Truyện ngắn của Phan Hồn Nhiên

Tan tiệc

Một Thế Giới | 16/03/2014, 12:04

    Truyện ngắn của Phan Hồn Nhiên

1.Bữa tiệc bắt đầu vào lúc bảy giờ ba mươi, tối thứ Sáu.

Tầng hầm, được đặt riêng cho bữa tiệc kỷ niệm của công ty, lúc này gần như chật kín. Sau các màn chào hỏi qua lại giữa các nhóm người, những cái bắt tay và các lời chúc tụng, tất cả về chỗ. Thay cho các phát biểu nhàm chán, bộ phim tài liệu ghi lại hoạt động hai mươi năm qua của công ty quả là ý tưởng không tồi. Từng nhóm người tụ tập bên những ly vang đỏ, chìm vào các chủ đề ưa thích, thỉnh thoảng nhìn lên màn hình rộng chiếm trọn mảng tường, chờ đợi hình ảnh chính mình sẽ hiện lên trong vài giây.

Duy nhất một chiếc ghế trống. Vị trí gần như tốt nhất, dễ dàng bao quát tầng hầm đồng thời vẫn có thể ngoảnh sang cửa sổ, ô kính xám đục có tầm nhìn ngang vỉa hè.

Vì đến muộn, cô gái trẻ ngồi vào chiếc ghế ấy. Nhóm người cô vừa gia nhập không đồng nhất tuổi tác. Một số ngấp nghé trung niên, ngạo mạn và từng trải. Vài đôi mắt sắc bén đang ở đỉnh cao nghề nghiệp. Và cô trẻ nhất, vẫn còn phảng phất vẻ ngờ vực lẫn nét rụt rè của người đi làm chưa lâu. Tuy nhiên, nụ cười cho thấy bọn họ thuộc về một khối.

Đúng lúc ly vang đỏ của cô mang ra, màn hình điện thoại loé sáng. Tạm thời tách ra bằng cách quay về ô cửa, cô trả lời cuộc gọi. Sau vài câu chào hỏi thông thường, cô hạ giọng:

“Ông nên đến đây. Người ta đang chiếu bộ phim do ông lên ý tưởng. Mọi thứ đang rất dễ chịu. Không ồn ào cũng như không có những kẻ gây rối”.

Đầu máy bên kia nói gì đó khá lâu, hoặc giữa những câu nói ông ta im lặng khá lâu. Cô nhìn ra vỉa hè ngoài ô kính, nơi các đôi giày đang bước đi với đủ mọi tốc độ nhanh chậm. Những con người vừa rời các cao ốc giờ đây lê bước về nhà sau ngày làm việc muộn. Những kẻ hối hả lao đến các không gian hứa hẹn trò vui phấn khích. Và một vài chuyển động ngập ngừng của trạng thái tiến thoái lưỡng nan. Tất cả gợi nên ấn tượng về một thế giới không biết dừng lại, kiệt sức nhưng vẫn điên rồ.

Bên kia lên giọng cao hơn đôi chút, cô mới lại tập trung:

“Nếu ông không thể tới đây, khoảng chín mươi phút nữa, tôi sẽ đến gặp ông”.

Cô gái trẻ nói thêm vài lời trấn an, sau đó kết thúc cuộc gọi. Khi quay lại, những đôi mắt quanh bàn chăm chú nhìn cô.

“Ông ấy vẫn bình thường chứ?”.

“Không ổn lắm. Đang ở gần đây. Nhưng ông ấy sẽ không đến đây”.

“Cô sẽ đến gặp ông ấy?”.

“Có lẽ”.

Cô liếc nhìn đồng hồ trên điện thoại. Sau buổi tiệc, cô dự định ghé qua căn hộ của bạn trai, dọn bếp, hút bụi sau đó sẽ ngủ lại. Cô đang mặc bộ trang phục dễ coi. Bạn trai cô sắp trở về sau chuyến công tác. Một viễn ảnh dễ chịu, ít nhất dễ chịu hơn so với việc ngồi trong quán cà phê cũ xưa, tham gia cuộc đối thoại mà cô có thể đoán trước nội dung với vị đồng nghiệp lớn tuổi.

“Tại sao ông ấy không chọn ai khác, mà phải là cô?”.

Câu hỏi vang lên từ góc bàn, không che giấu tò mò.

“Vì cô nghe lời ông ấy? Hay vì cô trẻ nhất trong chúng ta và gợi nên xúc cảm? Một phức cảm cấm kỵ, như chúng ta thường nói, nguỵ trang dưới mối quan hệ của bậc thầy với một đệ tử non nớt nhưng hấp dẫn bởi chính sự non nớt ấy?”.

