Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak vừa chiến thắng trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và sẽ trở thành Thủ tướng Anh.

Tân Thủ tướng Anh có cách gì đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng?

Cẩm Bình | 25/10/2022, 15:20

Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak vừa chiến thắng trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và sẽ trở thành Thủ tướng Anh.

Ông Sunak dự kiến chính thức nắm quyền từ ngày 25.10, sau khi diện kiến Vua Charles III.

Thách thức kinh tế

Tân Thủ tướng Sunak nhậm chức trong bối cảnh kinh tế Anh đang chịu áp lực từ suy thoái cùng lãi suất tăng. Ngân hàng trung ương vất vả kiểm soát lạm phát hiện ở mức 2 con số, người dân đối mặt với chi phí gia tăng nhưng thu nhập thực tế lại giảm.

Đảo quốc sương mù còn phải khôi phục niềm tin của thị trường tài chính đã bị tổn hại nghiêm trọng vì kế hoạch cắt giảm thuế và trợ giá năng lượng đắt đỏ của người tiền nhiệm Liz Truss.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt ngân sách xấu đi bởi chi phí đi vay tăng cao, tân Thủ tướng Sunak phải giám sát nỗ lực cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.

sunak.jpg
Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak - Ảnh: Reuters

Chính sách kinh tế

Trong giai đoạn giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ tháng 1.2020 - 7.2022, chính trị gia Sunak cảnh báo Anh sắp phải chịu gánh nặng thuế lớn nhất từ những năm 1950 đến nay. Ông đặt ra mức chi tiêu công cao hơn nhưng cũng cam kết quản lý chặt hơn, đồng thời tiến hành cắt giảm lãng phí.

Ở lần tranh cử mùa hè vừa qua, chính trị gia Sunak tuyên bố sẽ chỉ giảm thuế khi lạm phát được kiểm soát. Thời điểm đó ông vạch ra kế hoạch giảm thuế thu nhập từ 20% xuống 16% vào năm 2029.

Ông cũng ủng hộ ngân hàng trung ương có mức độ độc lập nhất định, chính phủ cùng với ngân hàng trung ương chung tay kiềm chế lạm phát.

Thách thức chính trị

Thách thức đầu tiên là phải kiểm soát được đảng Bảo thủ chiếm đa số ở quốc hội nhưng lại chia rẽ sâu sắc quanh hàng loạt vấn đề như Brexit, người nhập cư, quản lý kinh tế...

Việc tăng thuế bị một số đảng viên Bảo thủ phản đối mạnh mẽ, vài đảng viên khác phản đối cắt giảm chi tiêu ở lĩnh vực quan trọng (y tế, quốc phòng).

Tân Thủ tướng Sunak ủng hộ Brexit, nhưng phe hữu trong đảng đánh giá ông quá thân thiện với Liên minh châu Âu (EU).

Vấn đề giao thương với Bắc Ireland vẫn còn đang được đàm phán. Tân Thủ tướng Sunak sẽ chịu áp lực sửa đổi một phần thỏa thuận Brexit ban đầu mà không phải nhượng bộ EU về vấn đề giao thương với Bắc Ireland.

Ông cũng đối mặt với tiếng nói kêu gọi kiểm soát người nhập cư - vấn đề đảng Bảo thủ xác định sẽ giúp họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Chính sách chính trị

Ngày 23.10, tân Thủ tướng Sunak đưa ra thông điệp “sửa chữa nền kinh tế, đoàn kết đảng, cống hiến cho đất nước”.

Về vấn đề Bắc Ireland, ông trình quốc hội một dự luật không tuân thủ thỏa thuận Brexit ban đầu dù vẫn cố gắng đàm phán với EU. Liên minh chỉ trích dự luật rất mạnh mẽ.

Trước đó ông từng cam kết bảo vệ tiến trình Brexit và thành lập một đơn vị chính phủ phụ trách tìm kiếm những quy định EU còn lại trong luật pháp Anh.

Hồi tranh cử mùa hè qua, tân Thủ tướng Sunak tuyên bố thấy tự hào bản thân là người nhập cư. Tuy nhiên ông tin rằng Anh phải siết chặt kiểm soát biên giới, giữ nguyên chính sách đưa người nhập cư sang Rwanda.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tân Thủ tướng Anh có cách gì đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng?