"Tang lễ của người An Nam" họa lại bức tranh toàn diện và vô cùng sống động về nghi thức tổ chức lễ tang của người Việt vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thông qua góc nhìn, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của Gustave Dumoutier, một học giả phương Tây am tường về Việt Nam.

‘Tang lễ của người An Nam’ qua góc nhìn của người Pháp

Tiểu Vũ | 09/11/2023, 19:10

"Tang lễ của người An Nam" họa lại bức tranh toàn diện và vô cùng sống động về nghi thức tổ chức lễ tang của người Việt vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thông qua góc nhìn, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của Gustave Dumoutier, một học giả phương Tây am tường về Việt Nam.

Cuốn sách được coi là công trình khảo cứu công phu và toàn diện nhất về tang lễ, Tang lễ của người An Nam tổng hợp hệ thống thông tin công phu tỉ mỉ và có khả năng tái hiện những tập tục xưa theo cách chân thực nhất. Đây cũng là công trình khảo cứu nổi tiếng và có giá trị nhất của một trong những học giả hàng đầu về Việt Nam học thời bấy giờ - Gustave Dumoutier.

Ngay sau khi được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam, tập khảo cứu Tang lễ của người An Nam đã nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo độc giả nhiều lứa tuổi, chứng tỏ sức hút của chủ đề về tín ngưỡng cổ truyền này.

tang-le-cua-nguoi-an-nam-6.png
Hình minh họa cuốn sách của NXB

Tang lễ - một trong hai tập tục lớn của đời người

Đời người điểm tên hai tập tục lớn nhất là hôn nhân và tang lễ. Nghiên cứu về dân tộc học và các tín ngưỡng cổ truyền không thể nào bỏ qua hai nghi thức quan trọng bậc nhất này. Các nghiên cứu về hôn nhân cũng như “sự sống” không hiếm, thậm chí được khai thác rất nhiều, nhưng các nghi thức về “cái chết”, được tiến hành sau khi sự sống của một con người điểm tiếng thở cuối cùng lại có phần ít hơn hẳn.

Không chỉ là một tập tục thông thường, tang lễ là một nghi lễ mang tính tín ngưỡng dân tộc. Không giống như nhiều học giả khai thác đề tài tang lễ trước đó, học giả người Pháp Dumoutier có những nhận định sâu sắc và phức tạp hơn nhiều. Với nhiều học giả Pháp, Việt trước đó, tang lễ chỉ là một tập tục lâu đời, vô hình trung bỏ quên tính lịch sử của tập tục này. Và các học giả này kết luận văn minh An Nam chỉ là bản sao mờ nhạt của văn minh Trung Hoa.

Những gì học giả Dumoutier thuật lại trong cuốn sách Tang lễ của người An Nam dễ dàng chứng minh sự kết hợp hỗn độn giữa Đạo giáo, tín ngưỡng phù thuật và Phật giáo đã bị Việt Nam hoá, cùng với vai trò của ông sư và thầy cúng trong tang lễ.

Không dùng lăng kính của một người phương Tây theo tôn giáo nhất thần, học giả Dumoutier cũng có những quan sát sâu xa hơn và nhận định sự phức tạp của đời sống tôn giáo ở Việt Nam như một khu rừng tâm linh nhiều tầng xoắn xuýt. Tác phẩm của ông với những ghi chép tỉ mỉ, lý giải từng khái niệm và quan trọng là thực chứng, vì thế có giá trị rất đương thời, là một tài liệu quý trong việc nhìn lại văn hoá truyền thống.

tang-le-cua-nguoi-an-nam-8.jpg
Tư liệu về tang lễ của người An Nam trong sách

Tái hiện nghi thức tang ma trong tâm thức người Việt xưa

Tang lễ - một nghi lễ phức tạp chuẩn bị trước và sau khi một người thân kết thúc cuộc sống không phải là một tập tục bất biến mà chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội cụ thể và mang những hình dáng đặc trưng của cả một nền văn hoá dân tộc.