Giai đoạn ngạc nhiên, sợ hãi hay tổn thương cô  đều đã vượt qua. “Nếu giải thích, suốt đời cô sẽ phải lặp lại cái trò chán ngán ấy và mắc kẹt trong các biện minh”, vị đồng nghiệp lớn tuổi từng nhận xét, hồi cô còn là thực tập sinh tại văn phòng ông quản lý.

Từ chỗ ngờ vực và bối rối, cô bắt đầu thử nghiệm vài chỉ dẫn ông cô đúc, trong các việc lớn nhỏ. Khi cô thành công, ông mỉm cười. Khi cô thất bại, ông mỉm cười. Và lúc này, nụ cười ấy cũng lảng vảng quanh cái ghế cô ngồi, hoặc trên gương mặt của chính cô.

Một ai đó đề nghị đừng nói gì thêm về vị đồng nghiệp vắng mặt. “Nếu ông ấy không muốn gặp chúng ta, tại sao chúng ta phải dành sự bận tâm cho một người không còn gặp lại nữa?”. Vài tiếng thở dài nhẹ nhõm. Những cốc rượu đầy chạm nhau tạo nên thanh âm trầm đục, ngân dài, như một người nhảy xuống mặt nước phẳng lặng và chung quanh không trông chờ nhìn thấy kẻ liều mạng sẽ ngoi lên lần nữa.

Các mẩu ký ức của các thành viên tiếp tục móc nối vào nhau. Mặc dù tên vị quản lý kỳ cựu gần như không được nhắc đến, thì ông ấy vẫn nhẹ nhàng bước đi, gạt bỏ các tính từ, len lỏi giữa các danh từ và động từ, cho đến một lúc thì ông đã ngồi bên bàn, dựa hẳn vào lưng ghế, đôi mắt xám yên tĩnh hấp háy sau lớp kính mỏng. Như thể chưa từng có sự kiện mà giờ đây các nhân viên của ông cùng tránh nhắc tới, khi ông đột ngột rời bỏ nhiệm sở và từ đó đến nay vẫn chưa một lần quay lại.

***

2.Gần hai năm trước, văn phòng của họ nhận dự án thiết kế đặc biệt. Nếu bản vẽ được chủ đầu tư chọn, họ sẽ mang về bản hợp đồng đáng giá cho công ty.

Ê-kíp không nghi ngờ về thành công sẽ đến. Họ từng thực hiện hàng loạt đồ án tương tự, dưới sự điều phối không thể tốt hơn của nhà thiết kế sừng sỏ kiêm quản lý phòng. Cô, thời điểm ấy vừa xong giai đoạn thực tập sinh, cũng hăm hở lãnh phần việc thuộc về kỹ thuật. Khi cộng sự chuyển bản vẽ cùng các thông số dày đặc, cô biến chúng thành hình ảnh 3D, đặt vào bối cảnh thực tế.

Trong phòng máy, chỉ có nhà thiết kế lớn tuổi và cô. Projector hoạt động. Khu biệt thự hiện trên màn hình lớn. Thứ kiến trúc khá lạ lẫm với đường thẳng, mặt cong, các khối trong suốt dựng lên theo kiểu tương phản lẫn chuyển tiếp và nhắc lại. Vẻ rời rạc lỏng lẻo cố ý đượm nỗi hoài nhớ không rõ nguồn cơn. Nét ngộ nghĩnh trẻ thơ trước kia chưa từng bộc lộ…

Từ lúc ê-kíp bắt tay vào dự án, vị đồng nghiệp lớn tuổi không phân tích sâu ý niệm thiết kế đưa ra. Tuy nhiên, chiều hôm ấy, trực giác giúp cô, người non nớt, đọc rõ hàm ý phía sau sự chính xác trần trụi, về một cái nhìn ngược với thói quen thị giác, về thái độ giễu cợt kín đáo chìm khuất dưới vẻ bóng bẩy của kỹ thuật hiện đại. Trong khi cô cố định các chỉnh sửa cuối cùng, ông bỗng phá vỡ sự im lặng:  

“Giá như tôi có thể bỏ hết các đồ án này. Nhưng không còn thời gian nữa”.

Nữ nhân viên trẻ sững sờ. Giọng vị thiết kế lớn tuổi như phát ra từ thiết bị ghi âm:

“Tôi đã làm đúng. Mọi người đã làm đúng. Nhưng kết quả cuối cùng lại không đúng. Khách hàng sẽ thích. Người ta sẽ thích. Nhưng tôi hoàn toàn không thích”.

