Từ chuyện thêm thuế, nghĩ lại mới thấy việc quản lý xã hội ở ta còn nhiều khuyết tật lắm. Về khung pháp lý thì có vẻ ổn nhưng đi sâu vào mới thấy không phải vậy.
Hôm 13.4 tivi và các báo thông tin Bộ Tài chính đang nghiên cứu các phương án thu thuế đối với những căn nhà trị giá trên 700.000.000 đồng và xe ô tô trên 1,5 tỉ đồng. Sáng nay mở các trang mạng ra thấy phản ứng của các tầng lớp xã hội rất dữ dội về đề nghị còn nhiều vấn đề về tính pháp lý lẫn rất kém về đạo lý ấy.
Tôi có mấy suy nghĩ chưa chín nhưng cũng xin bày tỏ như sau:
Giá ngôi nhà trên 700 triệu có thể coi là không lớn lắm đối với hai vợ chồng một công chức, có thu nhập trung bình. Gom góp đến cuối đời chắc cũng mua được ngôi nhà để vui sống tuổi già. Nhưng tại sao lại phải nộp thuế lần thứ n chứ không phải lần đầu khi mua được nhà trị giá không lớn như vậy?
Từ nhiều năm trước nhà nước đã đánh thuế thu nhập. Mọi người nếu thu nhập đạt đến độ phải nộp thuế thì phải nộp, không ai tránh được. Các doanh nhân, nghệ sĩ, những nhà khoa học thực hiện các hợp đồng nghiên cứu đều phải nộp thuế. Những người sản xuất ra hàng hóa bán ra thị trường cũng phải nộp thuế từ quả trứng, con cá, hoa quả, cây rau, cây hoa... Như vậy nghĩa vụ công dân người ta đã làm đủ.
Vậy số tiền tích lũy được sau thuế là tiền của công dân, không phải tiền họ trốn thuế nên nhà nước không thể đánh thuế họ lần nữa được. Đó là về mặt pháp lý.
Còn về mặt đạo lý, những người nghĩ ra " tư tưởng" mới này đã không nghĩ đến sự phản cảm, phi đạo lý của vấn đề. Không thể cứ nghĩ đến chuyện tận thu như thế khi mà sức dân không khỏe như họ nghĩ. Đành rằng khi điều đó được thực hiện thì cả họ cũng là người phải thi hành. Họ không thể muốn thế nào thì cứ đề xuất vì mọi đề xuất phải tuân thủ pháp luật và căn cứ vào nhiệm vụ vì dân, cho dân chứ không phải chỉ từ góc nhìn của nhà quản lý.
Từ chuyện thêm thuế, nghĩ lại mới thấy việc quản lý xã hội ở ta còn nhiều khuyết tật lắm. Về khung pháp lý thì có vẻ ổn nhưng đi sâu vào mới thấy không phải vậy. Từ các bộ, ngành đến các địa phương luôn thấy sự vênh lệch giữa các quy định khiến cho khi thực hiện rất khó khăn. Đơn vị, địa phương nào cũng có quyền ra các hướng dẫn, chỉ thị, quy định mà từ đó dễ gây ra những bất ổn cả về tâm thế xã hội lẫn vi phạm khung pháp lý. Ví như Bộ Công an bắt người có xe phải mua bình chữa cháy, Bộ Y tế quy định người ngực lép, nhẹ cân không được lái xe (sau đó đã bỏ)... Tình trạng "cát cứ" gây ra những hệ lụy rất lớn. Khi bị dư luận xã hội phản ứng lại xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Đến chở cái cây quá khổ, quá tải mà Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải là các cơ quan quản lý không xử lý được, cũng phải xin ý kiến Thủ tướng. Đó là do sự kém cỏi, do thái độ thiếu trách nhiệm của người thực thi trách nhiệm công vụ và do cả thói dựa dẫm, quen ỷ lại, đổ trách nhiệm lên người khác và tàn dư của tư tưởng xin-cho đã thành quán tính của xã hội.
Tù tư tưởng ấy mà mọi sự linh hoạt, linh động, đặc thù... nằm ngoài pháp luật đã đẩy tình trạng quản lý xã hội ở cả cấp vĩ mô đến trong nội bộ một đơn vị luôn có tình trạng phá vỡ quy hoạch, vi phạm pháp luật, khi cần có gì khác và ngoài quy định lại làm tờ trình xin các cấp giải quyết. Và, sau nhiều đường đi quẩn quanh, loằng ngoằng, người ta lại quyết cả những gì vốn không được phép. Cứ nhìn lại những chuyện lớn của quốc gia đến những chuyện nhỏ của một đơn vị mà xem, chuyện xin-cho nằm ngoài pháp luật, ngoài quy hoạch mà vẫn cứ coi là đúng quy trình xảy ra như cơm bữa. Formosa, BOT các kiểu, cảng biển, xây nhà, bán đất, lập các khu đô thị, bán doanh nghiệp, mua ngân hàng... đều diễn ra theo cách đó cả.
Vậy ai có lỗi trong những chuyện như vậy? Phải để tòa án phán xử nhưng chắc chắn tinh thần thượng tôn pháp luật còn rất nhiều vấn đề đáng nói nên mới có chuyện này. Phải xây dựng xã hội theo tinh thần pháp trị, không có tổ chức cà cá nhân nào được quyền đứng ngoài, đứng cao hơn pháp luật thì mới mong mọi chuyện dần đi vào nền nếp, luật nào chưa có phải xây dựng, điều nào không khả thi, trái hiến pháp phải sửa. Chỉ có thế mới ngăn ngừa được tình trạng lạm quyền, vượt quyền như đã diễn ra.
Chuyện này còn dài, phức tạp. Tôi chỉ bàn về một khía cạnh tạm coi là nhỏ thế thôi.
Phạm Quang Long