Trong đời sống tâm linh, người Việt xưa cảm thấy an lòng, khi người ta sống và chết bình an trong gia đình và hết tuổi trời cho, đó là một cái chết bình thường, tiếc thương nhưng long trọng, không hẳn là một bi kịch, thậm chí từ bảy chục tuổi trở lên chết lại là điểm mừng (tuổi thọ thế kỷ 19).

Nhưng chết đường, chết chợ - tóm lại là bất đắc kỳ tử, chết do trùng tang (gia đình có nhiều người chết cùng năm, tháng, ngày), thì việc cúng cấp cho vong linh phải cẩn thận để ma đó không quấy phá ảnh hưởng đến người sống. Lễ cúng thập loại chúng sinh mang màu sắc Phật giáo thường niên rằm tháng Bảy chính là dành cho các số phận bất đắc kỳ tử.

Các công trình nghiên cứu trước đó của tác giả Việt như Mai Viên Đoàn Triển với An Nam phong tục sách và Phan Kế Bính với Việt Nam phong tục có đề cập tới nghi lễ tang ma nhưng thường không đưa ra ví dụ cụ thể mà mô hình hoá tang ma người Việt xưa, liệt kê theo trình tự các nghi thức tương đối phổ biến từ vua chúa đến dân thường, bỏ qua màu sắc tín ngưỡng địa phương.

Các học giả Pháp thì có cách khai thác khác, xuất phát từ một ví dụ cụ thể là đám tang của một người có tên tuổi, rồi sau đó mới đưa ra mô thức tang lễ dân gian, như cách cha Léopold Cadière (1869 - 1955) khảo tả đám ma vua Gia Long như một tang lễ điển hình, hay cách Paul Giran (1875 - ?) đề cập tới tang lễ trong Phù thuật và tín ngưỡng của người An Nam.

tang-le-cua-nguoi-an-nam-5.png
Cuốn sách chứa nhiều tư liệu quý về phong tục của người Việt

Riêng cuốn Tang lễ của người An Nam, học giả Dumoutier có tham khảo thêm nhiều sách cổ được ấn loát thời Nguyễn có liên quan, đặc biệt là sách khoa cúng, có ghi chép đầy đủ các bài văn khấn Phạn-Hán, các hình vẽ bùa chú, dùng trong từng trường hợp tang ma, điều mà ông không thể làm trọn vẹn khi đứng trong một tang lễ thực sự.

Trong công trình khảo cứu công phu này, học giả Dumoutier không ghi chép toàn bộ chương trình tang lễ mà chọn lọc để đi sâu vào một số bước quan trọng trong tang ma, đặc biệt là những bước có khấn khứa. Cụ thể có thể kể đến các nghi lễ tống chung, kết hồn bạch, khâm liệm, thành phục, tục cúng và trấn yểm bất đắc kỳ tử, lễ an táng, cỗ tang, lăng mộ, tục thờ cúng tổ tiên và thuyết luân hồi.

Trong tập khảo cứu công phu này, độc giả dễ dàng trông thấy những tập tục trong tang lễ mà người Việt vẫn còn giữ đến tận ngày nay như các nghi lễ liệm, an táng, chôn cất, các mâm cỗ tang, tục cải táng,... trong đó, tác giả có thêm những phần giải thích về quan niệm cũng như ý nghĩa của các nghi lễ quan trọng này, nhằm tái hiện một cách đầy đủ tâm thức của người Việt xưa trong các nghi thức ma chay.