“Công ty sẽ thắng với đồ án thiết kế này. Ông không hài lòng về điều đó?”.

“Luôn là như thế”. Ông so vai như bị lạnh. “Cô hiểu những điều như vậy chứ?”.

Cô không hiểu, nên chỉ hỏi lại đơn giản:

“Ông đang mệt mỏi? Tôi có cần lấy cho ông cốc trà nóng?”.

“Tôi không mệt mỏi. Tôi chỉ thấy hình như không thuộc về nơi này nữa”.

Ông đứng dậy, rời ghế, ra khỏi phòng máy, không một tiếng động.

Đúng như dự kiến, bản vẽ dành về hợp đồng cho công ty tư vấn thiết kế.

Thời gian nối tiếp là những ngày hài lòng. Trở thành một thành viên chính thức của ê-kíp kiêm trợ lý, cô bắt đầu nghe, hiểu một vài khía cạnh trước kia chưa từng nghĩ đến. Nhưng, cô thường bỏ ngoài tai các nhận xét thì thầm về vị đồng nghiệp lớn tuổi, về thói háo danh lạnh lẽo hay tính cầu toàn khắc nghiệt của ông, về những bất ổn gia đình gần đây bị che đậy, về tuổi già đi cùng nguy cơ cạn kiệt ý tưởng đã ở gần.

Vị trí kỹ thuật viên trong văn phòng cho phép cô tiếp xúc ông nhiều, quan sát ông ở tầm  gần hơn, cả về chuyên môn lẫn thói quen sinh hoạt. Cô mơ hồ nhận ra ông vừa là những gì người ta bàn tán, vừa khác xa kiểu phác thảo chân dung thô bạo. Vì ông thường làm việc muộn nên cô cũng ở lại văn phòng.

Lần nọ, khi bước nhẹ sau lưng ghế, cô nhận ra ông ngồi im trước màn hình. Cô khẽ lên tiếng, nói với ông rằng cô cần rời khỏi đây để đến cuộc hẹn. Vị đồng nghiệp lớn tuổi ngoảnh lại, nhìn cô vài giây, chợt hiểu cô đang nói về điều gì.

“Cuộc hẹn với bạn trai. Anh ấy đã kết thúc chương trình học và vừa về nước”.

“Hai người lấy nhau chứ?”.

“Nên như thế. Đó là thứ chúng tôi nhìn thấy và cố gắng để hạnh phúc”.

“Nhưng có vài thứ cô không thể nhận ra.” Ông bỗng trở nên gay gắt. “Còn khi cô nhận ra, thì đã quá muộn”.

“Nó là gì?”. Cô thoáng sợ hãi.

Thái độ trầm tĩnh cùng cách nhìn lý tính của ông lâu nay cho biết ông không thích đả động các vấn đề mơ hồ, vượt ngoài tầm nắm bắt của một đầu óc non nớt. Nhưng lúc ấy ông trông như cốc trà mỏi mệt tràn đầy, còn trên mặt bàn, ngón tay ông chậm rãi mô phỏng hình ảnh một đôi chân bước đi:

“Mọi thứ với cô đang bắt đầu. Một sự nghiệp phía trước. Một người hiểu biết sẽ sống cùng cô. Một hoặc vài đứa trẻ cô sẽ có. Giữa các cột mốc ấy là buồn vui lo toan vô số. Thế rồi một ngày, khi cô ở vị trí cô đã dành bao nhiêu năm tháng để đi tới, cô bỗng tự hỏi hết thảy những gì đang có dùng để làm gì. Cô muốn thay đổi. Nhưng chung quanh không cho phép. Và cô cũng chẳng còn bao nhiêu sinh lực làm điều mình muốn”.

“Đó là tình trạng của ông hiện tại?”.

“Phải. Tôi biết rõ mình nghĩ gì. Tuy nhiên bác sĩ lại cho rằng tôi bị trầm cảm. Vợ và các con tôi cũng tin tôi cư xử bất thường, cần phải điều trị”.

“Ông đang làm việc rất tốt”. Cô nhìn bản đồ án bất động trên màn hình, với các đường gạch chằng chịt.

“Phải, tôi đang tìm cách thay đổi”. Đôi mắt sau lớp kính mờ đi. “Giờ thì cô nên chạy đi thôi”.

Suốt quãng đường từ văn phòng đến điểm hẹn, cô rảo nhanh với ý nghĩ đeo bám, rằng bước chân mình chính là màn hiện thực hoá chuyển động những ngón tay tái xanh của vị quản lý. Và cô bắt đầu nghĩ về con đường đi đến sự vô định.

