Nếu tăng phí chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở từ 50% lên 80% giá đất thì doanh nghiệp phát triển bất động sản phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ khi triển khai dự án. Cuối cùng người tiêu dùng là người phải gánh chịu các loại chi phí này khi mua nhà.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có phản hồi về kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM về quy định mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo HoREA, tại điều 5 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13.4.2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2014 đã giao UBND TP.HCM quy định mức nộp cụ thể nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải chuyển sang đất phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất. HoREA nói đây là một khoản thu ngân sách mới sẽ làm tăng thêm chi phí tạo lập quỹ đất của tất cả dự án có sử dụng đất nông nghiệp chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp.
Về vấn đề này, Sở Tài chính TP.HCM ngày 18.7 đã có văn bản trình UBND TP với đề nghị phân thành 2 nhóm đối tượng để xây dựng mức thu cho hợp lý. Cụ thể, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước thành đất ở; đất kinh doanh dịch vụ, thương mại; tài chính; nhà hàng; khách sạn; văn phòng làm việc và cho thuê thì tỷ lệ phần trăm xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tính bằng 80%. Tại dự thảo lần đầu, Sở Tài chính còn đề nghị nhóm đối tượng này áp dụng theo mức tối đa là 100%.
Sở Tài chính cho rằng nếu quy định tất cả các lĩnh vực theo một mức thu thấp nhất là không hợp lý, nên đề nghị các lĩnh vực này phải có mức thu cao hơn. Do đó, Sở Tài chính đề xuất mức thu của nhóm đối tượng này là 80% là phù hợp.Tuy nhiên, theo ý kiến của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thì chỉ đề nghị quy định theo mức thấp nhất là 50%.
Trong khi đó, đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất để sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp; nhà kho, nhà xưởng; hoạt động khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất xây dựng siêu thị, cửa hàng thương mại - dịch vụ bán hàng bình ổn giá; cửa hàng xăng dầu; xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê tại các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất; bến cảng, bến tàu, bến phà, bến đò, bến xe, nhà ga thì Sở Tài chính quy định tỷ lệ phần trăm xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tính bằng 50%.
“Hiệp hội nhận thấy đề xuất trên của Sở Tài chính chưa thật thấu tình đạt lý, bởi lẽ không có cơ sở khoa học và cả trong thực tiễn để nói đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất có lợi nhuận không cao bằng các lĩnh vực nhà ở, thương mại, dịch vụ vì trên thực tế có những doanh nghiệp chủ đầu tư các khu công nghiệp lớn đã đạt lợi nhuận cao và ổn định hơn các chủ đầu tư dự án bất động sản.
Hơn nữa, các chủ đầu tư dự án bất động sản nhà ở còn phải thực hiện nghĩa vụ dành 20% quỹ đất kinh doanh để làm nhà ở xã hội; phải dành 20% căn hộ của dự án để cho thuê; phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai; phải đầu tư hệ thống cấp điện, cấp nước rồi bàn giao cho Công ty Điện lực, Công ty Cấp nước sở hữu, kinh doanh mà không được bồi hoàn...nhất là trong lúc các chủ đầu tư đang nỗ lực giảm giá thành để người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận nhà ở”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định.
Ông Châu cho rằng tình hình thị trường bất động sản mới vừa phục hồi và tăng trưởng chưa thực sự vững chắc, nên Hiệp hội đã đề nghị HĐND TP, UBND TP chỉ quy định mức nộp bằng 50% giá đất trồng lúa nước theo bảng giá đất thì phù hợp hơn.
“Các doanh nghiệp phát triển bất động sản đã phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ khi triển khai dự án, mà cuối cùng người tiêu dùng là người phải gánh chịu các loại chi phí này khi mua nhà”, ông Châu nói thêm.
Phan Diệu