Vở cải lương "Xuân về trên đất Thăng Long" đang trong giai đoạn tập luyện ráo riết để kịp ra mắt vào ngày 18.11 tại Nhà hát Nón Lá, TP.HCM. Nhân dịp này, nghệ sĩ Bạch Long - soạn giả và đạo diễn vở diễn đã có buổi trò chuyện về cuộc đời trong sự thăng trầm của nghệ thuật cải lương.

Nghệ sĩ Bạch Long: Tôi sống ‘liệu cơm gắp mắm’, hạnh phúc khi phụng sự cho cải lương

Nguyễn Huy (thực hiện) | 04/11/2023, 17:10

Vở cải lương "Xuân về trên đất Thăng Long" đang trong giai đoạn tập luyện ráo riết để kịp ra mắt vào ngày 18.11 tại Nhà hát Nón Lá, TP.HCM. Nhân dịp này, nghệ sĩ Bạch Long - soạn giả và đạo diễn vở diễn đã có buổi trò chuyện về cuộc đời trong sự thăng trầm của nghệ thuật cải lương.

PV: Chào nghệ sĩ Bạch Long. Gần đây có một bộ phim Việt Nam đề cập đến văn hóa và lịch sử vùng đất Nam Bộ. Anh là người chuyên dựng cải lương tuồng cổ, xin anh cho biết ý kiến về việc này?

- Nghệ sĩ Bạch Long: Tôi xin không ý kiến về bộ phim vì tôi chưa xem. Trong tư cách là người chuyên sâu vào tuồng cổ gồm lịch sử, huyền thoại, truyền thuyết thì với thể loại lịch sử tôi rất cẩn trọng trong việc rà soát thông tin. Tính chính xác là nguyên tắc bắt buộc vì sự hiểu biết của khán giả rất rộng lớn. Nếu có sai sót thì sớm muộn gì cũng bị nêu ra. Lúc đó, sẽ rất mệt mỏi trước sự phê bình. Tuy nhiên, các bài học lịch sử trong nhà trường quá khô cứng nên quan niệm của tôi là biến những câu chuyện lịch sử trở nên mềm mại bằng các chi tiết hư cấu nhằm gây cười. Nhưng xin nhấn mạnh, những gì mà tôi tưởng tượng thêm thắt vào câu chuyện lịch sử không phải là sự đảo lộn sự kiện chính sử đã ghi nhận, mà chỉ là tạo thêm nhân vật phụ không có mặt trong lịch sử, nhằm tạo ra những tình huống hài hước.

Ví dụ như trong vở Xuân về trên đất Thăng Long, nhân vật tôi đóng là được thêm vào. Vai này để tạo không khí vui tươi xoay quanh các nhân vật anh hùng như vua Quang Trung, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân. Nếu không có nhân vật này thì câu chuyện chỉ là “phe ta” và “phe địch”, bên nào cũng nghiêm nghị và quyết tử, đánh qua đánh lại. Như thế thì quá khô khan. Nhưng nếu tiếng cười được thêm vô, tôi nghĩ đó là cách thu hút thế hệ khán giả trẻ đến với cải lương thể loại lịch sử.

398215933_351035550750760_1221863426413363703_n.jpg
Nghệ sĩ Bạch Long - Ảnh: TL 

Được biết ngay từ những bước chân đầu tiên vào sân khấu, anh chưa từng đóng vai hài. Từ khi nào anh nổi tiếng trong vai hề cải lương, thưa anh?

- Khi tôi tầm 20 tuổi và đang ở đoàn Minh Tơ, trong một vở cải lương về vua Quang Trung có một vai hề. Người đóng vai hề bị đau bụng không diễn được nên tôi đã thế vai. Ban đầu, tôi nghĩ là diễn trám chỗ cho qua, chờ anh ấy hết bệnh thì trả vai. Nhưng khi tôi ra diễn khán giả cười rần rần. Thế là ông bầu lấy vai đó giao cho tôi luôn. Từ đó, tôi bắt đầu nổi tiếng với vai hài.

Anh có thể chia sẻ đôi chút về vở "Xuân về trên đất Thăng Long" do anh viết kịch bản và đạo diễn?