Tập khảo cứu Tang lễ của người An Nam được chia làm nhiều phần. Phần đầu tiên và chiếm nhiều thời lượng của công trình, học giả Dumoutier dành để nói về các nghi thức chuẩn bị trước và sau khi có người mất, trong đó gồm có: các bài kinh, thần chú, phó chúc được đọc trước và trong nghi thức tang lễ; các loại bùa mai táng và ý nghĩa; các nghi thức cần thực hiện; các nghi lễ để tiến hành chôn cất; thuật phong thuỷ trong việc làm mộ phần và buổi tang lễ.

tang-le-cua-nguoi-an-nam-7.jpg
Cuốn sách tập hợp nhiều tư liệu hình ảnh quý giá về phong tục của Việt

Phần thứ hai tập trung vào linh hồn sau cái chết và luân hồi. Trong phần này, học giả Dumoutier đã tái hiện lại tín ngưỡng cổ truyền về linh hồn sau cái chết, mười tầng địa ngục và luân hồi. Cuối cùng là phần phụ lục với những thông tin phong phú về tang phục, danh mục thuật ngữ và phụ lục ảnh để độc giả có thể nghiên cứu sâu thêm.

Tập hợp tư liệu minh hoạ quý giá

Không chỉ dựa trên nguồn tư liệu tham khảo phong phú và đa dạng, “Tang lễ của người An Nam” còn bao gồm một số lượng lớn các bức vẽ, hình minh hoạ cổ vừa chi tiết vừa sống động, cùng những mẫu bùa chú khác thường, hiếm thấy.

Các hình vẽ được bố trí theo từng phần cụ thể, nhằm minh hoạ cho các thông tin được tổng hợp trước đó, tái hiện một cách chân thực và sống động hơn các nghi lễ tang ma xưa.

Trong Tang lễ của người An Nam tổng hợp một lượng lớn và phong phú các mẫu bùa chú từ quen thuộc cho đến khác thường, từng được sử dụng trong tang lễ. Các hình minh hoạ bùa được bố trí chủ yếu trong hai phần “Bùa mai táng” và “Chôn cất”, kèm các chú thích về hình và chữ trên bùa để độc giả tiện tra cứu và tìm hiểu sâu thêm.

Không chỉ có bùa chú, Tang lễ của người An Nam còn tập hợp nhiều tranh minh hoạ quý về mười tầng địa ngục theo quan niệm đương thời trong phần “Linh hồn ở địa ngục”. Người An Nam chia địa ngục thành mười điện rộng lớn, mỗi điện do một vị thần cai quản gọi là Vương. Vì vậy với mỗi tầng địa ngục đều có hai tranh minh hoạ, một là tranh minh hoạ điện của vị thần cai quản, hai là minh hoạ tầng địa ngục với các hình phạt.

Để tái hiện chân thực nhất một buổi lễ tiễn đưa người mất của người An Nam xưa, trong “Tang lễ của người An Nam” còn bao gồm phần phụ lục ảnh với một loạt các bản tranh minh hoạ miêu tả một đoàn đưa tang hoàn chỉnh. Hoạ sĩ lấy hình mẫu là một thương lái gấm lụa cự phú tên là Công Sủng, qua đời năm 1877, chôn tại Hà Nội.

Không chỉ dừng lại ở việc chuyển ngữ công trình từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, trong khả năng có thể, người hiệu khảo đã nỗ lực truy nguyên nguồn tư liệu được Gustave Dumoutier sử dụng, với mong muốn thông qua đó sẽ thuần Việt nhất có thể những gì Dumoutier viết, cũng như phần nào truy được bản lai diện mục tư liệu, giúp các nhà nghiên cứu cũng như độc giả sau này có cơ duyên sẽ tiếp tục đào sâu.

Bài liên quan
 Chuyện ‘ông Tây’ viết sách bằng tiếng Việt
“Bi hài kịch – Sắc màu làm nên cuộc sống” là tập truyện trào phúng của "ông Tây" sống ở Việt Nam và viết sách viết báo toàn bằng tiếng Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ngoại giao 'Cây tre Việt Nam' trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra trường phái ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Tang lễ của người An Nam’ qua góc nhìn của người Pháp