Như lúc này đây, giữa bầu không khí thân mật của tiệc kỷ niệm, cô vẫn quan sát những đôi chân bên ngoài ô kính và lờ mờ nhận ra, ngay cả khi rời bỏ văn phòng một cách vô lý, thì vị đồng nghiệp lớn tuổi không thực sự vô lý, cho dù các quyết định của ông, các hành động của ông gây nên ác cảm ngấm ngầm và sau đó là phản ứng gay gắt từ những người chung quanh.

***                                                        

3.Mọi người lại nâng cốc, cùng cạn ly.

Tựa những đợt sóng dâng lên và lùi xa, tiếng cười nói êm ả cuốn nhóm người quanh bàn trôi dạt đến các mỏm ký ức khác. Về mối quan hệ thăng trầm giữa họ trong các năm qua, các đứt gãy và hàn gắn để giờ đây mọi người vẫn hài lòng về ê-kíp.

Một người chợt hướng về thành viên trẻ nhất: “Có một thời gian bọn tôi nghĩ cô được chọn vào văn phòng bởi mối quan hệ trên mức công việc với vị quản lý khó tính”.

Cô nhún vai: “Quả thực ông ấy không phù hợp với mô-típ như vậy”.

Vài cái đầu gật gù. Một trong số họ tiết lộ tiếp: “Nhưng cô cũng nên biết, chúng tôi không dễ chịu lắm khi cô được chọn vào chuyến công tác ba tuần Bắc Mỹ. Lẽ ra suất đi thuộc về ai đó trong chúng tôi. Dù sao mọi việc đã qua. Chúng tôi cũng hiểu cô chỉ là nạn nhân ngẫu nhiên của các quyết định kỳ quặc, mọc ra từ chứng trầm cảm của ông ấy thôi”.

Uống hết cốc thứ hai. Đã lót dạ bằng vài món nhắm nhưng cô vẫn cảm nhận không gian nghiêng sang một bên. Nhiệt độ khá thấp của tầng hầm cùng hơi người quánh đặc tạo lớp hơi nước trên ô kính.

Đột nhiên, cô bong khỏi trục thời gian, rơi trở về hành lang khách sạn trên đường gần một năm trước, trong chuyến công tác khảo sát các mẫu nội thất đồng thời đặt mua vật liệu trang trí cho khu biệt thự cao cấp mà văn phòng họ thiết kế. Dù bên đầu tư sẵn lòng chi trả mọi khoản phí, nhưng vị quản lý chỉ chọn khách sạn nhỏ, thậm chí motel, ở những thành phố họ đi qua.

Như mọi nhân viên trẻ phấn chấn với chuyến đi xa đầu tiên, cô say sưa với các con đường hơn là bận tâm đến tiện nghi. Người đồng hành giải thích ông không thể chợp mắt trong các căn phòng quá rộng.

Cô chụp ảnh và ghi chép, tỏ ra đắc lực khi một vài chi tiết bị ông bỏ quên, ghi nhớ mọi chia sẻ nghề nghiệp của ông được bày tỏ thông qua các phàn nàn về sự thay đổi trong cách nhìn và cách nghĩ về không gian sống.

Tối đến, ông về khách sạn ngủ sớm. Ở bên phòng của mình, cô sẽ mặc thêm áo khoác nhẹ, ra ngoài, theo chỉ dẫn của bản đồ đến một quán bar, uống vài cốc, tán gẫu với những kẻ chắc chắn sẽ không còn gặp lại. Nhưng thường thì cô ghé hiệu sách với cơ man các kệ sách cũ đặt dưới tầng hầm.

Cô tranh thủ đọc, nghe và xem. Bởi khi ở cạnh vị quản lý, cô mới nhận ra quá nhiều thứ làm nên nền tảng vô hình đã bị chểnh mảng bỏ lỡ trong thời gian đại học. Nếu không có nhạc Debusy hay Shostakovich, nếu không có tranh Escher hay Rauschenberg, hẳn đã không có những ý tưởng điều phối không gian sắc bén đưa đến các đồ án vững chãi mà chẳng khách hàng nào đủ sức chối từ.

Thời điểm đó, cả sau này, cô vẫn xem vị đồng nghiệp lớn tuổi là hình mẫu đặc biệt. Những kẻ khác trong văn phòng có thể phê phán, giễu cợt, bỏ qua ông. Cô thì không.

Một lần, ông lạnh nhạt liếc qua tựa sách cô đọc, lật xem vỏ đĩa cô đang nghe, thình lình chỉ ra ngọn tháp xa xăm của toà nhà Empire State bên ngoài ô kính taxi: “Cái danh thắng ấy sẽ mãi như thế, không suy suyển. Thứ duy nhất biến đổi là các bóng nắng, thay đổi theo chuyển động của mặt trời”.