- Tại sân khấu Nón Lá, nhóm cải lương chúng tôi vẫn giữ tên là Đồng ấu Bạch Long. Nói là đồng ấu chứ bây giờ chẳng còn các em thiếu nhi diễn nữa mà chỉ là các em trẻ. Chúng tôi giữ lại tên như là cách giữ thương hiệu, hay giữ một tên gọi đã quen thuộc. Trong tuồng này có hai đồng ấu thứ thiệt là Tú Sương và Trinh Trinh về hỗ trợ tôi. Tú Sương đóng vai Bùi Thị Xuân, còn Trinh Trinh đóng vai công chúa Ngọc Hân. Tôi có thêm sự hỗ trợ từ Hoàng Hải trưởng thành từ lò đào tạo Trần Hữu Trang trong vai Phạm Khanh. Phần còn lại là các diễn viên trẻ do tôi đào tạo. Các em là những người yêu cải lương mãnh liệt nhưng phải mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau để được hát.

Tôi có thể kêu gọi thêm các "đồng ấu" khác giờ đã trở thành sao về hợp sức, nhưng làm như thế các em trẻ không có đất diễn. Giờ thì chỉ có Tú Sương và Trinh Trinh đồng hành. Nội dung câu chuyện ca ngợi tài trí của vua Quang Trung cùng lòng trung thành của Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu. Thông điệp mà tôi muốn gửi gắm là tôn vinh các anh hùng dân tộc Việt Nam.

Được biết, đến giờ nhóm Đồng ấu Bạch Long đã diễn 6 vở tại nhà hát Nón Lá. Cải lương đang khó khăn, tình hình khán giả đến với điểm diễn này ra sao, thưa anh?

- Chúng tôi nhận được phản hồi tốt. Trong 6 vở, chúng tôi dựng cải lương cổ tích, thần thoại nên không khí vui nhộn mang hơi hướm kịch Ngày xửa ngày xưa nên các bạn nhỏ rất thích. Phụ huynh đã chia sẻ với chúng tôi rằng chất lượng các vở diễn hay nhưng giá vé rẻ. Thực ra mục tiêu của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn là đang từng bước lan tỏa cải lương, doanh thu cốt chỉ để duy trì hoạt động. Ngay cả Tú Sương cũng không đặt nặng vấn đề lương bổng. Chúng tôi chung sức vì cải lương.

Sân khấu nói chung vẫn còn khó khăn, vậy tình hình kinh tế của anh hiện tại ra sao, anh có thể chia sẻ đôi chút được không, thưa anh?

Tôi đã 65 tuổi, vẫn sống kiếp nhà thuê. Ngoài kịch và cải lương, tôi còn chạy show phim và làm giám khảo các cuộc thi liên quan đến cải lương. Tôi sống liệu cơm gắp mắm, luôn ráng kiếm đủ tiền trả tiền nhà, còn việc ăn thì linh động. Lúc ít tiền, có khi ăn cơm với nước tương, trái chuối, miếng đậu hũ. Thế cũng đủ no để làm việc. Tương lai thế nào không thể biết được, quan trọng là ở hiện tại tôi được cống hiến cho cải lương.

Nghệ sĩ Bạch Long chia sẻ về vở diễn sắp tới 

Vậy thì động lực nào để anh có thể cháy hết mình với nghệ thuật truyền thống cải lương, thưa anh?

Trước tiên là vì tôi sinh ra trong gia tộc cải lương. Thứ đến, tôi đã trưởng thành cùng cải lương, và khi thành danh tôi thành lập Đồng ấu Bạch Long là ước vọng được truyền nghề cho thế hệ trẻ. Nhưng điều quan trọng nhất mà tôi đang cống hiến cho cải lương là vì ngày nay nhiều bạn trẻ đã làm sai bài bản cải lương tuồng cổ. Chứng kiến điều này, tôi thấy mình có trách nhiệm truyền dạy lại những cái đúng. Cái đúng này sẽ giúp các em trẻ khác nhận ra cái không đúng để hạn chế bớt.

Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Quốc hội đã bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường thứ 7 Quốc hội khóa 1 chiều 2.5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ Bạch Long: Tôi sống ‘liệu cơm gắp mắm’, hạnh phúc khi phụng sự cho cải lương