong cái tết sắp tới ấm cúng hơn...
Chẳng ai có thể lạc lõng khi mà nơi nào cũng đầy rẫy những sắc mai đào ngày Tết, dù có thể sắc hoa có nhạt đi đôi chút… Với nhiều người dân miền Tây, dù có ở đất miền Tây quê hương, hay phiêu dạt tận Sài Gòn hoa hội, ai cũng có thể ngẩng cao đầu nếu còn ý chí, còn chấp nhận không đầu hàng số phận…
Và gần như với tất cả họ, động lực để cả 1 năm trời nai lưng, quần quật “cuốc cày”, chỉ là để có cái tết sắp tới huy hoàng. Tết, còn là động lực khiến nhiều người nhớ về nó mà phấn đấu, mà làm việc - ngoài động lực chính là tích lũy cho gia đình, con cái!
Nói vòng nói vo như vậy, bởi gần đây, một số người đã đề xuất nên nhập Tết Âm lịch vào Tết Tây (Dương lịch), để chỉ ăn một cái tết như người Nhật cho tiết kiệm, tránh nhiều ngày nghỉ lê thê. Theo quan điểm của họ, đúng là cái không khí Tết Âm lịch hay thật, nhưng nếu mọi người có việc làm ra tiền, thì không ai dại gì cứ vui chơi mãi.
Khung cảnh miền Tây ngày Tết - Ảnh: Hồ Hùng
Theo họ, ngày tết kéo dài chỉ thích hợp cho những người rảnh rỗi, không việc làm, hoặc người làm việc hụ hợ. Người có việc làm và làm việc với cả lương tâm của mình luôn luôn thấy thì giờ của mình quá ít, không thể có thì giờ vui chơi kéo dài được.
Như giáo sư - tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, cho rằng: “Ở nước ta trong thời gian 10 năm trở lại đây, tôi thấy Chính phủ có cho cử hành ăn Tết Tây như các nước Tây phương (vui giao thừa, đếm lùi, bắn pháo hoa) và Chủ tịch nước chúc Tết toàn dân.
Rồi đến Tết âm lịch lại tốn ngân sách một lần nữa để bắn pháo hoa đêm giao thừa, rất tốn kém”. Do đó, theo ông, chỉ nên nghỉ Tết Âm lịch, sum họp gia đình 1 ngày mùng 1, sau đó làm việc trở lại bình thường, và nên ăn tết vào ngày Tết Dương lịch.
Quan điểm này hoàn toàn không sai, bởi tiết kiệm, luôn là quốc sách. Nhưng với đa phần người Việt, đều có phần “lạnh nhạt” với Tết Dương lịch, chỉ háo hức với Tết Âm lịch, đề xuất này có khả thi? Hầu như với nhiều người, Tết Dương lịch chỉ là… ngày nghỉ, không hơn không kém, không ai sắm sửa, trang hoàng nhà cửa gì cả. Tết Dương lịch, không có những vạt nắng vàng nhẹ, chẳng có cơn gió lành lạnh…
Và với cái Tết Âm lịch chỉ nghỉ được 1 ngày, những người con phương xa, tứ xứ làm sao xoay xở đủ thời gian mà vượt hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số mà cùng về sum họp với gia đình? Trong năm, họ có thể xin nghỉ để về thăm nhà, nhưng chẳng lẽ các anh chị em đồng loạt… xin nghỉ cùng lúc để cùng góp mặt? Chỉ có dịp tết! Thế nên, có thể, chỉ nên xem xét giảm bớt số ngày nghỉ Tết Âm lịch, đã là tiết kiệm…
Tết đem lại thu nhập cao cho nông dân trồng hoa kiểng - Ảnh: Quang Lợi
Thử đặt trường hợp sau này, chỉ được nghỉ ăn Tết Âm lịch 1 ngày, để tập trung ăn Tết Dương lịch như nhiều quốc gia khác, có thể người dân cũng phải học làm quen. Nhưng mỗi dân tộc, có bản sắc văn hóa riêng, thời tiết khác biệt, “mỗi nhà mỗi cảnh”... Và, khi cái nhu cầu hưởng thụ sau cả năm trời làm việc cật lực của họ không còn, chắc không ít người buồn…
Tết, cũng là dịp để hàng trăm, hàng triệu nông dân, người nghèo… kiếm tiền. Những cành đào, những chậu mai, giò cúc, mớ quýt chưng, dưa hấu, bánh mứt… tha hồ mang ra chợ bán. Tết, không chỉ nhìn ở mặt tiêu cực là tiêu xài phung phí, không tiết kiệm, mà phải nhìn những gì đem lại cho cả những nông dân, tiểu thương, chỉ có tết là dịp kiếm tiền…
Hồ Hùng