Cô hiểu ông đề cập điều gì khi đưa thời gian thay đổi vào không gian hình học của hội hoạ ảo giác. Tì trán vào khung kính ẩm, cô nhìn mãi biểu tượng ảm đạm cho đến khi chiếc xe vàng chở họ băng qua cầu và ngọn tháp trở thành dấu hằn cho cả chuyến đi.

Vào một buổi tối trên đường sang Chicago, họ trọ ở motel ngoài rìa thành phố. Cô định xuống tàu điện vào trung tâm, đến tiệm đĩa Cổ Đỏ, nơi cơ man đĩa nhạc đã qua thời. Tuy vậy mới qua hai dãy nhà thì mưa to. Cô quay về motel. Từ thang máy bước ra, cô giật mình bởi bóng người ngồi cạnh chao đèn cuối hành lang.

Hai tay đặt trên thành ghế, vị quản lý như một ông hoàng. Ông nhìn cô nhưng không nhận ra cô. Chỉ khi cô hỏi lần thứ ba, cao giọng hơn, ông mới giật mình bước ra khỏi trạng thái đờ đẫn kỳ dị.

“Tôi không ngủ được”.

“Vì lúc chiều ông uống cà phê? Hay thức ăn bữa tối làm ông khó chịu?”.

Vị quản lý lắc đầu:

“Mấy tuần qua tôi mất ngủ. Ban đầu tôi tưởng do lệch múi giờ. Nhưng không phải. Tôi ngồi trong phòng, nhìn qua cửa sổ, biết rõ lúc cô rời đi và lúc cô trở về”.

“Ông theo dõi tôi?” Cô thốt lên, sau hồi lâu kinh ngạc lặng đi.

“Gần như vậy”. Ông thở dài “Bắt đầu từ khi cô vào thực tập tại văn phòng”.

“Tại sao?”.

Vị đồng nghiệp dựa hẳn vào lưng ghế, thả lỏng các ngón tay nhợt nhạt:

“Vì cô giống hệt tôi, hơn ba mươi năm trước. Say sưa, chăm chỉ, cố gắng tìm hiểu thế giới, mong muốn được nhìn nhận như một người chuyên nghiệp”.

“Có gì sai trong những điều ấy sao?”.

“Không sai. Nhưng tiến trình ấy làm ta quên mất một điều: Ta chỉ là những gì ta làm. Người khác luôn nhìn vào các bản vẽ. Họ đâu cần biết mong mỏi điều gì, ta có muốn làm những điều này nữa hay không. Ngay cả những người sống cạnh, vợ chồng ta, con cái ta cũng thế. Tiền bạc, trách nhiệm, sự hiện diện. Ta luôn làm tốt những điều đó. Họ tin họ thương yêu ta, đã hiểu ta thấu đáo. Họ yên tâm khi ta vận hành ổn thoả. Kỳ thực, cũng như những kẻ khác, họ hoàn toàn không biết ta là ai”.

“Vậy ta là ai?”.

“Các cỗ máy cài đặt tốt, hoạt động bền bỉ. Cho đến khi nhận ra nó chỉ là cỗ máy”.

Cô nhìn ông trừng trừng, gắng tiếp nhận dù chỉ một phần những điều ông thổ lộ, đồng nhất các ý niệm lâu nay với hình ảnh đang hiển hiện trước mắt.

Một tên tuổi được nể trọng trong giới thiết kế. Một người bất khả chiến bại. Một mẫu hình đẹp đẽ dù quan sát từ góc độ nào. Tất cả bỗng chốc tan nhoè vào nhau. Chỉ còn lại một cơ thể bắt đầu tiến trình tàn lụi, khi nỗi tuyệt vọng lấn vào các nếp da, khi hơi thở cô độc phả ra từ từng cử chỉ. Một khuôn đầu còn giữ nguyên đường nét thông tuệ nhưng sự trống rỗng đã xâm chiếm đôi mắt xám và khiến cái mũi ông ủ dột như loài gấu Koala. Một hình ảnh người ta vẫn tình cờ bắt gặp đâu đó, chấp nhận, nhưng chẳng bao giờ mong muốn trở thành.

 “Để tôi đưa ông về phòng. Tôi có thể gọi phục vụ mang cho ông chút thức ăn nóng. Sau đó ông uống thuốc. Chúng sẽ giúp ông dễ ngủ hơn”.

