Tăng giá điện luôn được xem là vấn đề "nhạy cảm", đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế năm 2023 có nhiều dự báo khó khăn và thách thức.

Tăng giá điện phải phù hợp 'sức chịu' của doanh nghiệp

Tuyết Nhung | 14/02/2023, 12:59

Tăng giá điện luôn được xem là vấn đề "nhạy cảm", đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế năm 2023 có nhiều dự báo khó khăn và thách thức.

Tăng giá điện phải phù hợp với "sức chịu" của doanh nghiệp

Theo quyết định của Phó thủ tướng Lê Minh Khái (thừa ủy quyền Thủ tướng Phạm Minh Chính), từ ngày 3.2, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế VAT) tối thiểu là 1.826,22 đồng một kWh và giá tối đa là 2.444,09 đồng một kWh. Như vậy, so với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh.

Đến nay, trong các báo cáo, đề xuất của Bộ Công thương và cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa nêu tỷ lệ sẽ tăng giá điện lên bao nhiêu, song nếu chiếu theo Quyết định 24, giá bán điện bình quân tăng từ 3 - 5% so với giá hiện hành thì EVN được quyết; tăng từ 5 - 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận; trên 10% phải rà soát, xin ý kiến Thủ tướng.

img_9387.jpg.jpg

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vẫn tuân theo Quyết định 24 của Chính phủ. Hơn nữa, giá điện có tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, nên việc điều chỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới không đồng nghĩa với việc tăng giá bán điện ngay lập tức, mà từ khung này, Bộ Công Thương sẽ quyết định mức giá bán lẻ cụ thể như mức tháng 3.2019. Sau khi có giá mới, EVN sẽ tính toán, công bố các bậc giá cụ thể cho từng đối tượng. Hiện, giá bán lẻ điện bình quân vẫn ở mức 1.864,44 đồng/kWh, áp dụng từ 3.2019 đến nay.

EVN cho biết, nguyên nhân yêu cầu tăng giá điện là do giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao như: giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới, chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh, làm tăng chi phí mua điện trên thị trường điện của EVN, mặc cho những nỗ lực tiết giảm chi phí của Tập đoàn. Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì EVN dự kiến lỗ lên đến 64.941 tỉ đồng.

Trước bối cảnh khung giá bán lẻ điện bình quân tăng sẽ có tác động đến giá bán lẻ điện tới doanh nghiệp và người dân, ở phía người tiêu dùng điện, đặc biệt là khối doanh nghiệp sử dụng nhiều điện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh - đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa lên tiếng cho biết, giá điện có tác động trên diện rộng đối với các ngành sản xuất. Điện là chi phí nhiên liệu đầu vào trong sản xuất của doanh nghiệp nên giá điện tăng sẽ kéo mọi chi phí sản xuất khác tăng theo, giảm khả năng cạnh tranh và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thủy sản sử dụng nhiều điện để hoạt động cấp đông, trữ đông...

Từ cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng nhu cầu thị trường sụt giảm, thiếu đơn hàng, thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng và lãi suất còn duy trì ở mức cao. Việt Nam với độ mở của nền kinh tế sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với rủi ro từ diễn biến khó lường ở bên ngoài.

"Nếu việc tăng giá điện là khó tránh khỏi, cộng đồng doanh nghiệp mong cơ quan chức năng, ngành điện tính toán mức tăng hợp lý, minh bạch thông tin. Năm 2023 được dự báo khó khăn, thách thức lớn hơn nhiều, cũng cần tránh tạo cú sốc về giá điện cho các doanh nghiệp sản xuất", đại diện VASEP nhấn mạnh.

Bởi lẽ, mức tăng và lộ trình phải đảm bảo tác động nhỏ nhất tới các đối tượng chịu tác động khi điều chỉnh giá, đảm bảo mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định hoạt động của doanh nghiệp, cần phân nhóm khách hàng hợp lý, quy định bậc cụ thể cho từng đối tượng, và chọn thời điểm tăng hợp lý.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, cần sớm ban hành cơ chế bán điện trực tiếp. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, giá điện của Việt Nam không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương phải "suy nghĩ thấu đáo" vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tránh điều hành "giật cục".

