Báo cáo của VNDIRECT dự báo NHNN có thể nâng tiếp lãi suất điều hành trong 6 tháng tới, đồng thời lãi suất huy động cũng sẽ tiếp tục tăng.

Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục nâng lãi suất điều hành trong 6 tháng tới

Lam Thanh | 22/10/2022, 10:42

Báo cáo của VNDIRECT dự báo NHNN có thể nâng tiếp lãi suất điều hành trong 6 tháng tới, đồng thời lãi suất huy động cũng sẽ tiếp tục tăng.

NHNN có thể nâng tiếp lãi suất điều hành trong 6 tháng tới

Theo báo cáo của VNDIRECT, sau lần tăng lãi suất gần nhất của Fed, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản; trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5,0% lên 6,0%...

“Chúng tôi đánh giá hành động trên của NHNN Việt Nam là tương đối quyết liệt và kịp thời nhằm hỗ trợ tỷ giá VND và kiềm chế lạm phát”, báo cáo nêu.

Tính từ đầu năm 2022, mức tăng lãi suất điều hành của Việt Nam đã cao hơn một chút so với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. VNDIRECT dự báo NHNN có thể tăng lãi suất điều hành thêm 50-100 điểm cơ bản trong vòng 6 tháng tới.

Lý do xuất phát từ các yếu tố như Fed dự định tăng lãi suất thêm khoảng 150 điểm cơ bản trong 6 tháng tới; USD có thể mạnh lên so với các đồng tiền khác khi Fed duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và gây áplực lên tỷ giá VND; tăng lãi suất giúp hạ nhiệt lạm phát.

VNDIRECT cũng dự phóng lãi suất tái cấp vốn có thể tăng lên mức 5,5-6,0% và lãi suất tái chiết khấu tăng mức lên mức 4-4,5% trong đợt tăng lãi suất tiếp theo.

ls.jpg
Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành

Cũng theo báo cáo này, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng mạnh trong tuần đầu tháng 10 với lãi suất qua đêm và 1 tuần đạt đỉnh lần lượt là 8,4%/năm và 9,5%/năm vào ngày 5 tháng 10.

Việc tăng chủ yếu do nhu cầu huy động vốn tăng mạnh do NHNN chính thức nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng; chênh lệch lớn giữa tăng trưởng tiền gửi và tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2022; sau sự kiện Vạn Thịnh Phát, một số ngân hàng đứng trước nguy cơ thiếu hụt thanh khoản ngắn hạn. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thông qua việc liên tục bơm ròng vào hệ thống ngân hàng, lên tới 20.000 tỉ đồng/ngày.

Vào ngày 11.10, lãi suất qua đêm thị trường liên ngân hàng cũng giảm xuống mức 7,0%/năm. Tuy nhiên, việc lãi suất qua đêm giảm xuống mức thấp như hồi đầu năm là khó xảy ra và nhiều khả năng duy trì trên mức 5%/năm khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất điều hành cho đến quý 1/2023.

Lãi suất huy động dự kiến tiếp tục tăng trong quý 4/2022 và 2023

Sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản cơ bản vào ngày 23.9, các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng tăng lãi suất huy động VND.

Bốn ngân hàng quốc doanh (VCB, Vietinbank, Agribank và BIDV) đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng lên 4,4% ( tăng 103 điểm cơ bản so với đầu năm) và kỳ hạn 12 tháng lên 6,4% (+87 điểm cơ bản so với đầu năm).

“Chúng tôi cho rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Lý do đến từ tác động từ việc NHNN tăng lãi suất; tăng trưởng huy động chậm trong 7 tháng năm 22 do lãi suất huy động kém hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác; Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất điều hành lên mức quanh 4,5% vào cuối năm 2022 và đồng USD mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam”, VNDIRECT.

Đơn vị này cũng dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 6,5-6,7%/năm (bình quân) vào cuối năm 2022. Đối với năm 2023, dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản, theo đó lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên 7,0-7,2%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023.

VND có thể mất giá khoảng 6-8% so với USD

VNDIRECT cũng cho rằng tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất. Thêm vào đó, NHNN cũng đã phải bán bớt một phần dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.

Theo ước tính, dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống còn khoảng 3 tháng nhập khẩu (khoảng 89 tỉ USD) so với mức 3,9 tháng vào cuối năm 2021. Do đó, NHNN có ít dư địa để hỗ trợ tỷ giá hối đoái hơn so với trước đây trong trường hợp đồng USD tiếp tục mạnh lên trong những tháng cuối năm 2022.

“Chúng tôi dự báo VND có thể mất giá khoảng 6-8% so với USD trong năm 2022. Đối với năm 2023, chúng tôi kỳ vọng áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ hạ nhiệt đáng kể và VND sẽ tăng giá 1-2% so với USD trong năm 2023”, báo cáo nêu.

ls-2.jpg
VND có thể mất giá khoảng 6-8% so với USD

Cơ sở cho dự báo này là Fed sẽ chuyển từ "thắt chặt chính sách tiền tệ" sang "bình thường hóa" vào năm tới; Fed cũng có khả năng giảm nhẹ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2023; lãi suất VND có xu hướng tiếp tục tăng lên trong năm 2023; bộ đệm từ thặng dư thương mại và thặng dư cán cân thanh toán tốt hơn trong năm 2022

Cần đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp

VNDIRECT cũng cho biết gói cấp bù lãi suất 2% nằm trong gói kích cầu kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ. Quy mô hỗ trợ lên đến 40.000 tỉ đồng dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Theo NHNN, ước tính đến hết tháng 8, gói này mới giải ngân được 13,5 tỉ đồng, tương đương chưa đến 0,1% kế hoạch giải ngân cho năm 2022. Việc triển khai gói bù lãi suất diễn ra chậm hơn dự kiến và rất khó đạt được mục tiêu ban đầu là giải ngân 16.000 tỉ đồng trên quy mô 40.000 tỉ đồng vào năm 2022. Do đó, gói cấp bù lãi suất này ít tác động đến lãi suất cho vay trong năm nay.

“Chúng tôi cho rằng cần triển khai nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp để góp phần kìm đà tăng của lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp”, báo cáo nhấn mạnh. Điều này là hết sức cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng tới, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất cho vay.

Nếu được triển khai tốt, gói cấp bù lãi suất 2% có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 20-40 điểm cơ bản và bù đắp phần nào việc tăng lãi suất do sức ép từ việc tăng lãi suất huy động.

Bài liên quan
Ngân hàng Nhà nước tích cực tìm giải pháp 'cứu' SCB
Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu khẩn trương, tích cực tìm ra giải pháp cơ chế, tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB từng bước phục hồi và hoạt động bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục nâng lãi suất điều hành trong 6 tháng tới