Không chú ý lời cô nói, ông vẫn theo đuổi ý nghĩ của riêng mình:

“Có một lần, cô nghĩ rằng tôi đang mệt mỏi và tôi phủ nhận. Chính lúc ấy, tôi nhận ra tôi đang già nhanh. Khốn kiếp là nó đã tới lúc tôi không mong nó nhất!”.

“Ai không già đi”. Cô đưa tay cho ông.

Ông đứng lên, toan nắm bàn tay cô nhưng rồi chỉ khoanh lại trước ngực. Trở về phòng, ông đi trước cô vài bước. Cô vẫn nhớ rõ lớp thảm mòn bợt trải dọc hành lang đã nuốt mất tiếng chân, sau đó nuốt luôn bóng đổ mờ nhạt của con người câm lặng.

***

4.Những người quanh bàn im bặt, hướng về màn hình lúc này đang chiếu hoạt động của phòng thiết kế. Mọi thành viên đều được phác hoạ ngắn gọn, chính xác. Ngay cả cô, người trẻ nhất, cũng hiện lên với ánh mắt rụt rè. Chỉ thiếu vị quản lý. Bộ phim thực hiện khi ông đã rời nhiệm sở.

Dù vậy, camera vẫn ghi lại vị trí của ông. Chiếc ghế trống. Cái bàn cánh cung với dàn máy đồ sộ. Và lọt thỏm giữa hai cỗ máy là khung ảnh kim loại. Vị quản lý cách đây ba mươi năm, áo sơ mi chật, mái tóc sẫm rủ trước trán, nụ cười giễu cợt vững tin vào mọi việc mình làm. Ánh đèn camera làm gương mặt trong ảnh sáng loá, cho đến khi các đường nét tan vào khung kim loại và máy móc chung quanh.

Sau chuyến công tác, vị quản lý thực hiện nốt phần còn lại của dự án. Hiện ra vài trục trặc nhỏ. Thoạt tiên các thành viên tin rằng sai sót số liệu, điều chưa từng xảy ra trước kia, chỉ là sơ suất không may. Dần dần, việc truy tìm và sửa chữa ngốn nhiều công sức, nên sợi dây buộc các nhận xét bực dọc đã được tháo ra, lần đến thủ phạm.

Trong buổi họp phòng, vị quản lý thừa nhận các sai lầm. Ông xin lỗi.

Chiều muộn, cùng ngày hôm ấy, như thường khi, cô ở lại hoàn thành các bản vẽ. Ông nhờ cô ra ngoài mua hộ cốc cà phê lạnh, dặn hãy rắc nhiều bột quế. Khi cô quay về, ông không còn ở đấy. Máy móc vẫn mở, màn hình vẫn sáng, chiếc áo khoác mỏng vẫn vắt trên lưng ghế. Cô chờ thêm hai giờ nữa, sau đó tắt đèn rời khỏi văn phòng. Uống hết cốc cà phê của ông, bước ra vỉa hè gió hun hút dưới chân toà nhà, cô chợt hiểu sẽ không bao giờ ông còn quay lại nữa.

Nhưng ông vẫn giữ liên lạc với cô. Hay đúng hơn, thông qua cô, ông hoàn tất mấy phần việc bắt buộc.

Ngoài các trao đổi qua e-mail, khoảng một lần trong tuần, cô gặp ông tại quán cà phê ông thường ngồi, nơi vài mươi năm trước hẳn là địa chỉ rực rỡ thời thượng, giờ chỉ đọng chút dư vị trên vài bức ảnh đen trắng và mấy đĩa LP quý hiếm được lồng khung.

Vị quản lý kỳ cựu dần thay đổi, nhưng không theo cách ông mong muốn. Ông vẫn mặc vài trang phục cô quen thấy, mái tóc chải gọn và chiếc kính ngay ngắn trên sống mũi, chỉ có điều, thay cho mùi nước rửa tay bạc hà và mùi quế từ thức uống, ông lúc này phả ra mùi những căn phòng cũ.

Vị quản lý cho biết đã rời nhà, chuyển đến một khách sạn nhỏ cho thuê phòng dài hạn. Căn phòng nhỏ không cửa sổ nên lúc nào cũng có thể là ngày và cũng có thể là đêm.

Trước vẻ mặt thảng thốt của cô, ông thì thầm:

“Cô biết đấy, tôi không ngủ được. Hình như tôi đã gây nên nhiều bực dọc nhưng mọi người đều cố gắng kiềm chế”.

“Vợ và hai con ông nói gì khi ông rời đi?”.

“Họ ngạc nhiên. Nhưng họ đồng ý khi biết tôi ổn”. Ông mở ví, cho cô xem các thẻ ngân hàng. “Tôi có khá nhiều tiền. Các con tôi cũng gửi vào tài khoản cho tôi”.

