Bộ TT-TT đã có Công văn về việc tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng trong thời gian Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022.
Theo đó, Bộ TT-TT đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp rà soát, kịp thời xử lý, triển khai các giải pháp để khắc phục triệt để các lỗ hổng an toàn thông tin mạng đã được các đơn vị chức năng cảnh báo.
Tăng cường, nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp, bổ sung năng lực cho các hệ thống thông tin quan trọng, nhạy cảm.
Trong đó, trọng tâm là phân công lực lượng tại chỗ trực giám sát, hỗ trợ, ứng cứu và khắc phục sự cố an toàn thông tin mạng 24/7; bảo đảm duy trì kết nối, kịp thời chia sẻ thông tin với Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số, nền tảng phòng chống dịch COVID-19, Bộ TT-TT đề nghị tăng cường năng lực, bảo đảm các hệ thống thông tin, nền tảng hoạt động an toàn, ổn định.
Triển khai các biện pháp kỹ thuật ở mức cao nhất nhằm phát hiện, lọc, ngăn chặn hoạt động tấn công mạng, phát tán thông tin xấu độc, thông tin vi phạm pháp luật trên hệ thống, hạ tầng mạng lưới thuộc phạm vi quản lý.
Trước đó, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin đã công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) tiêu biểu năm 2021.
Cụ thể, có sự kiện “Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 có vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam. Chiến lược đặt mục tiêu chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Tiếp đó là sự kiện Việt Nam xây dựng được cơ sở dữ liệu dân cư. Từ ngày 1.7.2021, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức được vận hành kết nối với các bộ, ngành, địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động không chỉ mang lại hiệu quả đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, mà còn tạo sự đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại.
Những sự kiện còn lại, bao gồm Cấp phép thí điểm Mobile Money; Ra mắt PC COVID- ứng dụng quốc gia phòng chống dịch COVID-19; Chính phủ kết nối trực tuyến tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc; Ra mắt nền tảng quản lý tiêm chủng phục vụ chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất trong lịch sử.
Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Thủ tướng phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”; Axie Infinity vốn hóa tỉ USD và hiện tượng game blockchain Việt Nam trên bản đồ thế giới; Đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam tăng cao chưa từng thấy với hơn 1,3 tỉ USD.