Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, đa số ý kiến các thành viên nhất trí với mức tăng lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng).
Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho ý kiến về việc tăng lương cơ sở. Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, do tác động của dịch bệnh tới tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN), lương cơ sở chưa được điều chỉnh từ năm 2020 trở lại đây. Theo đó nếu tiếp tục giữ mức 1.490.000 đồng/tháng như năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động trong khu vực nhà nước.
Ngoài ra, một số đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, người có công, phụ cấp nghề đối với các bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn có mức hưởng thấp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nên việc điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng này là phù hợp.
Về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết qua thẩm tra nhận thấy việc lập kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 đã bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, phù hợp Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; đảm bảo được nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn.
Đây sẽ là căn cứ bước đầu đánh giá khả năng dự kiến hoàn thành kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025. Vì vậy, để bảo đảm việc đánh giá, đề nghị bổ sung phụ lục số liệu đánh giá việc dự kiến thực hiện các chỉ tiêu được quy định trong Nghị quyết số 23/2021/QH15. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát, xây dựng Kế hoạch tài chính 3 năm bảo đảm tính thực tế, khả thi.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho biết vấn đề tăng lương cơ sở đã được đặt ra từ những năm trước.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Trung ương và địa phương phải tập trung trong công tác phòng, chống dịch bệnh và tăng cường phát triển kinh tế, do đó chưa thực hiện được công tác này. Đối với thời điểm hiện nay, đại biểu cho rằng việc đề xuất tăng lương cơ sở vào năm 2023 là hợp lý.
Ngoài ra, sau đại dịch COVID-19, cuộc sống của đại đa số nhân dân chịu ảnh hưởng rất nhiều theo hướng tiêu cực. Đối với tầng lớp cán bộ, công chức, viên chức cũng bị ảnh hưởng. Tuy không rõ rệt như các doanh nghiệp hay người dân khác nhưng cuộc sống cũng bị ảnh hưởng.
Về mức tăng tiền lương theo đề xuất của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng việc cải cách tiền lương trong thời điểm này là vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên mức tăng 20,8% chỉ mang tính chất động viên tinh thần là chính.
Theo đại biểu, đối với cán bộ công chức, khi tính theo thang bảng lương hiện hành cộng với 20,8% tăng thêm thì số tiền được tăng thêm với mỗi cán bộ, công chức trong một tháng vẫn rất thấp so với nhu cầu đời sống hiện tại. Dẫu vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga vẫn hy vọng sẽ có cải cách dần dần bởi còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách quốc gia.
Xử lý dứt điểm nợ đọng cơ bản
Trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện NSNN năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước vượt dự toán khá cao, tăng 14,3% so với dự toán, tăng 2,9% so với ước thực hiện năm 2021. Trong đó, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều vượt dự toán.
Về chi ngân sách nhà nước năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, báo cáo của Chính phủ cho thấy, chi NSNN năm 2022 đã bảo đảm các nhiệm vụ chỉ quản lý nhà nước, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và thanh toán đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội và các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết.
Về dự toán NSNN năm 2023, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, bối cảnh năm 2023 dự kiến thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng.
Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tuy nhiên, áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước... là những thách thức, áp lực rất lớn đối với việc thực hiện các chỉ tiêu thu, chi NSNN.
Về phương án phân bổ ngân sách Trung ương, ngoài các nguyên tắc nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị quán triệt một số nguyên tắc: Phân bổ ngân sách Trung ương phải bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ giao vốn, chỉ bố trí vốn cho các dự án đủ thủ tục đầu tư; bố trí trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn; xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn tối đa vốn ứng trước và đảm bảo thực hiện chính sách an sinh xã hội...