“Tôi có thể làm gì cho ông? Tìm một bác sĩ giỏi hơn? Hay đặt vé để ông du lịch?”.

Ông lắc đầu:

“Chỉ cần cô đến, khi tôi điện thoại. Tôi vẫn muốn nói chuyện với một ai khác ngoài tôi. Tôi hứa sẽ không làm phiền cô nhiều”.

Mỗi lần gặp sau cô lại nhận ra ông gầy hơn, như thể ông đang biến từng phần cơ thể trở nên vô hình, cất chúng vào khoảng không nhỏ hẹp.

Mọi thứ thuộc về ông cũng nhợt nhạt, theo cách một đồ vật bạc màu bởi sự lãng quên. Và rõ rệt hơn cả, từ vựng của ông thưa đi. Gần như chỉ mình cô nói. Một cách chính xác, cô biết cần nói gì trong từng thời khắc. Thảng hoặc ông đưa ra vài động từ và danh từ rời rạc.

Một lần ông gọi thì cô đang dùng bữa nên xin lỗi không đến được.

“Khủng hoảng tuổi về hưu”, bạn trai cô nhận xét, với chút lạnh lùng giễu cợt khi cô thử đề cập về các biểu hiện của chứng trầm cảm. Cô gọi lại sau đó thì ông không nhấc máy.

Cô tập quen với ý nghĩ vị đồng nghiệp kỳ cựu đang chọn kiểu sống ông muốn, đơn độc và lặng lẽ, chứ không phải sự suy sụp như cách cô hiểu lâu nay. Mình sẽ hạnh phúc, nếu không suy nghĩ và hành động như ông ấy, cô tự nhủ.

Tuần trước, cô gọi cho ông nói về buổi tiệc, ông im lặng. “Ông sẽ đến chứ?”. Cô nhắc lại. Ông lẩm bẩm: “Tôi chưa biết. Nhưng nếu tôi gọi, cô hãy nhấc máy!”.

Hơn một giờ đã trôi qua. Câu chuyện quanh bàn ở thời điểm sôi nổi nhất.

Bóng tối, hơi men, tiếng cười tán thưởng khiến ngôn từ dễ dàng và cử chỉ nhẹ nhõm. Mọi người cùng hồi nhớ các thành công kỳ dị. Từng mẩu ký ức được khơi gợi cùng vô số chi tiết sống động. Hiện lên những sự kiện tuyệt vọng và cách thức kỳ diệu vượt qua trạng thái tuyệt vọng. Sống lại vài khoảnh khắc điên rồ khó tin, của khách hàng lẫn của thành viên tham gia các dự án.

Cuốn vào câu chuyện, cô quên bẵng đồng hồ trên màn hình điện thoại. Khi cuộc hẹn được sực nhớ, trôi qua vạch mức chín mươi phút từ lâu. Người đồng nghiệp lớn tuổi hẳn đã trở về căn phòng khách sạn, lướt qua những cánh cửa đóng kín, tiếng chân không và cái bóng cũng không.

Tiệc kết thúc lúc mười một giờ khuya. Cô đi bộ sang bãi gửi xe. Điện thoại chợt rung nhẹ. Cuộc gọi từ một số lạ.

Một giọng đàn ông trẻ lạnh lùng muốn xác nhận đầu máy là cô. Cô nhắc lại tên mình, chợt nhận ra cách phát âm xơ cứng cùng ngữ điệu đều đều của người lạ thật giống vị quản lý kỳ cựu.

“Tôi là con trai ông ấy. Cha tôi mất hơn một giờ trước. Bị tắc xi tông mạnh khi ông băng qua đường không chờ đèn đỏ. Phần lỗi thuộc về cha tôi. Hình như ông vội đến một nơi nào đó. Tôi vừa mở điện thoại xem các cuộc gọi và e-mail của ông. Thời gian vừa qua, ông chỉ liên lạc với một mình cô. Vì vậy tôi muốn gặp cô để nói chuyện…”.

“Về điều gì?”.

Từ lúc nào đó, cô đã dừng lại, đứng im trên lề đường vắng lặng.

“Về cha tôi, tất cả”. Đầu máy bên kia im lặng vài giây, khó nhọc nói tiếp. “Hình như tôi không biết gì về ông”.

Sau khi thoả thuận cuộc gặp và hỏi thêm vài thông tin, cô tắt máy, tiếp tục bước đi. Nhưng chỉ vài bước, các chuyển động không thuộc về đôi chân cô nữa.