Về vấn đề tăng giá điện trong bối cảnh hiện nay, trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đã đến lúc phải điều chỉnh tăng giá điện nhưng việc tăng bao nhiêu và thời gian tăng như thế giới thì cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng, không nên gây sốc cho mặt bằng giá của nền kinh tế, cũng như đảm bảo cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội.

"Trên cơ sở đó, có thể tiếp tục giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế và giúp cho việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhưng tăng trưởng (GDP) có thể đạt cao nhất", chuyên gia này cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng, việc tăng giá điện cần tính đến lộ trình 2 bước để phù hợp với sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp. Theo đó, mỗi đợt điều chỉnh sẽ tăng khoảng từ 7 - 8%. Mức điều chỉnh này sẽ đẩy lạm phát vòng 1 của đợt 1 lên khoảng 0,2%...

Theo ông Thỏa, với chi phí của ngành điện tăng cao như vậy thì có thể cân nhắc, tính toán để điều chỉnh, hoặc cũng có thể điều chỉnh ngay, nhưng đồng thời cũng phải có ngay những biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện

Lỗ lớn, EVN liên tục đề xuất tăng giá điện

Đề cập việc tăng giá điện trong năm nay, đại diện Bộ Công thương cũng đã nhắc lại khoản lỗ sản xuất kinh doanh của EVN trong năm 2022 vào khoảng 31.000 tỉ đồng. Trong một báo cáo gửi Bộ Công thương mới đây, EVN ước lỗ lũy kế hết năm 2023 hơn 93.000 tỉ đồng và tiếp tục đề xuất tăng giá điện. Điều này đồng nghĩa với việc nếu không tăng giá điện kịp thời, khoản lỗ của EVN không dừng lại con số 31.000 tỉ đồng như năm qua mà sẽ gấp 3 lần con số đó. Nguyên nhân lỗ lớn năm qua là do thông số đầu vào tăng mạnh.

evn_1_.jpeg

Cụ thể, giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí và giá dầu thế giới đều tăng. Năm 2022, riêng giá than tăng gấp 6 lần so với giá đầu năm 2021, khiến chi phí sản xuất điện từ than nhập tăng tới 3.500 - 4.000 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán điện bình quân vẫn dừng ở mức 1.864 đồng/kWh. Với mức giá bán bình quân này, ước tính 6 tháng đầu năm nay, EVN dự kiến lỗ 44.099 tỉ đồng.

Đến nay, Chính phủ đã giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát các giải pháp khác ngoài giải pháp tăng giá điện, tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN. Bộ Công Thương cho biết đã yêu cầu EVN khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí giá điện 2022, thuê các đơn vị kiểm toán độc lập để đoàn kiểm tra liên bộ Công thương - Tài chính và nhiều cơ quan khác như VCCI, Hội Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra chi phí và kế hoạch sản xuất điện năm 2023.

Bên cạnh đó, EVN phải phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán mức tác động của giá điện tới đời sống và kinh tế vĩ mô. Nhiều chuyên gia cho rằng chi phí sản xuất tăng, tăng giá điện là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc ngành điện chưa có báo cáo quyết toán chi phí giá điện năm 2022, nhưng yêu cầu tăng giá điện khiến việc tăng giá khó chính xác.

Theo thông báo của Bộ Công Thương, năm 2023 sẽ không xảy ra tình trạng quá căng thẳng về nguồn điện do nhu cầu sử dụng điện được dự báo không cao hơn năm 2022, trong khi công suất đặt của các nguồn điện hiện hữu đã lên tới gần 80.000MW và một số dự án nguồn điện lớn như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (công suất 1.200MW) dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ các tiêu chuẩn phát điện thương mại trong quý 1/2023 sẽ hỗ trợ lớn cho việc đảm bảo cung ứng điện ở khu vực miền Bắc.

Bài liên quan
EVN kiến nghị điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu
EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, tương tự như điều hành giá xăng dầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng giá điện phải phù hợp 'sức chịu' của doanh nghiệp