Trang bị kiến thức cho người dân, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, nâng cao ý thức tự tăng cường sức khỏe nói chung và sức đề kháng nói riêng để chung sống an toàn với dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng.
Chia sẻ tại chuỗi sự kiện truyền thông “Hội thảo khoa học nâng cao kiến thức dinh dưỡng miễn dịch giai đoạn 2022” diễn ra hôm nay (27.4), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc trang bị kiến thức cho người dân, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, nâng cao ý thức tự tăng cường sức khỏe nói chung, sức đề kháng nói riêng để chung sống an toàn với dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng.
“Bằng cách đó chúng ta sẽ có một Việt Nam khỏe mạnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu”, Thứ trưởng Tuyên nói.
Theo Bộ Y tế, tính từ đầu mùa dịch đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng hơn 490.000 trẻ. Trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.
Đặc biệt, qua theo dõi cho thấy trẻ có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19). Hơn nữa, còn có những trường hợp trẻ bị viêm đa hệ, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ về lâu dài. Một trong những giải pháp là chuẩn bị cho trẻ nền tảng sức khỏe tốt để giảm thiểu các nguy cơ.
Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ thay đổi và phát triển theo từng giai đoạn khác nhau. Trong đó, trước 6 tháng, trẻ nhận kháng thể từ mẹ truyền sang trong giai đoạn bào thai và lúc sinh nên có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Qua 6 tháng, lượng kháng thể dự trữ không còn, trong khi cơ thể chưa tự sinh ra được đủ kháng thể nên hệ miễn dịch của trẻ rất yếu và luôn có nguy cơ nhiễm bệnh, giai đoạn này kéo dài tới 36 tháng hoặc hơn nữa. Giai đoạn 6-36 tháng tuổi là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” ở trẻ.
Như vậy, ngoài việc phải đối diện với các nguy cơ gây bệnh thông thường như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, vi khuẩn kháng kháng sinh… với tình hình dịch bệnh, trẻ còn phải đối diện với nguy cơ mắc COVID-19 và hậu COVID-19. Đặc biệt, trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, khi gặp các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, nấm mốc… trẻ rất dễ mắc bệnh do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Do vậy, việc bổ sung dinh dưỡng miễn dịch để tăng cường kháng thể, nâng cao sức khỏe trong giai đoạn khoảng trống này là rất quan trọng.
Theo PGS.TS.BS. Diệu Thúy, ngoài việc theo dõi phát hiện sớm trẻ có các triệu chứng hậu COVID-19 để xử lý kịp thời, gia đình cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nhất là đối với trẻ từng bị COVID-19 nặng phải nhập viện hoặc trẻ thường xuyên ốm vặt.
“Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ nhanh chóng giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, cải thiện các chức năng cho cơ thể. Đặc biệt, dinh dưỡng miễn dịch rất tiềm năng trong mục tiêu tăng cường, cải thiện miễn dịch cho nhiều đối tượng, nhất là trẻ em. Trong đó, kháng thể IgG từ sữa non là thành phần dinh dưỡng miễn dịch có tác dụng trực tiếp giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch”, bác sĩ Thúy chia sẻ.