Cô ngồi xuống một đoạn xích buốt cóng chăng quanh bãi gửi xe. Cô đang nhớ đến điều gì đó, hoặc ngược lại, chẳng nhớ gì.

Đơn giản là cô chỉ dừng lại trên một chặng đi đã định trước, dưới luồng sáng mờ mờ của ngọn đèn đường, như cô đã từng như thế ở vài thành phố xa xôi, bình thản vì biết có một người già hơn gấp đôi tuổi nhưng giống hệt mình đang lặng lẽ dõi theo.

Cô thử nâng bàn tay về phía trước rồi cất lên vài từ rời rạc. Nhưng chẳng có thanh âm nào cất lên khi các động từ và danh từ đều trở nên vô hình, tan lẫn vào thế giới câm nín chung quanh.

Trò chuyện cùng tác giả:

Truyện ngắn giống cuộc đấu với thời lượng nhất định
Tan tiec

Không gây những hiệu ứng ồn ào nhưng Phan Hồn Nhiên là tác giả có sách best seller, đồng thời được đồng nghiệp quý trọng. Vừa làm báo vừa viết văn, chị vẫn đều đặn ra mắt tác phẩm mới, cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết. 

Ý tưởng thâm trầm, câu chữ kỹ càng, chị là người lao động nghệ thuật bền bỉ và đầy say mê, luôn có nhu cầu đổi mới chính mình. Phan Hồn Nhiên luôn khiến người đọc phải ngẫm ngợi để chia sẻ điều tác giả muốn trao gởi.  

Truyện ngắn Tan tiệc này cũng thế. Trong xã-hội-thị-trường đầy giả trá và đầy nhưng tranh chấp nghiệt ngã này, các mối quan hệ rất dễ bị đầu độc bởi những cái nhìn ác ý hoặc vô cảm. Và vì thế, chúng đã tạo ra những nạn nhân không đáng, ngay cả những nạn-nhân-sang-trọng…

*Nhân vật trong truyện của chị vừa rất có tính phổ quát đồng thời lại rất riêng, không hề trùng lặp. Chị đã “sử dụng” các nguyên liệu và nguyên mẫu nào để tạo ra họ?

-Trong một truyện ngắn, theo quan điểm riêng tôi, quan trọng nhất cần đặt ra được ý niệm (concept) nhất định. Khi đã có concept, diễn biến truyện được triển khai, từ đây tôi có cấu trúc cho truyện. Các nhân vật hành động phục vụ cho diễn biến để làm rõ concept. Theo các thao tác này, tính cách và tâm lý nhân vật sẽ tự hiện ra. Có lẽ vì thế nên tôi cũng không cần phải săn lùng nguyên mẫu ngoài đời thực.

*Ngoài đời sống thực, chị nghĩ nhân vật của mình có hành xử như trong truyện?

-Có thể một vài hành động và diễn biến tâm lý không phổ biến hoặc con người hiện đại không phơi bày, nhưng chắc chắn có. Trong thế giới hôm nay, con người ngày càng thông minh và tỉnh táo. Họ nhìn thấy nhau, hiểu nhau rất rõ. Tuy nhiên có thực sự cứu nhau được hay không thì lại là vấn đề khác. 

*Truyện ngắn này của chị rất lắng, rất thâm trầm. Đó có phải tác phẩm chị tốn nhiều công sức?

-Tôi rất say mê thể loại truyện ngắn. Mỗi truyện ngắn với tôi như một etude mà qua đó, tôi tự kiểm soát, biết mình có thể làm gì và quan trọng nhất là những gì chưa thể làm được. Truyện ngắn này cũng không là ngoại lệ. Được làm việc mình thích thì cũng không thấy tốn công sức gì.           

*Tiểu thuyết và truyện ngắn cho chị những cảm xúc khác nhau thế nào khi viết?

-Khi đối diện hai từ tiểu thuyết và truyện ngắn, cả khi đọc và viết, sự khác biệt trong thái độ tiếp nhận của bản thân cũng như quá trình làm việc lớn đến độ nhiều khi tôi quên mất đây là hai thể loại cùng hiện diện trong ngôi nhà văn học. Với cảm nhận hơi kỳ quặc một chút, thì truyện ngắn giống như một cuộc đấu với thời lượng nhất định, khi bước ra, tôi biết ngay mình thắng hay thua (với chính tôi). Còn tiểu thuyết là một hành trình sống mà để không căm ghét chính mình, người ta chỉ có cách duy nhất là làm hết sức và thành thật, bất kể chung quanh nghĩ gì, nói gì.

Ngô Thị Kim Cúc           


                                                

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tan tiệc